"Những người có tiền ấy đã không tin vào ngân hàng, họ đã ham nguồn lợi trước mắt với lãi suất cao khác thường. Tức là họ dốt về mặt pháp luật, không có sự hiểu biết nhưng họ lại có thừa sự tham lam cho nên họ mới rơi vào cái bẫy của các đối tượng này"...
Thông tin về các vụ vỡ nợ với quy mô lớn liên tục được cập nhật trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian gần đây. Để hiểu rõ vấn đề này, PV Phunutoday đã có cuộc trao đổi với TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.


TS Lê Đăng Doanh mổ xẻ các vụ
TS Lê Đăng Doanh

PV: - Trong vòng 1 tháng vừa qua, tại nhiều tỉnh, thành phố đã xảy ra hàng loạt vụ vỡ nợ lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Tại sao loại hình kinh doanh này lại xuất hiện nhiều như vậy, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: - Vỡ nợ tín dụng là thuộc hệ thống tuy hình thức không phải là cái gì đó mới. Trước đây đã có vụ Nguyễn Văn Mười Hai vỡ hụi và đã phải xử lý rất nghiêm khắc thời kỳ đó (những năm 80 - PV). Thế nhưng bây giờ điều đó lại diễn ra một lần nữa bởi vì thứ nhất, một số người tham lam và nghĩ rằng họ có thể kiếm được lời bằng cách dụ dỗ, bịp bợm người ta để cho một lãi suất cao. Rồi đến một lúc nào đấy trò bịp bợm này sẽ bị lật tẩy ra thì họ tìm cách trốn và đây rõ ràng là có một khoảng trống của sự kiểm soát của pháp luật.

Tại sao những người này lại có thể hoạt động như vậy mà không có cơ quan pháp luật nào đến hỏi thăm? Tại sao những việc đó xảy đến với bao nhiêu người, bao nhiêu hộ dân mà cơ quan có trách nhiệm quản lý ở đấy sao không thấy ai chịu trách nhiệm cả? Đó là một điều cần phải đánh dấu hỏi.


Nguyên nhân thứ hai là có một số người thực sự cần vốn nhưng các ngân hàng lại không sẵn sàng cấp vốn, cấp tín dụng cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ này cho nên họ mới phải tiếp cận với "ngân hàng ngoài luồng", họ lập ra các cái họ, các cái hụi, các quỹ tín dụng nhân dân, thì cái đó phải được quản lý chặt chẽ. Và cho đến nay, không biết rằng trong số những tín dụng đó có những quỹ tín dụng nào có nguy cơ bị đổ hay không?


Tôi nghĩ, đây là một bài học đau đớn, đau xót cho nền kinh tế. Và điều đấy cho thấy cái lòng tham nó có thể vượt qua tất cả ranh giới về đạo đức, vượt qua ranh giới về quan hệ giữa người và người và từ đó sẽ đi đến lĩnh vực của tội ác. Việc này cần được xử lý một cách nghiêm khắc. Tôi nghĩ, những cơ quan ở những nơi có vỡ hụi như vậy, vỡ tín đụng đen như vậy thử hỏi rằng cơ quan đó làm sao không biết, làm sao không có cái báo cáo, phát hiện gì cả. Đấy là cái điều mà tôi nghĩ cũng cần phải được nêu ra.


PV: -
Nhưng, vì sao các vụ vỡ tín dụng đen lại cùng xuất hiện trong thời điểm này?

TS Lê Đăng Doanh:
- Đương nhiên trong thời kỳ kinh tế khó khăn, thị trường đầu ra khó khăn, chứng khoán sút điểm, thị trường vàng rủi ro, các sản phẩm kinh doanh bắt đầu giảm sút, tồn kho thì tăng lên; tất cả những biện pháp đầu cơ đều bế tắc ... cho nên "nó" mới bắt đầu lộ diện. Trong tình hình này, tôi đề nghị cần phải kiểm tra một cách ráo riết và cơ quan an ninh phải xem xét những người nào có hành vi khả nghi, những người nào có dấu hiệu và phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời sự đổ vỡ trước khi đã quá muộn.

PV -
Qua đây có nên luật hóa loại hình kinh doanh này không, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh:
- Thực tế là phải hết sức nghiêm cấm các hình thức đó. Đấy là các hoạt động vi phạm Luật pháp của Nhà nước về Ngân hàng. Các ngân hàng phải có những quy định rõ ràng lãi suất là bao nhiêu, giới hạn của nó là ở chỗ nào. Tại sao những người vi phạm không ai phát hiện ra mà để đến nỗi từng này người trở thành nạn nhân? Mà tôi tin là cái số nạn nhân đó trở nên bần cùng, bị tha hóa về mặt xã hội, mất nhà, mất cửa, con cái không được đi học... hệ quả rất nghiêm trọng. Việc đó có cần phải rút kinh nghiệm không và phải có quy định chặt chẽ như thế nào? Bây giờ chả nhẽ chỉ có một số nạn nhân ấy chịu trách nhiệm thế thôi à? Không có ai chịu trách nhiệm về việc này sao?

