CafeLand - Sáng nay (25/8), Chuyên trang đầu tư bất động sản CafeLand đã tổ chức Tọa đàm "Cơ hội đầu tư trong vòng xoáy bất định" với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, tài chính, đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các khách mời:

Ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam

TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, ngân hàng

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land

TS. Ngô Minh Hải - Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng Đại học Văn Lang

Phần 1: Tham luận ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu quý 1 đã xấu, quý 2 lại càng xấu hơn ở tất cả các nền kinh tế, ngoại trừ Trung Quốc và Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương. Điều này ảnh hưởng đến kinh tế đối ngoại ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu.

Mỹ và Anh quốc tăng trưởng suy giảm nặng trong quý 2; khu vực ASEAN cũng suy giảm khá nặng nề. Ba nền kinh tế có thu nhập cao là Thái Lan, Malaysia và Singapore đều có tăng trưởng âm lần lượt 12,22, 17,1 và 13,2%. EU và khu vực ASEAN đang kéo xuất khẩu Việt Nam xuống nhưng nó được bù lại bởi xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn xấu trong quý 3 và quý 4 năm nay. Nhờ phản ứng chính sách khá tích cực ở hầu hết các nước trong thời gian qua, năm 2021 sẽ có hồi phục, nhưng không có nghĩa nó sẽ trở lại bình thường. Tốc độ tăng trưởng sẽ bù đắp lại một phần suy giảm của năm 2020.

Ngoại trừ Trung Quốc và Việt Nam, các nước khác đều bơm mạnh tiền ra nền kinh tế, hầu hết đều giảm thuế và tăng chi. Khoảng 11.000 tỉ USD đã được các chính phủ đưa ra từ phía tài khóa để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Chính sách này sẽ đảm bảo cho khả năng hồi phục kinh tế trong năm 2021 khi đại dịch được kiểm soát.

Ở Việt Nam, dự báo tăng trưởng kinh tế lạc quan nhất sẽ ở mức 2%. Tuy nhiên, khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ rất cao. Cụ thể, bắt đầu từ quý 2-2021, kinh tế sẽ phục hồi với hai điều kiện.

Đầu tiên là kiểm soát được Covid-19 và khả năng vacxin có được ở Việt Nam vào giữa năm 2021. Thứ hai, cho dù tỷ lệ thấy nghiệp và nợ xấu tăng cao, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn có thể đứng vững.

Chính phủ Việt Nam khá tự tin đảm bảo tăng trưởng 4%, nhưng với đợt bùng phát dịch vừa rồi tăng trưởng quý 3 dự báo sẽ tiếp tục xấu. Nếu giải ngân vốn đầu tư công tạo nên cú huých mạnh thì tăng trưởng sẽ ở mức lạc quan là 2%.

Hiện nay tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực đang giảm. Trong đó, nhà hàng, khách sạn và vận tải là những ngành dịch vụ bị suy giảm mạnh. Riêng lĩnh vực nhà hàng khách sạn giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, ở phía cầu của nền kinh tế trong năm 2020, dù kiểm soát khá tốt Covid-19, các hoạt động kinh tế không bị gián đoạn nhưng sức mua vẫn yếu.

Cho đến bây giờ, sức mua mới bị gián đoạn vòng 1 vì giãn cách xã hội người dân không có cơ hội mua sắm. Đến quý 3 sẽ là thời điểm sức mua thị tường bị sụt giảm do thu nhập của người lao động giảm. Sức mua giảm này sẽ kéo dài đến quý 1/2021.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong quý 1/2020 là 2,22%, bước sang quý 2 tăng vọt lên 2,73%.

Dù vậy, vẫn có những tín hiệu tích cực. Xuất khẩu Việt Nam không giảm mà tăng 0,2% trong sáu tháng đầu năm. Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc không giảm mà còn tăng. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu điện tử, chế tạo máy tăng cao. Điều này thể hiện xu hướng dịch chuyển do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hoạt động sản xuất công nghiệp chuyển từ các nước vẫn bị xáo trộn bởi Covid-19 sang Việt Nam.

Đến thời điểm này, khác với những lần khủng hoảng trước, ổn định vĩ mô vẫn được duy trì. Tuy nhiên, nợ xấu ngân hàng, lạm phát sau khi giảm liên tục trong tháng 6 có tăng, chỉ số giá vẫn giảm so với cuối năm 2019.

