14/10/2012 6:51 PM
Có thể nói nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước bi kịch lớn. Song cho đến giờ phút này có lẽ không phải là lúc bàn đến nguyên nhân của tình trạng trì trệ hiện nay của nền kinh tế. Cũng không phải đổ lỗi cho một ai. Dư luận cho rằng cần phải nhìn gì đang diễn ra và coi là bài học trên con đường thị trường hóa nền kinh tế, hội nhập quốc tế.


Một thực trạng đáng lo lắng

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, trong nghiên cứu của mình đã dẫn thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư: có tới 53.000 doanh nghiệp đóng cửa và phá sản trong năm 2011, và 35.500 doanh nghiệp lâm vào cảnh tương tự trong 8 tháng đầu năm 2012. Con số này gần bằng một nửa con số các doanh nghiệp đóng cửa và phá sản kể từ năm 1986 tới nay. Đáng lo hơn hoạt động của các doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường cũng không khá hơn. Thống kê cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đã giảm công suất hoạt động, thậm chí nhiều doanh nghiệp chỉ còn tồn tại hình thức bởi không tiêu thụ được sản phẩm, lượng tồn kho cao. Nếu tính trung bình các doanh nghiệp này giảm công suất 20% tương đương với khoảng 150.000 doanh nghiệp nữa đóng cửa và phá sản. Số người thất nghiệp do sự thu hẹp sản xuất lên đến hàng triệu người.

Còn một vấn đề đáng lo nữa là số lượng sản phẩm tồn kho cao và sự giảm giá trị tài sản do giảm phát, hạ giá do sức mua kém. Hàng triệu tỷ đồng vốn đang bị chôn trong hàng hóa tồn kho, trong đó hàng tồn bất động sản lớn nhất. Trên thị trường bất động sản có tới 70.000 căn hộ đang bị ế chỉ ở hai thành phố lớn nhất nước. Ít nhất là có tới 140 nghìn tỷ đồng đang bị chôn, mà phải mất tới 7 năm sau may ra mới xử lý được. Một báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia ước tính, khu vực bất động sản đã được các ngân hàng bơm gần 350 nghìn tỷ đồng, một số vốn khổng lồ.

Thêm một dẫn chứng bi kịch về bất động sản. Ông Thiên tính toán có 69 công ty bất động sản niêm yết đang đối mặt với vấn đề thanh khoản nghiêm trọng. Đến cuối năm 2011, các công ty này gánh khoản nợ vay 67.000 tỉ đồng và chi phí lãi vay mỗi năm 13.400 tỉ đồng. Đáng báo động là trong cơ cấu nợ vay, khoản vay ngắn hạn trong quý IV của năm ngoái đã tăng lên 26.400 tỉ đồng. Nghĩa là các công ty này phải có 39.800 tỉ đồng để trả nợ vay đến hạn và lãi vay trong năm 2012. Nhà kinh tế đặt câu hỏi hoài nghi: “Với tình trạng hiện nay, họ có khả năng trả nợ không?”

Nhìn ra khu vực công, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, năm 2011, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh và thành phố là 91.273 tỷ đồng của 47.209 dự án; trong đó, nợ vốn các công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành là 25.423 tỷ đồng, nợ vốn của 20.921 dự án đang triển khai là 65.850 tỷ đồng, dãn tiến độ 41 dự án với tổng số vốn là 38.320 tỷ đồng. Hệ quả của tình trạng trên, không gì khác là số phận hẩm hiu của các doanh nghiệp và người làm công. Ông nói: “Đang có nhiều doanh nghiệp “chết” hoặc “chờ chết” vì không thu được món nợ này”.

Doanh nghiệp Nhà nước nợ khổng lồ

Sự suy giảm này trước hết là do hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước mà đứng đầu là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước làm ăn không những kém hiệu quả mà còn để rơi vào tình trạng phá sản.

Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh tại tài liệu phục vụ cho Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2012 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chỉ rõ: “Doanh nghiệp Nhà nước sử dụng vốn tín dụng chiếm tới khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu”. Ngoài ra, theo ông Minh, nợ xấu của khu vực tập đoàn, tổng công ty chiếm tới 30 - 35% tổng dư nợ của khối này trong vay nợ từ hệ thống ngân hàng thương mại.

