08/09/2017 3:55 PM
Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột; không thể đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác như thế được.
Phát biểu tham luận tại buổi Tọa đàm "Dự án BOT - Chính sách và giải pháp" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (Viện PLD) tổ chức sáng 8/9 tại Hà Nội, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột; người dân không đi trên đường BOT thì không thể thu phí; không thể đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - TS Nguyễn Sỹ Dũng: "Thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột"
.
TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng các dự án BOT giao thông (hợp đồng theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) hiện nay đang có nhiều điều không ổn, và nếu không xử lý sớm thì bất ổn sẽ xảy ra.
Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, có 4 bất ổn trong hợp đồng BOT hiện nay, đó là:
Về hợp đồng BOT, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng tất cả các cổ đông liên quan đều phải được có ý kiến, không thể chỉ có chủ đầu tư, nhà thầu, cơ quan quản lý trực tiếp được có ý kiến. "Cổ đông lớn nhất là lợi ích quốc gia, giờ ai đại diện không rõ. Nói Bộ GTVT đại diện lợi ích quốc gia thì xin lỗi, không đúng", TS Nguyễn Sỹ Dũng nói.
Cổ đông thứ hai, theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, phải được có ý kiến, đó là người dân. Ai đại diện cho người dân? Quốc hội đại diện thì Quốc hội phải tham gia thế nào đó?
Thứ ba là những nhà làm kinh tế vận tải, đó là người chi tiền, khách hàng. Không thể có chuyện khách hàng không được có ý kiến. "Rõ ràng khách hàng là thượng đế. Thượng đế gì mà bắt trả bao nhiêu phải trả bấy nhiêu. Rõ ràng trong hợp đồng của BOT, rất nhiều cổ đông của BOT không được có ý kiến. Tôi cho rằng từ nay trở đi phải nên thay đổi", TS Dũng cho hay.
Tọa đàm "Dự án BOT - Chính sách và giải pháp" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (Viện PLD) tổ chức sáng 8/9 tại Hà Nội.
Về giải pháp, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng không thể không xử lý, không thể nhắm mắt. "Vấn đề đầu tiên là thu phí BOT như kiểu trấn lột, người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu phí. Đường tránh một chỗ, đặt trạm thu phí chỗ khác là không thể được, phải sửa nay điều này. Trả một đồng thôi mà bất công người dân cũng không chịu, vì vậy phải dời trạm thu phí, không thể trấn lột người dân được", ông Dũng gay gắt phân tích.
Thứ hai là không thể "cân điêu" cho người dân được. Anh đặt trạm BOT ở đó, người dân sống xung quanh đó, nhưng không đi trên đường anh làm mà anh vẫn đặt trạm thu phí. "Mỗi lần người ta đi qua, chỉ đi có 2 km đường, nhưng anh thu tiền của người ta cả tuyến, tức là anh đang "cân điêu" cho người dân; chưa nói đến chuyện trạm thu phí khiến cuộc sống họ hết sức khó khăn, bất tiện. Do đó phải tính khác và phải miễn phí cho những người sống ở đó", ông Dũng phân tích.
Thứ ba phải minh bạch. "Đường mà tráng lại trên Quốc lộ 1 rồi thu phí thì cần phải hủy bỏ, bởi người dân đã trả phí bảo trì đường bộ rồi. Không thể nào láng lại đường là anh lại thu lần nữa. Người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi thì không thể có chuyện đó", ông Dũng bày tỏ.
Tiếp theo, TS Dũng cho rằng phải xem xét lại tất cả các hợp đồng BOT. "Bởi anh nhân danh người dân, xã hội nhưng xã hội chưa được có ý kiến, các cổ đông liên quan trực tiếp chưa có ý kiến nên phải được xem xét lại. Khoản chi phí nào bất hợp lý phải được huỷ bỏ", nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.
“Điều vô lý ở các hợp đồng BOT là có ghi điều khoản “bí mật”. Một hợp đồng kinh tế thì có gì mà phải bí mật. Chỉ có “ma” thì mới thích bóng tối”, TS Nguyễn Sỹ Dũng nêu quan điểm.
Từ những phân tích trên, TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng cần phải đưa những trạm BOT bất hợp lý về đúng vị trí. “ông không thể làm đường tránh TP Vĩnh Yên mãi trên QL2 ở Vĩnh Phúc mà lại đặt trạm thu phí ở Bắc Thăng Long – Nội Bài được. Thứ 2 là phải công khai minh bạch các hợp đồng BOT cho tất cả biết và giám sát”./.
Bất cập của BOT đang ảnh hưởng lớn đến người nghèo
Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT giao thông?" do Báo Công an Nhân dân tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng không nên "chẻ chữ" rằng tiền lẻ cũng do Ngân hàng Nhà nước ban hành. Theo ông Kiên, việc tiêu tiền lẻ phải có văn hóa. Ứng xử với nhau trong xã hội pháp quyền, người dân có quyền tiêu tiền thế nào cho thuận tiện nhưng không được gây phiền hà đến người khác.
Vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, phát biểu: Người dân nghèo dùng xe máy thì đã được miễn phí qua trạm BOT, vì vậy không bị ảnh hưởng gì (?!). Điều này đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều.
Tại tọa đàm khoa học: “Dự án BOT – Chính sách và giải pháp” diễn ra sáng 8/9, nhiều chuyên gia cho rằng, nhận xét “BOT không ảnh hưởng đến người nghèo” của một vị ĐBQH là không xác đáng.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, đang chịu tác động rất lớn từ thu phí BOT: “Một chuyến xe từ bến xe Nước Ngầm về Nam Định, 1 tháng mất 18 triệu đồng tiền phí. Có người nói BOT không tác động người nghèo là không thỏa đáng. Còn nói BOT miễn phí cho người đi xe máy nhưng cao tốc cấm xe máy…Tôi cho rằng, tác động của BOT là toàn xã hội, làm giá cả hàng hóa tăng lên. Cũng như câu nói của lãnh đạo Bộ Tài chính về việc thuế giá trị gia tăng không ảnh hưởng đến người nghèo, tôi cho rằng, những phát biểu trước người dân như vậy cần phải hết sức thận trọng”.
Còn Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cũng cho rằng, cách thực hiện hiện nay khiến đầu tư BOT “kiểu gì cũng lãi”, siêu lợi nhuận…và đang bóp chết nền kinh tế, doanh nghiệp. Trong đó, người dân nghèo bị trả giá và nhiều nhất. Bởi lẽ, chi phí tăng sẽ tác động đến giá cả, người nghèo khi mà tính theo sức mua tương đương, họ bị ảnh hưởng hơn cả người giàu.
Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Phi Long (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.