Về tỷ giá, chỉ có một lần bất ổn vào tháng 3. Trong những tháng gần đây, đồng USD đã giảm mạnh so với các đồng tiền khác. Đồng Việt Nam lên giá khoảng 1,3% so với đô la Mỹ. Về giải ngân vốn đầu tư công, đây là một ưu tiên chính sách của Nhà nước trong thời điểm này. Đầu tư từ ngân sách dự kiến tăng khoảng 20%, giúp GDP tăng lên 2%.

Phần 2: Tọa Đàm

Ông Hồ Bá Tình - Trưởng Ban biên tập CafeLand gửi lúc 11:15

Hiện nay liệu rằng các nhà đầu tư vẫn đang tìm kiếm các kênh đầu tư, liệu rằng mua bất động sản, vàng, chứng khoán bây giờ mua có rủi ro không?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương
Tổng Giám đốc Đại Phúc Land

Nguồn lực đầu tư tư nhân hiện nay vẫn tăng trong năm nay và nhà đầu tư có niềm tin rằng dịch bệnh sẽ qua và thị trường sẽ hồi phục. Còn đầu tư vào đâu sẽ tùy thuộc vào nguồn lực và ngân sách của nhà đầu tư.

Với chứng khoán và vàng tôi nghĩ là là những kênh quen thuộc với nhà đầu tư sành sỏi và am hiểu. và với bất động sản cũng vậy, tôi đánh giá là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng đòi hỏi nguồn lực rất lớn.

Tôi quan sát 8 tháng qua, các bất động sản đầu tư thuần túy có thể bị ảnh hưởng nhưng nhiều nhà đầu tư hiện nay vẫn có niềm tin vào các sản phẩm giá trị thật, các sản phẩm phục vụ an cư cho người dân vẫn có mức độ giao dịch ổn định.

TS Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên Gia Tài Chính

Trước đây chúng ta có 5 kênh đầu tư tuyền thống như ngân hàng, bất động sản, vàng,... Hiện nay có thêm các kênh đầu tư khác như quỹ đầu tư. Nhưng trong bất cứ quyết định đầu tư nào mục tiêu đầu tiên là phải bảo toàn vốn. Thứ 2 là tính thanh khoản, mua đi bán lại được. Thứ 3 là đầu tư vào cái gì để nó tăng lợi nhuận.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng, chúng ta không thể quá lạc quan vì vậy theo tôi mục tiêu bảo toàn vốn và thanh khoản là tiêu chí đầu tiên cho NDT. Căn cứ vào 2 mục tiêu đó, tôi cho rằng hiện nay tiền gửi NH và vàng là 2 kênh đầu tư ít rủi ro. Vàng là kênh rất rủi ro nhưng đầu năm đến nay mang lại lợi nhuận đến 35%, vàng có tính thanh khoản rất cao dù giá vàng lên xuống nhưng theo tôi về lâu về dài có thể sẽ lên.

Lượng tiền lớn đẩy lạm phát về, đẩy giá sản phẩm lên trong đó có giá vàng. Thứ 3 vàng luôn là tài sản an toàn cho các nhà đầu tư. Thứ 4, tất cả các kênh đầu tư như lãi suất ngân hàng sẽ giảm tuy nhiên vàng vẫn là kênh hấp dẫn. Thứ 5, về chính trị, căng thẳng thương mại. Nên đầu tư vàng hay không?

Tôi không có trả lời chính xác nhưng đây là kênh đầu tư thanh khoản tốt, bảo toàn được về vốn về lâu dài. Theo tôi, kênh gửi tiền ngân hàng và đầu tư vào vàng là hai kênh truyền thống đáng đầu tư. Bên cạnh đó có những kênh đầu tư không truyền thống như đầu tư vào quỹ đầu tư, P2P Lending.

 

Ông Nguyễn Xuân Thành
Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam

Thực ra nếu nhìn 2 phía chứng khoán hay bất động sản đều phải nhìn từ 2 phía. Về thị trường chứng khoán tính tiêu cực tác động của Covid sẽ làm lợi nhuận DN niêm yết sẽ giảm nhưng có thể tăng lên vào năm sau. Vấn đề là niềm tin của nhà đầu tư đặt vào đó căn cứ vào lợi nhuận kỳ vọng vào các doanh nghiệp mà nhà đầu tư quyết định mua hay không. Thứ hai, phải xem xu hướng của các quỹ dầu tư nước ngoài, họ lạc quan hay bi quan. Nếu mình mua vào mà họ bán ra thì giá chứng khoán khó tăng.

Thứ 3 cũng rất quan tọng. Các nhà đầu tư trong nước hiện nay số lượng sẽ ngày một tăng lên để mua bất động sản hay chứng khoán sẽ là tầng lớp trng lưu cấp trên ở Việt Nam hiện nay số lượng ngày một tăng lên. Cho đến thời điểm hiện nay họ chưa bị tác động nặng nề bởi covid.

