Tại thời điểm cuối năm 2022, Hòa Phát của tỉ phú Trần Đình Long có gần 8.325 tỉ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, giảm 63% so với thời điểm đầu năm
8.325 tỉ tiền mặt và tương đương tiền
Theo Báo cáo tài chính của Tập đoàn Hòa Phát đến ngày 31.12.2022, tổng tài sản của doanh nghiệp này là 170.336 tỉ đồng. Trong đó, tài sản cố định chiếm tỷ trọng 41,6%, tương ứng với giá trị 70.833 tỉ đồng và là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Hòa Phát.
So với ngày đầu năm, tài sản của Hòa Phát giảm 7.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu so với đỉnh lịch sử 207.497 tỉ đồng vào ngày giữa năm 2022, tổng tài sản của doanh nghiệp đầu ngành thép này đã giảm tới gần 37.200 tỉ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2022, Hòa Phát của tỉ phú Trần Đình Long có gần 8.325 tỉ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, giảm 63% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền mặt của doanh nghiệp này còn 16 tỉ đồng, tiền gửi ngân hàng giảm mạnh còn 3.214 tỉ đồng, con số này ở thời điểm đầu năm là gần 6.300 tỉ đồng. Các khoản tương đương tiền của Hòa Phát là 4.867 tỉ đồng, giảm 70% so với hồi đầu năm 2022.
Bên cạnh tiền mặt, một khoản mục tài sản ngắn hạn khác là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của Hòa Phát ở mức 26.268 tỉ đồng, tăng 44% so với cuối năm ngoái. Như vậy, tổng lượng tiền (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) tại thời điểm 31.12 đạt 34.600 tỉ đồng, giảm tới 6.100 tỉ đồng so với đầu năm. Số dư tiền mặt của doanh nghiệp đầu ngành thép chiếm tới hơn 20% tổng tài sản.
Trong bối cảnh nhu cầu trên toàn ngành thép suy yếu, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép đã giảm đáng kể. Trong đó, “anh cả” của ngành là Hòa Phát ghi nhận tồn kho còn khoảng 35.727 tỉ đồng, giảm 16% so với hồi đầu năm. Đây là mức thấp nhất trong hai năm trở lại đây của doanh nghiệp này.
Trước đó, Hòa Phát cũng đã chủ động giảm công suất thông qua việc đóng cửa 4/7 lò cao, bất chấp việc tập đoàn này sẽ phải chi khoản tiền lớn khoảng 40 tỉ đồng/lò cho việc tái khởi động khi thị trường ổn định trở lại.
Tổng nợ còn hơn 74.200 tỉ đồng
Năm 2022, tổng tài sản của Hòa Phát lập đỉnh lịch sử gần 207.500 tỉ đồng vào ngày cuối tháng 6. Đến cuối quý 4.2022, tổng tài sản giảm còn khoảng 170.300 tỉ đồng. Tổng nợ phải trả của Hòa Phát cũng đi xuống tương ứng, từ gần 107.600 tỉ đồng còn hơn 74.200 tỉ đồng. Nếu so với đầu năm 2022, nợ phải trả của Hòa Phát giảm hơn 13.200 tỉ đồng, tỷ lệ nợ/tài sản giảm 5,5 điểm %.
Tương tự, vay và nợ thuê tài chính của Hòa Phát cũng lập đỉnh vào cuối quý 2.2022 rồi đi xuống theo xu hướng chung của nợ phải trả. Cụ thể, giá trị nợ vay ngắn hạn giảm hơn 9.800 tỉ đồng trong 6 tháng cuối năm ngoái, nợ vay dài hạn cũng bớt đi khoảng 2.300 tỉ đồng.
Hòa Phát cho biết, tập đoàn trả bớt nợ để tránh phát sinh gánh nặng về chi phí đi vay nửa cuối năm.