Tổng dư nợ đó của 12 tập đoàn kinh tế Nhà nước lên tới gần 218.740 tỷ đồng, theo Đề án tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp Nhà nước của Bộ Tài chính năm 2012. Trong đó dư nợ lớn nhất thuộc về Tập đoàn Dầu khí (PVN - 72.300 tỷ đồng), Điện lực (EVN-62.800 tỷ đồng), Than và Khoáng sản (Vinacomin - 19.600 tỷ đồng).

Ngoài khu vực ngân hàng, tiến sĩ Minh lưu ý nợ xấu của khu vực doanh nghiệp đang “rất lớn” ở Ngân hàng Phát triển (VDB). Chẳng hạn, Vinashin vay ưu đãi VDB gần 300 tỷ đồng lãi suất bằng 0% để hỗ trợ trả lương và phụ cấp; EVN được vay hơn 5.000 tỷ đồng. Còn trong các năm trước đó, Vinalines cũng vay VDB để phát triển tàu mới; Xi măng Đồng bành vay 290 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển (VDB) cho biết: “Nợ của các tập đoàn, tổng công ty… chiếm độ 75 - 80% tổng dư nợ của Ngân hàng Phát triển…” Các doanh nghiệp Nhà nước mặc dù số lượng thấp hơn doanh nghiệp tư nhân nhưng nợ thuế cũng khổng lồ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Trần Văn Phu nhận xét: Nợ thuế chưa trả của các DN Nhà nước chiếm khoảng 13% trên tổng số nợ thuế.

Khối các ngân hàng thương mại cũng không khá hơn. Bởi lẽ, giữa năm 2012 NHNN công bố tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam là 8,6% tổng dư nợ nghĩa là vào khoảng 202 nghìn tỷ đồng, nhưng trên diễn đàn Quốc hội, Thống đốc NHNN lại thông báo con số 10%, và dư luận lại đánh giá có thể ở mức cao hơn 10%. Gánh nặng này thật sự đã đè gần bẹp khả năng phát triển của nền kinh tế vì vốn là một trong những điều kiện tiên quyết của hoạt động doanh nghiệp.

Những lối thoát cần được tính đến

Ngày 6-10-2012 một cuộc hội thảo quốc gia mang tên: “Kinh tế Việt Nam năm 2012: Tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình thế”, tập hợp đông đảo các nhà quản lý và nghiên cứu kinh tế đã được tổ chức. Tại hôi thảo này đa số các đại biểu cho rằng những khó khăn của nền kinh tế không thể giải quyết một sớm một chiều bằng một vài ba giải pháp nào đó. Những chỉ tiêu lên xuống của nền kinh tế hiện nay hầu hết không phản ánh được thực tế của nền kinh tế cũng như hiệu quả của những chính sách cụ thể. Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đồng tình: “Chính phủ cần xây dựng kế hoạch tổng thể cho cả ba năm tới, thay vì làm kế hoạch cho từng năm như hiện nay. Kế hoạch đó là nhằm phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng. Cả ba năm tới phải tập trung toàn bộ nguồn lực và chủ trương cho kế hoạch này.”.

Những giải pháp đó là cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước và xử lý nợ xấu. Ông Lịch đề xuất, ngân hàng nào hệ số vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản dưới 8%, nhưng nợ xấu lên trên 10%, tức là đã mất hết vốn, thì Nhà nước cần quốc hữu hóa. Bên cạnh đó, ông đề nghị khoanh nợ và cho vay mới với các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, các dự án BOT, BT mà có khả năng sản xuất tiếp. Về tài khóa, ông Lịch đề nghị từ nay đến 2015 tất cả các cơ quan của hệ thống chính trị không được xây mới trụ sở, nếu nơi đó còn trường học bệnh xá là nhà tranh, vách lá. Trên diễn đàn Quốc hội, ông cho biết sẽ đề nghị Quốc hội cắt chi thường xuyên năm 2013 đi 10% so 2012, ngoại trừ tiền lương và chi xã hội; và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% từ 25% hiện nay.

Song dư luận cho rằng bên cạnh việc xử lý nợ xấu, hay tồn kho bất động sản, hay các giải pháp cơ cấu nền kinh tế… cần tiếp tục cải cách bộ máy Nhà nước, tìm cơ chế để tìm ra người chịu trách nhiệm khi có những sai phạm gây tác động xấu tới nền kinh tế... Đó cũng sẽ là một việc quan trọng cho phục hồi và xây dựng nền kinh tế bền vững sau này.

Theo Trần Việt (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.