Thống kê của ngành kao động thương binh xã hội, những người thất nghiệp xin hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động 18-24 tuổi ở thành thị. Tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh 10,45% trong tháng 6. Số ở trên 24 tuổi có xu hướng ra khỏi thị tường lao động (tầm 2 triệu người). Mối lo lớn nhất của Chính phủ là người dân lao động trong lĩnh vực dịch vụ, khách sạn nhà hàng, giao thông vận tải,… còn tầng lớp trung lưu chưa bị ảnh hưởng nhiều.Nhóm nhà đầu tư này, họ có thể xuống tiền cũng có thể chưa mà chúng ta khó có thể dự báo được.

TS Ngô Minh Hải
Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng Đại học Văn Lang

Quan sát tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam, yếu tố giữ được chứng khoán tăng trưởng từ nguồn tiền các nhà đầu tư cá nhân và những người chưa bao giờ đầu tư.

Lý do họ đầu tư là do Covid-19, bởi dịch bệnh nên giá cổ phiếu giảm sâu, nhà đầu tư cá nhân sẽ là người chịu rủi ro đầu tiên khi chứng khoán chưa thật sự đến đáy, đến khi họ hết tiền thì cũng là đến đáy.

Ông Hồ Bá Tình - Trưởng Ban biên tập CafeLand gửi lúc 11:07

Ở góc độ doanh nghiệp, thận trọng là đương nhiên nhưng xin hỏi bà Hương, trong bối cảnh như hiện nay có phải là cơ hội, chẳng hạn là cơ hội M&A dự án?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương
Tổng Giám đốc Đại Phúc Land

Đối với doanh nghiệp, chúng tôi đưa ra thứ tự các ưu tiên, trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh như hiện nay, chúng tôi chia nguồn lực ra các nhóm để đảm bảo hoạt động DN của mình.

Ưu tiên số 1 làm sao duy trì được bộ máy hiện nay vừa hoạt động nhân sự, vừa duy trì các hạng mục đầu tư vào dự án. Như tôi đã nói, bất động sản mang tính dài hạn, khi khi đầu tư một dự án ít nhất phải 3 năm cho một hạng mục sản phẩm. Uư tiên thứ 2 là hoạch định nguồn lực để đầu tư cho các hạng mục mở rộng. đối với nguồn lực xã hơn chúng tôi sẽ cân nhắc theo kịch bản thị trường.

Các DN BDS coi trọng tính thanh khoản của sản phẩm. Khi đầu tư vào dự án như vậy thời điểm nào chúng tôi sẽ ra hàng và phải sống được qua vài giai đoạn thăng trầm của thị trường. Bất động sản đòi hỏi đầu tư lớn nên hầu hết doanh nghiệp phải dùng đòn bẩy tài chính. Vì vậy việc tính toán về dòng tiền lớn, nguồn lực dự phòng biến cố xảy ra.

Như ở doanh nghiệp của mình, dịch bệnh là yếu tố tác động nên chúng tôi phải tính toán nguồn lực dự phòng xa hơn (bình thường là 2-3 năm), để đảm bảo không chỉ để duy trì bộ máy doanh nghiệp mà còn để phát triển được dự án dài hạn về sau.

Với dự án quy mô 198 ha đang phát triển ở TP.HCM, chúng tôi có lộ trình đưa sản phẩm ra thị trường phù hợp khi dòng tiền khách hàng giảm xuống, thu nhập cũng ảnh hưởng nên năm nay chúng tôi kỳ vọng năm nay đạt 50% kế hoạch là đã thành công và có kế hoạch thận trọng hơn để phát triển trong tương lai.

Ông Hồ Bá Tình - Trưởng Ban biên tập CafeLand gửi lúc 11:03

Tình hình khó khăn chung trong nước và thế giới là điều dễ dàng nhận ra. Tuy nhiên, đây cũng được xem là cơ hội lớn đối với Việt Nam. Vậy với các doanh nghiệp, theo ông Hải, bây giờ nên co cụm phòng thủ để tránh rủi ro hay chuẩn bị nguồn lực?

TS Ngô Minh Hải
Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng Đại học Văn Lang

Tôi nói ở 2 góc độ tài chính cá nhân và doanh nghiệp.

