Tại Hà Nội, các trung tâm thương mại ở các quận thuộc trung tâm thành phố khá đông khách, trong khi đó khu vực ở phía Tây lại vắng vẻ. Điển hình, trong quý I/2013, trung tâm thương mại lớn trên đường Trần Duy Hưng đã chính thức đóng cửa sau một thời gian dài hoạt động èo uột. Bù vào đó, thì trong tuần đầu tháng 4/2013, Hà Nội đón chào sự mở cửa trở lại của Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza.
Hiện tại, tổng cung toàn thị trường bán lẻ ở Hà Nội đạt khoảng 763.200 m2, tăng 1% theo quý và tăng 16% theo năm. Công suất thuê trung bình đạt khoảng 89%, không đổi so với quý trước.
Nhận định về thị trường Hà Nội, Savills Việt Nam cho biết, mặc dù một dự án mới trong khu vực trung tâm có giá chào thuê cao, giá thuê trung bình của toàn thị trường vẫn tiếp tục theo xu hướng giảm -3.3% so với quý trước. Lý do chính của xu hướng giảm này là do các dự án mới khác chào thuê với giá khá thấp. Bên cạnh đó, các dự án đang hoạt động cũng chào giá thuê mềm hơn để lấp đầy các diện tích cho thuê còn trống.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, khu Nam và phía Tây, nhiều trung tâm thương mại chật vật tìm khách thuê. Tổng nguồn cung bán lẻ vào khoảng 796.000 m2, tăng 4% so với quý trước. Công suất thuê trung bình đạt khoảng 89%, không đổi so với quý trước trong khi giá thuê trung bình giảm nhẹ khoảng -2% so với quý trước.. Toàn thành phố có 8 trung tâm bách hóa, 8 khối đế bán lẻ, 21 trung tâm mua sắm, 64 siêu thị và 3 trung tâm bán sỉ.
Phân tích của Bộ phận bán lẻ Công ty Savills Việt Nam cho thấy, thị phần trung tâm thương mại có sự chênh lệch lớn giữa khu trung tâm và khu ngoại thành về giá thuê lẫn công suất thuê. Giá của các mặt bằng bán lẻ ở khu trung tâm luôn ở mức cao hơn khu ngoại thành từ 2-3 lần tùy vị trí. Bên cạnh đó, tỷ lệ trống của từng phân khúc có sự chênh lệch vì các dịch vụ tiện ích tại khu trung tâm tốt hơn nên nơi đây đã thu hút khách thuê và người mua sắm đông hơn các khu thương mại ở ngoại thành.
Từ năm 2012 cho đến hết quý I/2013, người tiêu dùng đang thực hiện các chính sách thắt chặt chi tiêu nên mặc dù các trung tâm thương mại vẫn tập nập khách tham quan nhưng lượng hàng hóa bán được ra là rất thấp. Để cứu vãn tình thế, nhiều trung tâm thương mại và các nhãn hàng đều có những chương trình giảm giá sâu và kéo dài, giảm giá trên giá trị thực đối với các sản phẩm của mình, thậm chí áp dụng cho cả những bộ sưu tập mới để hút khách mua. Nhưng thực tế kinh doanh của quý I/2013 cho thấy nhiều doanh nghiệp đã phải từ bỏ gian hàng để cắt lỗ hoặc chuyển đến thuê ở vị trí khác có giá thấp hơn.