Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với đất hiếm vào thứ Sáu 4/4 như một phần trong phản ứng toàn diện trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng thuế, nhằm siết chặt nguồn cung khoáng sản thiết yếu cho phương Tây – những nguyên liệu được sử dụng để sản xuất vũ khí, thiết bị điện tử và nhiều hàng tiêu dùng khác.
Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với đất hiếm vào thứ Sáu 4/4 như một phần trong phản ứng toàn diện trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tăng thuế.
Động thái này, vốn đã được Bắc Kinh ám chỉ từ lâu, khiến căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang và đẩy các nhà sản xuất Mỹ vào tình trạng “chạy đua” để tìm kiếm nguồn cung thay thế cho các khoáng sản quan trọng mà họ đã phụ thuộc trong nhiều thập kỷ.
Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu – một nhóm gồm 17 nguyên tố thiết yếu cho ngành quốc phòng, xe điện, năng lượng và điện tử. Hoa Kỳ chỉ có một mỏ đất hiếm và phần lớn nguồn cung của nước này đến từ Trung Quốc.
Trung Quốc công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vào cuối ngày thứ Sáu như một phần trong gói thuế quan và các hạn chế đối với doanh nghiệp Mỹ, nhằm trả đũa việc ông Trump tăng thuế lên hầu hết các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc lên 54%.
Các hạn chế không chỉ bao gồm khoáng sản thô mà còn cả nam châm vĩnh cửu và các sản phẩm hoàn chỉnh khác – những mặt hàng sẽ rất khó thay thế, theo đánh giá của các chuyên gia.
Điều đáng chú ý là các biện pháp này áp dụng cho mọi quốc gia, chứ không chỉ riêng Hoa Kỳ – cho thấy khả năng Trung Quốc “vũ khí hóa” quyền lực của mình trong khai thác và chế biến khoáng sản quan trọng.
Bảy nhóm đất hiếm trung bình và nặng – bao gồm samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium – sẽ nằm trong danh sách kiểm soát xuất khẩu bắt đầu từ ngày 4/4, theo thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc.
Các tập đoàn lớn như Lockheed Martin, Tesla và Apple hiện đang sử dụng đất hiếm Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của họ.
“Trung Quốc đã lựa chọn danh sách này một cách chiến lược,” bà Mel Sanderson – Giám đốc công ty American Rare Earths và đồng Chủ tịch Viện Khoáng sản Chiến lược – nhận định. “Họ chọn những nguyên liệu then chốt cho nền kinh tế Mỹ”.
Mặc dù không cấm xuất khẩu hoàn toàn, nhưng Trung Quốc có thể giới hạn lượng hàng xuất đi bằng cách siết chặt việc cấp phép xuất khẩu.
“Động thái này sẽ gây ra một cuộc chạy đua giành nguồn cung thay thế – chủ yếu ở Nhật Bản và Hàn Quốc,” chuyên gia Ryan Castilloux từ hãng tư vấn Adamas Intelligence nói.
Sẵn sàng leo thang
Hai nguồn tin trong ngành công nghiệp cho biết các hạn chế này đặc biệt đáng lo ngại đối với các nhà sản xuất hàng không vũ trụ Mỹ – do một số nguyên tố đất hiếm chỉ có thể mua từ Trung Quốc.
RTX và Honeywell từ chối bình luận. Boeing và GE chưa phản hồi yêu cầu từ Reuters.
Mặc dù chính phủ Mỹ có một số kho dự trữ đất hiếm, nhưng không đủ để đảm bảo nguồn cung lâu dài cho ngành quốc phòng.
Trung Quốc trước đó cũng đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn đối với ba kim loại và hạn chế nhiều mặt hàng khác.
Việc siết chặt đất hiếm nặng đặc biệt quan trọng do Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn các nguyên tố này, theo chuyên gia David Merriman từ Project Blue. Ông cho biết hiện chỉ có một mỏ đất hiếm nặng ngoài Trung Quốc – nằm ở Brazil – nhưng sản phẩm vẫn được gửi về Trung Quốc để chế biến.
“Trung Quốc sẵn sàng leo thang,” ông Nathan Picarsic – đồng sáng lập công ty tư vấn địa chính trị Horizon Advisory – bình luận. “Đây có thể chỉ là bước mở màn cho một ván cờ thương lượng dài hơi với Mỹ”.
Thúc đẩy phương Tây tự chủ
Trung Quốc chiếm ưu thế trong khâu tinh chế đất hiếm – một quá trình phức tạp – và kiểm soát sản lượng thông qua hệ thống hạn ngạch.
Động thái ngày thứ Sáu có thể thúc đẩy các nỗ lực tại phương Tây nhằm xây dựng chuỗi cung ứng thay thế, theo phân tích của ông Jacob Gunter từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator. Tuy nhiên, tiến độ đến nay vẫn rất chậm.
“Sẽ mất nhiều thời gian”, ông Mark Smith – CEO của NioCorp Developments – chia sẻ. Công ty này đã có giấy phép khai thác mỏ đất hiếm trị giá 1,2 tỷ USD tại Nebraska, nhưng chưa có nguồn tài chính.
Cổ phiếu NioCorp giảm 8,1% trong ngày thứ Sáu, trong khi cổ phiếu USA Rare Earth – công ty đang xây dựng nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm tại Oklahoma – tăng 20%. Trong khi đó, MP Materials – công ty sở hữu mỏ đất hiếm duy nhất tại Mỹ nhưng vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc trong khâu chế biến – giảm 10,1%.
MP Materials có trụ sở tại Las Vegas cho biết động thái của Trung Quốc "một lần nữa khẳng định điều rõ ràng từ lâu: Mỹ cần xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm khép kín để bảo vệ an ninh công nghiệp và quốc gia”.
Phoenix Tailings – công ty khởi nghiệp tái chế đất hiếm tại Massachusetts – cũng đặt mục tiêu tăng sản lượng từ 40 tấn/năm lên 4.000 tấn vào năm 2027.
“Động thái từ Trung Quốc càng khiến chúng tôi quyết tâm mở rộng”, CEO Nick Myers của Phoenix cho biết.
Đối với các công ty mua thiết bị từ các nhà cung cấp ngành đất hiếm, nỗi lo còn nằm ở nguy cơ mất quyền tiếp cận các máy móc quan trọng được sản xuất tại Trung Quốc.
“Điều khiến chúng tôi lo ngại là liệu xung đột thương mại này có tiếp tục leo thang hay không”, ông Wade Senti – Chủ tịch Advanced Magnet Lab (Florida) – cho biết.
(Theo Reuters)
-
Elon Musk đã mất 11 tỷ USD kể từ khi ông Donald Trump công bố các mức thuế quan toàn cầu mới, theo các báo cáo. Trong khi đó, JPMorgan cho rằng các rào cản thương mại này “nhiều khả năng sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ và có thể là toàn cầu vào suy thoái trong năm nay” nếu các rào cản này tiếp tục diễn ra.
-
Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
-
Xem cách cả thế giới phản ứng với thuế quan mới của ông Trump
Ngày "Giải Phóng" mà Tổng thống Donald Trump hứa hẹn ban đầu dự định được tổ chức vào ngày 1/4, nhưng Tổng thống Mỹ thông báo với các phóng viên rằng ông đã dời lại 24 giờ để tránh khiến mọi người nghĩ đó là trò đùa Cá tháng Tư. "Không ai tin những gì tôi nói”, ông giải thích vào ngày 21/3 về sự trì hoãn.