Về tài chính cá nhân, Covid là cơ hội để mọi người nhìn lại và cơ cấu danh mục đầu tư của mình. Covid ảnh hưởng đến mọi thứ tỏng cuộc sống, suy nghĩ xem quản trị tài chính của mình đã tốt hay chưa. Sau đó mới quan tâm đến “tiền đẻ ra tiền”. Trước đây chỉ có vàng chứng khoán, bất động sản, hiện nay có thêm tiền ảo, trái phiếu, nếu nhìn như vậy, cơ hội mua bất động sản giá rẻ, công ty giá rẻ, tài sản giá rẻ đang hiện hữu. Vấn đề nhà đầu tư phải xác định tầm nhìn ngắn hạn hay dài hạn.

Hồi tháng 3 còn băn khoăn nhưng giờ chính phủ đang kiểm soát tốt, hệ thống y tế cũng phản ứng tốt, chính sách vi mô đến vĩ mô ổn định định. Vì vậy, mỗi kênh đầu tư đều có dư địa của nó, nên nhà đầu tư cá nhân chọn kênh nào để hợp khẩu vị của mình.

Thị trường bất động sản hiện nay tương đối bão hòa, bất động sản là một lĩnh vực, ngoài dự án vẫn có những ngành nghề liên quan, chẳng hạn như hàng ngày chúng ta nhận hàng chục cuộc gọi telesales, có công ty công nghệ giải quyết dc vấn đề này thì cũng rất tốt.

 

Ông Hồ Bá Tình - Trưởng Ban biên tập CafeLand gửi lúc 10:49

Trong phần trình bày của ông Thành, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, các vấn đề về chính sách lại thiếu quyết liệt so với các nước khác, liệu chúng ta có còn không gian tài khóa, tiền tệ để kích thích nền kinh tế hay không? Ở các nước hỗ trợ thanh khoản, có nước hỗ trợ đến 15 – 20% cho thanh khoản, ở VIệt Nam hầu như chúng ta chưa sử dụng chính sách này. Hay vấn đề tăng chi tiêu ngân sách cũng vậy. Theo ông Thành, chúng ta có chính sách đột phá nào đó để giúp kinh tế phát triển từ các gói hỗ trợ chính sách?

Ông Nguyễn Xuân Thành
Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam

Theo tôi, tôi cho là không vì ưu tiên trước vẫn là vĩ mô. Nếu như có dấu hiệu suy thoái, tức là tăng trưởng âm thì nhà nước sẽ mạnh tay, còn tình hình vẫn duy trì được sự tăng trưởng sẽ không mạnh tay cho các chính sách.

Thực ra, dư địa chính sách vẫn có. Trong những năm qua nhờ ổn định và tăng trưởng tốt, nợ công giảm. Trong năm nay mà tăng thâm hụt ngân sách, về mặt kỹ thuật có thể làm được hình thức mạng tay là chính phủ phát hành trái phiếu, thậm chí ngân hàng trung ương mua trái phiếu đó. Tức là trực tiếp bơm tiền cho chính phủ, chính phủ dùng tiền đó để tăng chi tiêu, mạnh tay cho việc giảm thuế.

Cho đến nay, giảm thuế thu nhập, tốt cho những doanh nghiệp có lợi nhuận. Cả doanh nghiệp và người tiêu dùng rất mong muốn giảm thuế GTGT nhưng đây lại là nguồn thu chính của ngân sách. Tuy nhiên, hiện nay ưu tiên vẫn là vĩ mô, giúp ổn định, duy trì kinh tế.

Về đầu tư công, trong những năm qua, vốn bố trí đáng kể nhưng tỷ lệ giải ngân thấp. Trong năm 2020, áp lực đẩy mạnh đầu tư công hơn khi có Covid. Năm nay, đầu tư tư nhân tăng chậm, không có tác động chèn ép, tăng được đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo tôi, tỷ lệ giải ngân không đạt được trên 90% nhưng trong bối cảnh hiện này thì được cải thiện khá tốt giúp cho ngành phát triển nhất là  xây dựng.

TS Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên Gia Tài Chính

Đầu tư công sẽ là một giải pháp rất tốt bởi trong kinh tế đầu tư công là tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Nhưng tôi trở lại câu hỏi là mình có dư địa tài khoá, tiền tệ có đủ để làm không?

Tôi nghĩ là không, chúng ta có gói 300 nghìn tỉ cho các ngân hàng, rồi gói 62.000 tỉ về thuế, rồi gói 18.000 tỉ cho người lao động mất việc, rồi gói 12.000 tỉ cho vay các doanh nghiệp họ vay với lãi suất bằng 0 để giữ chân người lao động

4 gói này nếu tính trên GDP đâu đó vào khoảng 10% GDP của Việt Nam, cũng giống như ở Mỹ gói 2.000 tỉ USD cũng đâu đó khoảng 10% GDP của Mỹ. Thế nhưng hiện nay Việt Nam thực hiện bao nhiêu? Chẳng hạn như gói 62.000 tỉ về thuế hiện nay thực hiện đâu đó khoảng 20%, gói 18.000 tỉ hỗ trợ thất nghiệp đâu đó khoảng 30%, còn gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay với lãi suất 0% đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được.

