Chia sẻ về những vấn đề của bức tranh nền kinh tế Việt Nam tại Hội thảo “Giải cứu DN và cơ hội đầu tư trên TTCK” do CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS) tổ chức, TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW cho rằng, chúng ta cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ hơn nữa các giải pháp của Chính phủ, đặc biệt trong vấn đề xử lý nợ xấu.

- Hàng tồn kho tăng, vòng quay chậm lại, đặc biệt trong lĩnh vực thép, xi măng, nhựa... là vấn đề lớn khiến nhiều DN lao đao. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Theo tôi, tồn kho lớn tại các DN xuất phát từ chính bản thân DN, từ cách thức kinh doanh, khả năng kinh doanh yếu tố bên ngoài, tổng cầu trong nước giảm sút rất mạnh, khả năng xoay sở với tín dụng khó khăn hơn do chính sách thắt chặt tín dụng… nhìn với nguyên nhân như vậy thì Chính phủ cũng đang xây dựng chính sách hỗ trợ cho DN như giảm lãi suất tiếp cận tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu, giảm, miễn giảm thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; kích tiêu dùng như tăng lương mạnh hơn bình thường, giảm thuế thu nhập cá nhân, giãn thuế VAT, mở cửa cho vay tiêu dùng và đặc biệt thúc đẩy kích cầu đầu tư bằng việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo kế hoạch cộng với một số ngàn tỷ bổ sung trong gói hỗ trợ cho DN. Bên cạnh đó có hướng bên ngoài gắn với xúc tiến thương mại và đầu tư.

Tôi cho rằng trong 6 tháng cuối năm các doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt hơn: bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng khả năng tiếp cận tín dụng và gói hỗ trợ, các chỉ số sản xuất công nghiệp là tiêu dùng, tồn kho, nhập khẩu đều “nhúc nhắc” đi lên.

Hội thảo “Giải cứu doanh nghiệp và cơ hội đầu tư trên TTCK” do CTCK Sài Gòn – Hà Nội tổ chức mới đây. Hội thảo đã thu hút hơn 300 nhà đầu tư tham dự cho thấy mức độ quan tâm rất cao của NĐT trước những diễn biến kinh tế vĩ mô cũng như sự quan tâm của NĐT đối với TTCK từ nay tới cuối năm 2012.

- Thưa ông, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ giúp giải phóng lượng hàng tồn kho của ngành xây dựng. Nhưng như vậy nó lại đi ngược lại chính sách cắt giảm đầu tư công của Chính phủ?

Rõ ràng 2 vấn đề đó có mâu thuẫn trong chừng mực nhất định. Năm nay, theo kế hoạch, tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 34% GDP, trong đó, đầu tư công chiếm 35% của tổng đầu tư toàn xã hội. So với trước đây, tổng đầu tư toàn xã hội khoảng 40% GDP, tổng đầu tư công khoảng 40-45%, thì rõ ràng có sự sụt giảm. Đầu tư công phần lớn vào xây dựng cơ bản và phát triển kết cấu hạ tầng, chắc chắn nó gắn với tiêu thụ sắt, thép, xi măng. Nhưng trước đây, chúng ta chưa nhận ra sự lệch lạc ít nhiều trong quy hoạch phát triển ngành thép, xi măng... do tăng trưởng nói chung của ngành BĐS bên cạnh đầu tư công khá tốt. Tất nhiên, do đầu tư tăng, tín dụng bơm ra nhiều, kéo theo đấy, ngành vật liệu xây dựng cũng dễ che giấu những khiếm khuyết trong quy hoạch. Nói tóm lại, ngành vật liệu xây dựng phát triển gắn với ngành xây dựng nói chung của đất nước, trong đó một phần quan trọng là Nhà nước. Nhà nước giảm đầu tư, tất yếu gây ảnh hưởng ít nhiều, nhưng đây không phải điều duy nhất, mà chúng ta phải thừa nhận những sai lầm trong quy hoạch phát triển.

- Vấn đề nợ xấu tại hệ thống ngân hàng sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?


Vấn đề xử lý nợ xấu tại ngân hàng hiện có 3 cách. Thứ nhất, để cho các ngân hàng tự xử lý nợ xấu bằng cách lập các công ty mua bán nợ (AMC); tuy nhiên, các công ty này chỉ xử lý được các khoản nợ nhỏ. Thứ hai, sẽ dựa vào các tổ chức nước ngoài đứng ra mua bán nợ xấu hoặc môi giới trên thị trường thế giới. Thứ ba sẽ do Chính phủ giải quyết. Tuy nhiên, dù có sử dụng phương cách gì thì mấu chốt Chính phủ vẫn phải làm thật quyết liệt việc xử lý nợ xấu. Kinh nghiệm cho thấy, càng chần chừ cái này thì vấn đề nợ xấu càng lớn.


Đề án Công ty mua bán nợ xấu do NHNN đưa lên vẫn chưa có phương án quyết định nào cả. Đề án này sẽ được thảo luận kỹ trong tháng 7 và nếu có quyết định thì phải sang tháng 8. Bên cạnh đó, Thủ tướng đang chỉ thị NHNN thay đổi cách thức bảo lãnh tín dụng cho nhẹ nhàng và dễ tiếp cận. Chúng ta có ngân hàng phát triển nhưng việc bảo lãnh tín dụng vẫn quá phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.


