23/08/2012 9:24 PM
Các vụ thâu tóm của Trung Quốc nhằm vào tài sản và doanh nghiệp Mỹ từ đầu năm đến nay diễn ra với tốc độ kỷ lục, báo Financial Times cho biết. Thực tế này trái ngược với xu hướng ảm đạm chung của thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) toàn cầu nói chung, đồng thời là một tín hiệu cho thấy, Trung Quốc dễ mua tài sản Mỹ hơn nhiều người vẫn tưởng.

Chuỗi rạp chiếu phim AMC Entertainment của Mỹ giờ đã thuộc về một công ty Trung Quốc.

Theo Financial Times, từ đầu năm đến nay, giá trị các vụ mua lại của phía Trung Quốc tại Mỹ đã đạt gần 8 tỷ USD. Trong đó, hai thương vụ lớn nhất là vụ công ty Dalian Wanda của Trung Quốc thâu tóm chuỗi rạp chiếu phim AMC Entertainment với giá 2,6 tỷ USD, và vụ hãng dầu khí Sinopec của Trung Quốc chi 2,4 tỷ USD để nắm cổ phần lớn tại một số mỏ dầu khí của hãng Devon Energy.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu Dealogic, giá trị thâu tóm 7,8 tỷ USD mà Trung Quốc đạt được tại Mỹ trong 8 tháng đầu năm đã gần bằng mức kỷ lục 8,9 tỷ USD đạt được vào năm 2007.

Ông Jeo Gallagher, Giám đốc bộ phận M&A tại châu Á của ngân hàng Credit Suisse, nhận định, tốc độ tăng trưởng của các vụ thâu tóm của Trung Quốc tại Mỹ là một sản phẩm tự nhiên từ sự phát triển kinh tế và cơn khát tài nguyên của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

“Nền kinh tế Trung Quốc đang lớn mạnh hơn, giàu có hơn và hiện đại hơn. Các công ty Trung Quốc đang phát triển. Tất cả những yếu tố đó thúc đẩy các vụ thâu tóm và sáp nhập”, ông Gallagher nói. “Một số công ty lớn nhất của Trung Quốc, nhất là trong ngành dầu khí, ngày càng có những bước tiến khôn ngoan hơn trong chiến lược thâu tóm tài sản ngoại”.

Credit Suisse là ngân hàng đầu bảng về dịch vụ tư vấn cho các thỏa thuận thâu tóm mà các công ty Trung Quốc tại Mỹ. Ngân hàng này đã tham gia vào các thương vụ với tổng trị giá 5,1 tỷ USD từ đầu năm đến nay của Trung Quốc tại Mỹ. Credit Suisse đã tư vấn Sinopec trong thương vụ với Devon và là 1 trong số 5 nhà tư vấn trong thương vụ AMC. Tuy nhiên, trong lĩnh vực M&A của Trung Quốc nói chung thì Credit Suisse cũng chỉ đứng thứ 3, sau Goldman Sachs và Citigroup.

Sự sôi động của hoạt động M&A giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra bất chấp sự giảm tốc của thị trường M&A nói chung, cả ở Trung Quốc lẫn trên phạm vi toàn cầu. Tổng giá trị M&A tại Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay giảm 3% so với cùng kỳ năm tước, còn 48,6 tỷ USD - theo số liệu từ hãng Mergermarket. Trên toàn cầu, giá trị M&A của cả năm nay có thể sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003.

Tuy nhiên, tổng giá trị các vụ M&A có thể tăng mạnh trong thời gian còn lại của năm. Công ty năng lượng quốc doanh CNOOC của Trung Quốc đã chào mua công ty Nexen của Canada với giá 18 tỷ USD. Một “đại gia” khác của Trung Quốc là Sinopec cũng đang cân nhắc chi hàng tỷ USD để mua lại tài sản của hãng khí đốt Mỹ Chesapeake Energy.

Hồi năm 2005, CNOOC đã nỗ lực thâu tóm công ty dầu lửa Unocal của Mỹ nhưng bất thành vì không được nhà chức trách Mỹ thông qua. Hãng viễn thông khổng lồ Huawai của Trung Quốc cũng đã từng thất bại trong chiến lược thâu tóm tài sản ở Mỹ. Những thương vụ bất thành này khiến nhiều người tin rằng, Mỹ đặt ra rào cản đối với các công ty Trung Quốc muốn thâu tóm tài sản Mỹ.

Theo VnEconomy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.