Vấn đề đặt ra là dư địa liên quan đến chính sách tài khoá, tại sao chúng ta không thể giải ngân các gói hỗ trợ trên ít nhất tới thời điểm này được 70% trong khi các gói sắp hết hạn chúng ta chỉ đạt khoảng 20 – 30% thì hình như chúng ta có vấn đề về ngân sách . Nếu như chúng ta không có vấn đề về ngân sách, chính sách tài khoá có lẽ những gói đó đã đến tay người lao động, doanh nghiệp từ lâu rồi.

Thành ra vấn đề tôi đặt ra, là liệu chúng ta có nhiều dư địa về chính sách tài khoá hay không? Còn về chính sách tiền tệ tôi nghĩ rằng chúng ta không có nhiều dư địa. Tại vì bây giờ nếu ngân hàng nhà nước đẩy quá nhiều tiền vào lưu động sẽ đẩy lạm phát lên ảnh hưởng đến tỉ giá và cái này thì ngân hàng nhà nước không mong muốn.

Tôi nghĩ rằng, cả chính sách tài khoá và tiền tệ chúng ta không còn nhiều dư địa.

TS Sử Ngọc Khương
Chuyên gia đầu tư bất động sản

Tôi nghĩ dư địa tiền tệ, dư địa về tài khoá của chúng ta có. Nguồn tiền thật ra là chúng ta có và tiền đã về địa phương luôn rồi nhưng vấn đề là chúng ta có thực thi được hay không. Trong khi đó nhóm tiền này là tiền chúng ta đi vay mượn. Tôi nhớ không nhầm là còn khoảng 300.000 tỉ cho các dự án nhóm công này.

Vậy vấn đề là làm sao để chúng ta xài hết tiền. Thời gian qua, Thủ tướng, Chính phủ cũng đã chỉ đạo và các địa phương đang nổ lực giải ngân. Tôi nghĩ rằng, bài toán việc làm, bài toán về xây dựng, bất động sản là thì bức tranh nó sẽ lớn hơn các dự án nhóm công liên quan đến các vấn đề xã hội về hệ thống đường xá, giao thông.

Đặc biệt ở phía Nam này được xem là khu kinh tế trọng điểm trong đó cảng biển, đường xá được Thủ tướng phê duyệt từ năm 1997 nhưng sau 23 năm chúng ta vẫn có nhiều vấn đề chưa thực hiện được trong đó có nhiều dự án liên quan đến dự án công như hạ tầng giao thông, cảng biển, năng lượng, hệ thống y tế, hệ thống giáo dục…

Do đó, câu chuyện ở đây thì xuyên suốt mọi chỉ đạo của Chính phủ đã có hết rồi, tiền chúng ta cũng đang có sẵn nhưng vấn đề là chúng ta có thực hiện được hay không

Ông Hồ Bá Tình - Trưởng Ban biên tập CafeLand gửi lúc 10:45

Nợ xấu có thể là mấu chốt của nền kinh tế trong thời gian tới, nếu không xử lý được chúng ta sẽ bị lún sâu vào suy thoái. Xin hỏi ông Hải, ông có bình luận thêm gì về vấn đề này?

TS Ngô Minh Hải
Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng Đại học Văn Lang

Nhìn vào thị trường chuyên gia nhìn theo nguy và cơ. Nguy là bao nhiêu và cơ hội là gì. Chính phủ tung các gói kích thích, NH tập trung đảo nợ và tái cấu trúc nợ, chúng ta đang đánh cược hiện tại vào khả năng hồi phục trong tương lai, nếu thị trường hồi phục, nợ xấu sẽ không còn xấu nữa nhưng nếu thị trường không hồi phục được thì nợ xấu sẽ xấu và trở thành rủi ro cho hệ thống NH.

Các NH phải minh bạch ngay từ đầu và minh bạch với KH, để tạo được sự phát triển cho toàn hệ thống và tránh được những rủi ro thực sự.

Ông Hồ Bá Tình - Trưởng Ban biên tập CafeLand gửi lúc 10:40

Còn với các doanh nghiệp, khi làm việc với doanh nghiệp, ông Khương có nhận thấy họ đang có khó khăn thực sự?

