Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cao cấp của người dân Thủ đô chưa nhiều do thu nhập còn thấp.
Vắng vẻ

2h chiều tại Trung tâm thương mại Grand Plaza khách đến mua tại các quầy hàng không nhiều. Tại tầng 1, quầy hàng mỹ phẩm Hàn Quốc của hãng Thefaceshop ngoài các nhân viên trong hàng không thấy có bóng khách nào xem hàng. Tình trạng tương tự không chỉ xảy ra với quầy hàng mỹ phẩm mà hầu hết tất cả các cửa hàng tại TTTM này. Trên tầng 2, hãng thời trang Giovanni, đồng hồ Roy Ban... cũng vắng khách.


Tại Grand Plaza nhiều quầy hàng đóng cửa như Đồ ở nhà Wow, Thời trang Vera,... Nhiều quầy hàng đã được phân chia nhưng chưa có đơn vị nào thuê mặt bằng để sử dụng. Nhân viên bán hàng của một cửa hàng trang sức tiết lộ: Có hôm cả ngày, chỉ có hai khách đến ngắm gian hàng, thử hàng nhưng không ai mua. Ngồi bán hàng tại đây khá nhàn.


Nằm ở vị trí khác đắc địa, ngay ở khu vực Ngã Tư Sở, tuy nhiên Trung tâm thương mại Pico Mall cũng thưa khách. Không vắng hoe như ở Grand Plaza nhưng số lượng khách đến đây cũng không nhiều như ở các siêu thị, TTTM bình dân khác. Theo quan sát của PV, số lượng khách trên mỗi tầng siêu thị cũng khoảng chục người. Hai người phụ nữ vào Trung tâm thay vì ngắm đồ thì chạy luôn ra khu vực trang trí chào mừng 8/3 của TTTM để chụp ảnh.


Chị Hoàng Anh (nhân viên công ty xây dựng ở khu vực Ngã Tư Sở) sau khi chụp ảnh xong, cho biết: Lúc trưa đang rảnh rỗi, mấy chị em không biết làm gì nên vào đây để chơi. Giá cả đắt như vậy, nhân viên như mình mua bộ mỹ phẩm, một bộ quần áo xong thì về nghỉ ăn cả tháng. Mọi người trong cơ quan mình ít khi dùng hàng hiệu lắm, chỉ dùng đồ bình dân thôi. Trên tầng 2, các gian hàng giày dép, quần áo: Adidas, Bata, Cristófoli... hầu như vắng khách, nếu có chăng khách chỉ vào thăm quan, thử đồ. Mặc dù nhiều gian hàng cũng có chương trình khuyến mại giảm giá từ 20 - 50% cho khách hàng.


Bà Nguyễn Thị Ngọc, bán nước gần TTTM Pico Mall cho biết: Sau khi TTTM xây dựng, không gian ở đây cũng thoáng đãng, chiều chiều trẻ con và người lớn trong khu vực lại ra đây chơi. Buổi tối mọi người cũng đi tập thể dục ở khu vực này.


Không quá cao cấp như nhiều TTTM khác, nhưng Trung tâm Thương mại Chợ Hàng Da sau khi được sửa chữa, nâng cấp thì đã trở nên đìu hiu. Tầng 1 tập trung bán quần áo và rượu với các mặt hàng từ bình dân cho tới cao cấp, khách thưa thớt. Một số ki ốt cho thuê, một số ki ốt đóng cửa nghỉ bán hàng. Chị Nguyễn Thị Hồng, bán hàng tại Trung tâm thương mại Chợ Hàng Da tâm sự: Từ khi Chợ Hàng Da được sửa chữa khách đến mua hàng ít hẳn đi. Nhiều chị em đã cho thuê ki ốt để đi làm ăn chỗ khác. Có nhiều người đi bán ngày được, ngày mất. Có thể do việc gửi xe mất tiền, rồi đi lại không thuận tiện như trước nên người dân ngại đến đây mua hàng.



Hàng loạt các trung tâm thương mại (TTTM) cao cấp được xây dựng tại Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, số lượng khách đến không nhiều. (Ảnh: Bình An)

Tiếp tục phát triển?


Tại tầng 1, nơi bán rượu, quần áo, vải sợi... của Chợ Hàng Da, bà Thảo bán quần áo dòng second hand (đồ đã qua sử dụng) với mức giá giảm 50% nhưng vẫn không có khách hỏi mua. Xung quanh các gian hàng toàn tiếng người bán hàng tụ tập, nói chuyện với nhau. Theo bà Thảo, mua kiot ở đây khoảng hơn 1 tỷ (khoảng 6m2). Hiện tại nhiều người đã mua kiot nhưng không bán hàng và cho thuê lại với giá 6 triệu đồng/tháng. Cộng tiền nước, điện, phí dịch vụ, mỗi tháng chủ kiot phải trả cho Ban quản lý chợ chừng 6,5 triệu đồng.


"Ngày nào tôi bán nhiều thì được khoảng 1 triệu đồng tiền hàng và tiền lãi. Trừ đi trừ lại cũng không còn bao nhiêu. Nhưng đã mua kiot rồi, nếu không bán thì hàng tháng vẫn phải trả khoảng 5 triệu đồng. Thôi thì cứ ngồi bán, được đồng nào hay đồng đó. Nhiều cửa hàng nhập được hàng giá rẻ, lãi khoảng 30 - 50% so với giá gốc thì bán cũng được. Nhưng khách vào đây không nhiều như ở chợ cũ. Ở đây nhiều kiot đang rao cho thuê mà chưa có ai hỏi. Họ chuyển đi bán ở chỗ khác, lãi nhiều hơn và chấp nhận trả tiền thuê kiot hàng tháng cho Ban quản lý", bà Thảo chia sẻ.


Đồng thời, bà Thảo cũng tiết lộ, trên tầng 2 là TTTM chuyên bán mặt hàng cao cấp nhưng số lượng khách đến không nhiều, dù nhiều mặt hàng được giảm giá từ 20 - 40%. "Một vài người bạn tôi làm đại lý cho hãng thời trang lớn nhưng sau khi tham khảo thì quyết định thuê một cửa hàng bên ngoài phố bán chứ không thuê bên trong chợ vì khách ít quá".


Theo một khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường AC Nielsen, người tiêu dùng Việt Nam mua hàng khuyến mại nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Theo đó 87% lượng người thường xuyên mua hàng khuyến mại so với mức trung bình 68% của khu vực; 56% người tiêu dùng tích cực "săn" hàng khuyến mại khi đi mua sắm, so với khu vực là 38%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các TTTM cao cấp liên tục tung ra những chương trình khuyến mại nhằm kích cầu tiêu dùng.


Thế nhưng, trong điều kiện kinh tế như hiện nay, dù có tung ra các chiêu khuyến mại, khách Việt vẫn thờ ơ với hàng cao cấp. Thực tế đã cho thấy, nhiều Trung tâm thương mại sau một thời gian ra mắt khá rầm rộ thì chìm vào quên lãng và biến thành những dịch vụ khác. Chẳng hạn nằm tại vị trí khá đắc địa giữa hai con đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), khu TTTM Kumho Asiana ngày ra đời hẳn mang theo nhiều hy vọng. Song chỉ được một thời gian ngắn những cửa hàng thời trang lần lượt được thay thế bằng nhà hàng, quán cà phê.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.