Nhìn vào con số nợ xấu tại ngân hàng thì chủ yếu là nợ xấu từ nhóm 4, nhóm 5 (tức nợ xấu nhất) có liên quan nhiều nhất tới thị trường BĐS. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh là do sự đóng băng và xu hướng xấu của BĐS. Chính phủ vừa rồi cũng đã đưa ra một số cách thức nhằm giảm bớt khó khăn cho BĐS như giảm miễn thuế với tiền thuê đất, hỗ trợ cho phân khúc thị trường đặc biệt là nhà thu nhập thấp và thứ ba là nới cho vay tiêu dùng. Những cách làm này thể hiện sự quyết liệt giảm nợ xấu trên thị trường BĐS của Chính phủ.


- Nói riêng tới TTCK Việt Nam, theo ông dự báo, từ nay tới cuối năm TTCK sẽ chịu những tác động như thế nào?


Theo tôi, nền kinh tế thế giới từ nay tới đầu năm 2013 trở nên bi quan hơn rất nhiều. Tăng trưởng suy giảm so với 2010 và 2011, lòng tin trồi sụt. Tháng 2 bi quan; tháng 3-4 có vẻ hồi phục, sau khi tình hình Hy Lạp được cải thiện hơn. Nhưng tới tháng 5-6 thì nhìn nhận lại ảm đạm. Như vậy, bối cảnh kinh tế thế giới có tác động rất xấu tới thương mại và đầu tư. Như vậy, về trung và dài hạn kinh tế thế giới thực sự đang trong ‘thời kỳ chuyển đổi’ với rủi ro, bất định cao và dai dẳng. Đó là bong bong tài sản tài chính rất lớn, vấn đề nợ cộng US, khu vực Euro, mất cân đối vĩ mô toàn cầu; mâu thuẫn giữa ý tưởng mới về phát triển và sự đồng thuận trong cách thức ứng xử giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.
Nhìn tổng thể về kinh tế Việt Nam tôi cho rằng năm 2012 nền kinh tế rất dễ bị tổn thương. Đà phục hồi giảm, lạm phát cao, thực thi chính sách vĩ mô thắt chặt. Một nền kinh tế dễ tổn thương, kinh tế vĩ mô cải thiện song rủi ro hiện hữu, cầu suy giảm, sản xuất kinh doanh rất khó khăn.


Phản ứng chính sách 2012 vẫn là chặt chẽ và linh hoạt, dù nếu nhìn nhận thực tế thấy chính sách nới lỏng hơn 2011. 6 tháng đầu năm 2012 nền kinh tế chịu những rủi ro vĩ mô như lạm phát năm giảm nhanh, thâm hụt thương mại giảm mạnh (gần 675 triệu USD); cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng mạnh; thanh khoản cải thiện song nợ xấu lại tăng mạnh. Sản xuất kinh doanh đình trệ, đình đốn ở nhiều khu vực (tăng trưởng và chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp rất thấp; tồn kho cao; hàng loạt DN giải thể, dừng sản xuất hoặc sống ‘vật vờ’)…

Chính bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước như vậy khiến cho TTCK từ đầu năm tới nay không thực sự sôi động lắm, và được xem là thời điểm khó khăn. Sự hoài nghi đang bao trùm toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Tôi cho rằng, từ nay tới cuối năm, xem xét sóng trên TTCK phải xem ở những yếu tố như: vấn đề giải ngân, ngân sách, vấn đề xử lý nợ xấu như thế nào, M&A,…Cổ phần hóa DN nhà nước cũng là yếu tố quan trọng cần lưu ý. Chính phủ đã có quyết định sẽ cổ phần hóa các DN nhà nước trong năm nay cộng với động thái SCIC tăng vốn rất mạnh, có thể tạo ra sự thú vị trên TTCK.

Ông Trần Hữu Chung - Phó TGĐ kiêm phụ trách bộ phận môi giới của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội: “TTCK dự báo khởi sắc từ cuối quý 3 năm nay”.

Tôi cho rằng kênh đầu tư chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hiệu quả nhất và TTCK dự báo khởi sắc từ cuối quý 3 năm nay. 6 tháng đầu năm đầu tư chứng khoán vẫn tăng khoảng 20%-50%, trong khi bất động sản giảm 20%-40%.

6 tháng cuối năm, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục biến động theo kỳ vọng vĩ mô. Kinh tế Việt Nam sẽ có lạm phát cả năm ở khoảng 7%-8%; tỷ giá sẽ ổn đinh, dự trữ ngoại hối khoảng 20 tỷ USD. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán sẽ được định hướng thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ. GDP 2012 sẽ từ 5,2%-5,7%. Hiện chỉ số tồn kho cao nhưng đang trên đà giảm trong 4 tháng trở lại đây; Nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ được xử lý. Tăng trưởng tín dụng cả năm 12%-13%.

Các ngành có lợi thế để đầu tư dài hạn hiện nay gồm ngân hàng (CTG, EIB, ACB, MBB), dịch vụ cảng biển (VSC, GMD), hàng tiêu dùng (VNM, EVE) và y tế - dược phẩm (TRA).

Bên cạnh đó cổ phiếu thuộc một số nhóm ngành tôn thép (HSG, HPG), xây dựng cơ sở hạ tầng (CII), phân bón hóa chất (DPM, LAS), nhựa xây dựng (NTP, BMP) hiện đang có yếu tố cơ bản tốt.

Theo DĐDN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.