TS Sử Ngọc Khương
Chuyên gia đầu tư bất động sản

Như anh Hiếu vừa chia sẻ, liên quan đến cơ hội 2009-2010 khi nợ hệ thống ngân hàng tăng lên hệ thống ngân hàng đẻ ra AMC quản lý nợ, sau đó lớn hơn một chút là SCIC và VAMC mới mua lại nợ của hệ thống NH. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn mua nợ xấu lại rất khó, đặc biệt là với bất động sản.

Đến thời điểm hiện tại, khi các tài sản đang nằm trong khó khăn họ sẽ nhắm đến các tài sản đó khi nó được vào danh sách nợ xấu của các NH. Bản thân DN họ đã nhìn thấy khó khăn, tức là họ “chạy”, không muốn nằm trong tình trạng đó nữa, điều này cho thấy các doanh nghiệp đã tỉnh táo hơn và tìm các nhà đầu tư ngay bây giờ. Đối với DN, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài họ ngại mua lại tài sản của AMC. Đối với doanh nghiệp hiện tại là làm sao tìm được doanh nghiệp để họ tham gia vào dự án trước khi nó biến thành nợ xấu của NH cũng là thách thức lớn.

Quay lại với thị trường hiện nay, thị trường đang tốt hơn rất nhiều giai đoạn 2009, khi nhà đầu tư nhìn vào tính thanh khoảnh thị trường đang có, quản trị rủi ro kiểm soát được, ngoại trừ pháp lý dự án đang khó khăn. Các doanh nghiệp hiện nay nhìn được câu chuyện khi nền kinh tế được phục hồi. 6 tháng đến 1 năm. Đối với các dự án bất động sản chia làm 2 nhóm bán ra lấy tiền liền, đối với nhóm đầu tư khách sạn, du lịch, cao ốc văn phòng đây là cơ hội mà các nhà đầu tư họ nhắm đến. Bản thân các nhà đầu tư doanh nghiệp khó khăn chấp nhận đi tìm đối tác trước khi khoản nợ đó biến thành nợ xấu trong các NH.

Hồ Bá Tình - Trưởng Ban biên tập CafeLand gửi lúc 10:35

Việc các chính phủ bơm tiền mạnh bằng các gói cứu trợ liệu có đi quá đà hay không?

Ông Nguyễn Xuân Thành
Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam

Nhận định của tôi là chủ động đi quá đà. Chúng ta đang sống trong một giai đoạn ảnh hưởng của chính trị vào chính sách kinh tế vô cùng lớn. Điển hình như tình hình bầu cử ở Mỹ, chính trị ở Anh hay Nhật Bản…

Việc chủ động bơm tiền từ chính sách tiền tệ, tăng chi ngân sách và giảm thu tài khoá là cách trước mắt để cứu người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu nhìn về trung và dài hạn thì việc bơm tiền mạnh có thể sẽ có những rủi ro.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi rủi ro không phải hoàn toàn là xấu. Đối với nhà đầu tư họ sẽ nhìn vào hệ thống tài chính mà ở Việt Nam sẽ là các ngân hàng thương mại. Nếu như những ngân hàng thương mại vẫn đứng vững thì các kênh đầu tư như chứng khoán hay bất động sản vẫn khả quan.

Vì sao các cuộc khủng hoảng trước đây để lại hậu quả rất nặng nề nguyên nhân là do sự yếu kém dồn lại trong hệ thống tài chính.

Chính phủ Việt Nam không thể cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp tồn tại nhưng cách Chính phủ Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp là việc duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.

Hồ Bá Tình - Trưởng Ban biên tập CafeLand gửi lúc 10:30

Hầu hết các nền kinh tế đều bị suy thoái một cách nặng nề với hệ thống ngân hàng, dường như các tín hiệu vẫn rất lạc quan? xin hỏi góc nhìn của ông Hiếu về bức tranh nợ xấu các ngân hàng Việt Nam hiện nay.

TS Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên Gia Tài Chính

NHNN ban hành Thông tư 01 cho phép NH cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, giảm lãi suất, gói 300 nghìn tỷ. Sau đó các NH đăng ký đến 700-800 nghìn tỷ, đến thời điểm hiện tại có thể lên đến 2 triệu tỷ.

Gói đó giúp ai? đó là gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp. NHNN đã có chỉ đạo không thể cho vay dưới chuẩn, nên các NH không thể cho vay để có nợ xấu. Nên các NH không dành gói hỗ trợ này cho các doanh nghiệp yếu kém.