Trong bối cảnh tỷ giá biến động lớn và lãi suất vay USD tăng nhanh hơn lãi suất vay VND, Hòa Phát đã hạ dư nợ vay nước ngoài từ 1,3 tỉ USD xuống còn hơn 700 triệu USD. Theo đó, tỷ trọng vay USD trong tổng nợ vay của Hòa Phát giảm từ 44% vào ngày 30.6 xuống còn 29% vào ngày cuối năm 2022.
Báo cáo tài chính mới đây của Hòa Phát cho thấy khoản lỗ sau thuế 1.999 tỉ đồng trong quý 4.2022. Con số này đã vượt qua số lỗ tại quý 3 trước đó để trở thành khoản lỗ lớn nhất trong lịch sử 30 năm hoạt động của Hòa Phát.
Tổng cộng trong hai quý cuối năm, Hòa Phát lỗ 3.785 tỉ đồng. Lũy kế cả năm 2022, doanh nghiệp này vẫn có lãi sau thuế 8.444 tỉ đồng.
Lên kế hoạch lãi 8.000 tỉ đồng, không trả cổ tức tiền mặt
Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát đã công bố nghị quyết của HĐQT thông qua các nội dung trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên tổ chức vào ngày 30.3.2023 tới đây.
Hòa Phát sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vào ngày 30.3 tới đây
Theo đó, Hòa Phát đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 150.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 8.000 tỉ đồng.
Năm ngoái, công ty đầu ngành thép ghi nhận kết quả 141.409 tỉ đồng doanh thu thuần và 8.444 tỉ đồng lãi sau thuế, đều thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 160.000 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận 25.000 - 30.000 tỉ đồng.
Như vậy, kế hoạch năm nay của Hòa Phát đã tỏ ra thận trọng hơn khi chỉ tiêu doanh thu dự kiến tăng trưởng 6% nhưng mục tiêu lợi nhuận lại giảm 5% so với cùng kỳ.
Cũng theo tài liệu ĐHĐCĐ được công bố mới đây, vì lợi nhuận sau thuế thực tế năm 2022 chỉ bằng 1/3 kế hoạch nên Hòa Phát không trích quỹ thù lao HĐQT và quỹ khen thưởng ban điều hành. Hòa Phát chỉ dự định trích quỹ khen thưởng phúc lợi 42,2 tỉ đồng. Toàn bộ lợi nhuận còn lại là 8.402 tỉ đồng sẽ được dùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng nghĩa với việc không trả cổ tức tiền mặt năm 2022.
Như vậy, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp của tỉ phú Trần Đình Long không chia cổ tức kể từ khi niêm yết đến nay. Trong giai đoạn trước đó, Hòa Phát vẫn trả cổ tức đều đặn 20-50%/năm.
-
Vua thép Hòa Phát trở lại “đường đua” bất động sản
Trong khi hàng loạt doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tìm cách xoay sở trong cơn khát vốn, Hòa Phát của tỉ phú Trần Đình Long đã có những bước đi thần tốc trong việc "gom đất", trở thành nhà đầu tư của hai dự án đô thị tại Hưng Yên và Phú Thọ với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỉ đồng.
-
Lộ diện “trùm cuối” thua lỗ nặng nhất ngành thép, là hãng thép có tiếng tại Bình Dương, sở hữu 3 nhà máy công suất 2,6 triệu tấn/năm
9 tháng đầu năm 2024, Công ty CP Thép Pomina báo lỗ sau thuế hơn 791 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 647 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ nặng nhất trong số các doanh nghiệp thép đã công bố báo cáo tài chính quý 3 tính đến thời điểm hiện tại....
-
Nhà sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc bất ngờ đóng cửa 1 nhà máy sau hơn 45 năm hoạt động
Trong một động thái bất ngờ, nhà sản xuất thép Hàn Quốc POSCO đã đóng cửa một nhà máy sản xuất thép cuộn ở thành phố Pohang, sau hơn 45 năm hoạt động.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam sắp được rót thêm vốn để xây nhà máy tại Đồng Nai, quy mô dự án gấp 2,6 lần vốn chủ
Dự án nhà máy sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép với công suất 150.000 tấn/năm của Thép Nhà Bè được xây dựng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....