Trung Quốc là thị trường thép lớn nhất thế giới. Tuy vậy hệ thống thống kê không hoàn thiện của nước này lại đặt ra khó khăn cho các nhà sản xuất thép: Không ai biết chính xác Trung quốc sản xuất hay tiêu dùng bao nhiêu thép

Nước này thu hút sự quan tâm sát sao của ngành công nghiệp thép toàn cầu. Các nhà sản xuất tại Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Á tăng hay giảm sản lượng, một phần, dựa trên nhu cầu của Trung Quốc. Giá và mức hàng tồn kho, cũng như việc mua bán nguyên vật liệu thô như than đá và quặng sắt phản ánh sức khỏe của thị trường Trung Quốc.

Nhưng không có số liệu chính xác từ Trung Quốc, việc tính toán cung và cầu thép toàn cầu - và phương pháp bảo hiểm rủi ro phù hợp tương ứng - trở thành trò chơi ước đoán.

Trên thực tế, một số nhà sản xuất thép Trung Quốc sẵn sàng nói rằng họ không thấy có lý do gì phải mất thời gian báo cáo sản lượng thép của họ cả. Một người đàn ông họ Meng, giám đốc một nhà máy sản xuất tại Huanxizhuang, một làng ở phía bắc tỉnh Hồ Bắc nói: "Báo cáo về việc sản xuất của chúng tôi à? Không, chúng tôi không cần phải làm điều đó. Không ai yêu cầu chúng tôi báo cáo các số liệu sản xuất." Khi được hỏi, ông nói nhà máy sản xuất 300.000 m tấn thép một năm nhưng không báo cáo lại sản lượng cho chính phủ.

Tương tự vậy, người quản lý một nhà máy gần đó tại thị trấn Xinjuntun, họ Wen nói ông thấy chẳng cần phải công bố chi tiết về cái ông gọi là sản lượng 400.000 tấn mỗi năm của nhà máy: "Chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân vậy tôi cần báo cáo tới ai?"

Hôm thứ Sáu, Hiệp hội Thép Thế giới (World Steel Association), kho thông tin thống kê của ngành, ước tính rằng ngành công nghiệp đang bùng nổ này của Trung Quốc sản xuất thép trong tháng 4 nhiều 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc sản xuất 625 triệu m tấn thép năm ngoái và năm 2011 cũng trên đà trở thành một năm có sản lượng kỷ lục của nước này.

Trung Quốc chơi trò “đoán mò” với thị trường thép
Nguồn: Hiệp hội Thép Thế Giới

Hiệp hội Thép Thế giới đưa ra ước tính này dựa trên những số liệu do Cục thống kê quốc gia Trung Quốc và Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc cung cấp. Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc, đại diện cho khoảng 75% các nhà sản xuất thép quốc gia trong đó gồm Công ty Sắt Thép Vũ Hán và Tập đoàn BaoSteel, nhà sản xuất lớn nhất nước, phụ thuộc vào sự tình nguyện cung cấp các số liệu sản xuất chính xác của các thành viên.

Các số liệu cho thấy Trung Quốc đã đang tập trung vào sản xuất thép và chắc chắn có sẵn người mua. Các số liệu không bao gồm hàng trăm các nhà máy thép nhỏ quản lý độc lập thường không báo cáo sản lượng sản xuất hoặc không báo cáo đầy đủ vì những lý do chính trị hoặc hậu cần.

Soo Jung Kim, người phát ngôn của Hiệp hội Thép Thế giới đặt tại Brussels cho biết: "Có một khu vực nơi chúng tôi thực sự không có được nguồn thông tin rõ ràng". Tuy nhiên ông nói, hiệp hội vẫn tự tin vào số liệu của mình.

Peter Fish, từ MEPS Ltd., một công ty tư vấn thép tại Anh cho biết ông tin rằng việc báo cáo không đúng mức, một phần, là kết quả của áp lực đối với ngành "phải đáp ứng các mục tiêu lâu dài" nhằm đóng cửa các nhà máy thép không hiệu quả vào cuối năm ngoái. Ông nói: "Trên giấy tờ, điều này được hoàn thành một cách thành công, nhưng trên thực tế rất nhiều những nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất và tránh khỏi việc đóng cửa bằng cách không báo cáo" số liệu sản lượng.

Ông Fish tin rằng các số liệu do Cục thống kê quốc gia Trung Quốc và Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc đưa ra thấp hơn so với sản lượng thực tế khoảng 45 triệu tấn hoặc 7-10% sản lượng được báo cáo năm 2010. Các công ty thép nhỏ hơn có thể không bị chú ý vì đôi khi họ tạo ra nguồn điện của riêng mình và hệ thống điện quốc gia của đất nước vẫn chưa phát triển. Thay vào đó, họ sản xuất thép chất lượng thấp trong các nhà máy chạy bằng than đá.

Nhà phân tích thép Charles Bradford từ Bradford Research Inc nói: "Không ai thực sự biết có bao nhiều công ty sắt thép ở Trung Quốc." Ông Bradford cho rằng trong vòng 30 năm gần đây, số liệu của Trung Quốc là không đáng tin, ông chú ý nhiều hơn đến việc tiêu thụ điện của nước này để tổng hợp và tính toán sản lượng thép có thể tăng như thế nào. Ông nói rằng việc không biết bao nhiêu thép đang được tạo ra có thể dẫn đến biến động trên thị trường toàn cầu.

Trung Quốc chơi trò “đoán mò” với thị trường thép
Một lò luyện thép ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Imgae

Thép, khác với đồng và các kim loại quý cơ bản khác, không được giao dịch thông qua sở giao dịch ví như Sở giao dịch Kim loại Luân Đôn. Thay vào đó thép thường được mua bán thông qua thương lượng cá nhân giữa công ty thép hoặc trung tâm dịch vụ có vai trò trung gian và người sử dụng thép, ví dụ như một nhà máy ô tô.

Có thể có thêm nhiều kho thép nữa tại Trung Quốc hơn là các nhà sản xuất biết. Nếu nền kinh tế Trung Quốc yếu đi, rất nhiều trong số số thép đó có thể được xuất khẩu. Điều này có thể khiến cho giá thép giảm trên toàn thế giới.

Giá thép Trung Quốc bắt đầu tăng trong tháng qua khi sự chững lại trong sản xuất trong mùa đông giảm dần nhưng giá vẫn ở mức thấp hơn 10 - 15% so với giá tại Bắc Mỹ và một số nơi tại Châu Âu. Phần còn lại của ngành công nghiệp thép đang theo dõi xem liệu giá tại Trung Quốc có giảm trong mùa hè này không. Đó là một dấu hiệu cho thấy có nhiều nguồn cung hơn cầu tại nước này.

Peter Marcus, nhà phân tích thép cho World Steel Dynamics, cho biết chính sách thuế của Trung Quốc cũng khuyến khích mức thép tồn kho cao hơn. Trung Quốc đánh thuế cao vào xuất khẩu thép nguyên liệu, coi đó là một cách để khuyến khích việc giữ thép ở trong nước và sử dụng cho sản xuất những sản phẩm giá trị cao hơn như ô tô, các sản phẩm kỹ thuật và ứng dụng. Những sản phẩm thành phẩm này sau đó có thể được xuất khẩu.

Các nhà sản xuất thép nhỏ hơn, những người có xu hướng không báo cáo sản lượng, có thể bị buộc phải giữ trong kho số thép đáng lẽ ra họ đã xuất khẩu nếu thuế không cao như vậy.

Theo Nguyễn Tuyến (VEF/WSJ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0