Quay lại với thông tư 01, Với các doanh nghiệp yếu kém không có khả năng trả nợ NH không đẩy họ lên nhóm nợ xấu. Nên các DN đang có nợ xấu thì lại đang được cơ cấu ở nóm nợ tốt, nợ bình thường. Vì vậy nên lợi nhuận các ngân hàng hiện nay có thể là ảo.

“Nợ xấu của chúng ta đang bị che đi một phần  nào đó. Hiện tại, có thể nợ xấu đang tăng lên nếu không kiểm soát có thể trở thành rủi ro cho hệ thống NH Việt Nam”, ông Hiếu khuyến cáo.

Ông Hồ Bá Tình - Trưởng Ban biên tập CafeLand gửi lúc 10:20

Ở góc độ doanh nghiệp, xin hỏi bà Hương, bà nhìn nhận bức tranh kinh tế vĩ mô hiện nay như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương
Tổng Giám đốc Đại Phúc Land

Khi dịch bệnh bùng phát lần 1, doanh nghiệp chúng tôi khá bỡ ngỡ nhưng khi làn sóng Covid lần thứ 2 xảy ra chúng tôi đã được kế hoạch để làm sao tiếp tục hoạt động kinh doanh và bước qua khỏi khủng hoảng.

Sau giai đoạn 1, nhiều doanh nghiệp vẫn có nguồn lực được chuẩn bị từ trước nên sau khi thiết lập trạng thái bình thường mới, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm vẫn được đưa ra thị trường và được hấp thụ tốt. Giai đoạn  2 do đã có chuẩn bị và đưa ra kịch bản ứng phó nên chúng tôi xác định sống chung với dịch bệnh từ 6-12 tháng và có lộ trình để hồi phục sau đó. Theo quan điểm cá nhân tôi, quý 2 và quý 3/2021 thị trường sẽ từng bước hồi phục.

Vì vậy, giai đoạn này la giai đoạn củng cố, chuẩn bị từ nguồn lực, tổ chức bộ máy cho đến chuẩn bị sản phẩm để đón đầu cơ hội khi thị trường hồi phục 12-24 tháng tới. Dịch bệnh tác động gây nên khủng hoảng nhưng đây cũng chỉ là khủng hoảng ngắn hạn. Chúng tôi vẫn có niềm tin và đường hướng phát triển dài hạn.

Ông Hồ Bá Tình - Trưởng Ban biên tập CafeLand gửi lúc 10:15

TS Hải có ý kiến như thế nào về vấn đề này, Ông thấy cơ hội nhiều hơn hay rủi ro nhiều hơn?

TS Ngô Minh Hải
Trưởng khoa Tài chính – Ngân hàng Đại học Văn Lang

Trước đây khủng hoảng đợt 1 sẽ hồi phục, tuy nhiên sau 1-2 tháng sau. Tình hình hồi phục theo hình chữ U chứ không phải chữ V, quan trọng đáy chữ U bao lâu và bao xa. Hiện tại chúng ta đang ngồi bên này đoán bao giờ xuống đáy, chứ không phải nhìn từ đáy lên.

Tất cả các gói hỗ trợ đang giúp chúng ta bước chậm tới đáy. Có hai điểm là có kiểm soát được dịch bệnh hay không và bao giờ có vacxin.

Thị trường kinh tế Việt Nam, động lực lớn nhất là hiệp định EVFTA mới có hiệu lực giúp cho hoạt động xuất khẩu. Thứ hai là chiến tranh thương mại Mỹ Trung, chính là làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang. Thứ 3, làn sóng đầu tư của các công ty công nghệ.

Xét về khủng hoảng, nhu cầu cơ bản thiết yếu về sản xuất, tiêu dùng các động lực xuất khẩu. 

Đây là 4 kênh đầu tư thu hút nguồn vốn, giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng trở lại.

Hồ Bá Tình - Trưởng Ban biên tập CafeLand gửi lúc 10:10

Báo cáo kinh tế Quý 2 cho thấy hầu hết các nền kinh tế đều bị suy thoái một cách nặng nề. Tuy nhiên, một hiện tượng ít người hình dung ra trước đại dịch là thị trường tài chính và thị trường bất động sản toàn cầu lại giữ tương đối ổn định. Xin hỏi ông Khương, theo ông tại sao các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ tiền vào thị trường?

TS Sử Ngọc Khương
Chuyên gia đầu tư bất động sản

Tôi đồng ý với TS. Hiếu, khó khăn là thật sự.

Quay lại câu chuyện về khủng hoảng từ năm 1997 – 1998 ở Đông Nam Á. Lúc này chúng ta chưa hội nhập sâu vào nền kinh tế khi khủng hoảng tại Thái Lan, Hàn Quốc nổ ra. Câu chuyện khó khăn của chúng ta là về công ăn việc làm, do không có nhiều các đơn đặt hàng. Đến khủng hoảng năm 2008 – 2009, khủng hoảng toàn cầu. Trong thị trường bất động sản xảy ra tình trạng bán tháo bán lỗ.

Đến năm 2020, khó khăn rất nhiều do covid, tình hình thế giới.

Qua đó, các nhà đầu tư rất quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Trước sự khủng hoảng, các nhà đầu tư có những thương vụ 300 – 400 triệu USD, họ quyết tâm thực hiện vì họ nghĩ câu chuyện làm bất động sản Việt Nam phải trải qua nhiều năm.

Các thương vụ mua bán sáp nhập chia ra hai nhóm. Nhóm thứ nhất laf tài sản tạo ra dòng tiền như những tòa nhà như thế này. Thứ hai là dự án về đất trống, phải mất vài năm để hoàn thành việc mua bán sáp nhập.

Đối với các nhà đầu tư trong nước, học đang đi tìm cơ hội đầu tư vì họ biết rằng khó khăn của người này là cơ hội của người khác.   Đây là cơ hội mà các nhà đầu tư cá sân chơi lớn nhất so với thời điểm 2009-2010, thời điểm đó rất khó tham gia vào thị trường. Hiện tại, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là 3 nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào thị trường Việt Nam.

Ông Hồ Bá Tình - Trưởng Ban biên tập CafeLand gửi lúc 9:50

Qua phần trình bày của ông Thành, chúng ta thấy bức tranh kinh tế vĩ mô tương đối sáng sủa. Xin hỏi, Tiến sĩ Nguyễn Trí hiếu ông đánh giá bối cảnh kinh tế hiện nay so với các cuộc khủng hoảng trước đây?

TS Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên Gia Tài Chính

Tôi lạc quan nhưng thận trọng

Tôi không lạc quan nếu nhình về tình hình kinh tế thế giới hiện tại. Theo một số dự báo kinh tế toàn cầu giảm âm 5% trong năm nay. Mỹ nền kinh tế lớn nhất thế giới trong quý 2 đã giảm 9% so với quý 1, nhưng theo tính toán của người Mỹ nếu tính theo cả năm quý 2 giảm đến 32,9% so với quý 1/2020. Đây là điều chưa bao giờ xảy ra với nền kinh tế Mỹ.

Mỹ đã đưa ra gói kích cầu kinh tế 2.000 tỉ USD và sắp tới quốc hội đang dự kiến thêm gói 1.000 tỉ USD nhưng cũng chưa biết sẽ đi về đâu.

Trong bối cảnh dịch bệnh và chính trị ảnh hưởng đến nền kinh tế thì chỉ số chứng khoán của Mỹ vẫn tăng trưởng cao. Điều này cho thấy hình như doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ vẫn tin tưởng và các gói hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, nếu nhìn trong bối cảnh chung thì nền kinh tế Mỹ vẫn rất ảm đạm.

Trong bối cảnh như vậy, tình hình kinh tế của Việt Nam có vẻ sáng hơn nhờ vào xuất khẩu vào Hoa Kỳ tương đối tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam không chỉ vào một thị trường Mỹ mà còn nhều thị trường khác nữa. Khi nền kinh tế Mỹ và toàn cầu đang ảm đạm như vậy thì ngoại thương của Việt Nam trong thời gian tới cũng sẽ ảnh hưởng rất mạnh.

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần kích cầu nội địa để bù lại sự sụt giảm của ngoại thương nhưng tôi nghĩ rằng nó là không đủ khi GDP của người Việt Nam khoảng 3.000 USD/năm.

Lần đầu đại dịch chúng ta kiểm soát rất tốt. Nhưng trong đợt 2 này thì rất phức tạp khi số lượng người nhiễm bệnh và tử vong tăng cao. Những lĩnh vực du lịch, khách sạn, nghỉ dưỡng, giao thông vận tải bị ảnh hưởng đầu tiên và tác động mạnh đến toàn nền kinh tế.

Cách ứng phó của chúng ta trong lần thứ 2 bình tĩnh hơn, không hoảng loạn và đóng cửa hàng loạt như lần đầu. Tuy nhiên, nguồn lực để chúng ta duy trì được như vậy sẽ bao lâu?

Do đó, với kinh tế Việt Nam tôi lạc quan nhưng một cách thận trọng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang rất ảm đạm.

Ban Biên Tập CafeLand
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.