PV: -
Loại hình này tràn lan như vậy chứng tỏ vốn trong dân chưa được huy động tốt, theo ông nguyên nhân là do đâu? Tại sao người ta không gửi ngân hàng, tín dụng mà lại đặt lòng tin mơ hồ vào những người quen tự dưng đứng ra huy động vốn với lãi suất cực cao?

TS Lê Đăng Doanh:
- Những người có tiền ấy đã không tin vào ngân hàng, họ đã ham nguồn lợi trước mắt với lãi suất cao khác thường. Tức là họ dốt về mặt pháp luật, không có sự hiểu biết nhưng họ lại có thừa sự tham lam cho nên họ mới rơi vào cái bẫy của các đối tượng này. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ tại sao họ đến đấy nườm nượp? Rồi kinh doanh như thế, tại sao lại không có sự công khai minh bạch, không có ai nắm được thông tin?

Tôi nghĩ rằng ở đây có một cái lỗ hổng. Tức là trước tình hình đó phải có quy chế, phát hiện các hoạt động phi pháp đó. Và tại sao các cơ quan có trách nhiệm, không thấy rằng mình có trách nhiệm ở đâu, chính quyền địa phương, cơ quan an ninh theo dõi không thấy có trách nhiệm gì là thế nào? Những người không làm gì cả rồi giàu ngất ngưởng, rồi ăn tiêu xa hoa như vậy thì tại sao không thấy đặt dấu hỏi? Không ai biết gì hết cả à?


Tất cả những người nào hơi có hiểu biết một tí về kinh tế thì đều biết ngay, với lãi với suất cao như vậy là phi lý, không thể có được. Thế mà không ai băn khoăn đặt câu hỏi, không ai có ý kiến, không ai giám sát cả. Thế thì chúng ta thấy rằng chúng ta đã kiểm soát chặt chẽ chưa? Chúng ta đã phát hiện kịp thời chưa và gánh nặng về mặt kinh tế cũng như sự đổ vỡ về mặt xã hội sẽ dẫn đến thế nào?


Ở đây, các cơ quan chính quyền địa phương đã có trách nhiệm gì? Và các ngân hàng cũng nên xem xét lại, xem rằng mức độ mình có thể trợ giúp cấp tín dụng cho những người làm ăn kinh doanh hợp pháp thì như vậy đã đáp ứng nhu cầu chưa? Còn với những người kinh doanh làm ăn phi pháp phải có những biện pháp phát hiện kịp thời. Còn việc không phát hiện kịp thời dẫn đến đổ vỡ nhiều như thế này không phải là một thông điệp.


PV: -
Qua các vụ vỡ nợ này, là một chuyên gia kinh tế, ông có ý kiến gì đóng góp cho hệ thống chính quy cũng như khuyến cáo người dân, thưa ông?

TS Lê Đăng Doanh:
- Cho vay, việc này phải có sự thông báo rộng rãi và cảnh báo ngay là tất cả những người nào đã dại dột cho vay để hưởng lãi suất cao lập tức đến báo cho các cơ quan an ninh và chính quyền. Phát hiện kịp thời bắt giữ và phải có quy định để chủ hụi không tẩu tán được và hoàn lại cho người gửi. Chúng ta phải nhất thiết phải rút kinh nghiệm và phải làm tuyên phạt đến mức các đối tượng kinh sợ không bao giờ làm như thế nữa. Trước kia đã có vụ Nguyễn Văn Mười Hai rồi, giờ lại tiếp những vụ này nữa đó là những điều cần hết sức rút kinh nghiệm.

"Họ" từ trước đến nay đều rất có ích. Bởi vì ở nước ta trước khi có ngân hàng ai cũng chơi hụi tức là họ góp tiền trong đó, một người sẽ được dùng tiền làm việc gì đấy sau đó lại trả lại, rồi sau đó người khác lại được dùng số tiền đó để có thể xây nhà, mua trâu, mua bò để sản xuất.


Hình thức đó cho đến nay ít đổ vỡ vì các tín dụng được xây dựng trên cơ sở quen biết xã hội, họ hàng, người này biết người kia và có một sự giám sát chặt chẽ. Điều đó từ hàng trăm năm nay ở Việt Nam đã diễn ra rồi và lịch sử ít khi chứng kiến có những vụ đổ vỡ như thế này. Sự đổ vỡ này theo tôi phải tìm hiểu kỹ.


Chúng ta đã có những tổ chức tín dụng, phải công bố và phát triển mạnh mẽ cái đó đồng thời phải tuyên truyền rộng rãi những việc như thế này cần phải hết sức cảnh giác. Phải trình báo ngay những người nào điều phối vào việc lãi suất tăng khả nghi như vậy để cơ quan chức năng điều tra xem xét, ngăn chặn kịp thời nguy cơ đổ vỡ.


- Xin cảm ơn ông!

Theo Khải Nguyên (PhunuToday)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh