Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với Văn phòng Quốc hội để đăng ký nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tư Dự án đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các cơ chế đặc thù theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Phước vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ trình Quốc hội xem xét, quyết định trong kỳ họp cuối năm 2023.

Thông tin trên được đề cập tại Thông báo số 331/TB-VPCP ngày 17/8/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình chuẩn bị đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Nam Định - Thái Bình và Dự án đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh UBND các tỉnh: Thái Bình, Bình Phước và các tỉnh liên quan đã tích cực chuẩn bị đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của hai dự án đường bộ cao tốc; các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ, nhiệt tình hỗ trợ các địa phương trong công tác này. Dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh Bình Phước cần quyết liệt hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ triển khai các thủ tục để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự kiến diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 30/11/2023

Trong báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước, dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có chiều dài khoảng 128,8 km. Trong đó đoạn qua tỉnh Đắk Nông khoảng 27,8 km; đoạn qua tỉnh Bình Phước khoảng 101 km (gồm 2 km đường dẫn từ nút giao cuối tuyến với cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).

Tuyến đường xuất phát từ nút giao với QL14 tại tỉnh Đắk Nông và kết thúc tại xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Dự án được phân kỳ thành 2 giai đoạn đầu tư:

Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng nền đường là 19m, cứ khoảng 2 - 2,5 km bố trí một điểm dừng xe khẩn cấp theo quy định.

Giai đoạn 2, dự án sẽ được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch với 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng xe khẩn cấp, bề rộng nền đường là 32,25m.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án ước khoảng 25.571 tỉ đồng. Trong đó, chi phí GPMB khoảng 4.640 tỉ đồng; Chi phí xây dựng khoảng 15.063 tỉ đồng; còn lại là các chi phí khác và lãi vay trong thời gian thi công.

Cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành sau khi hoàn thành sẽ tạo nhiều đột phá trong kết nối giao thông, phát triển kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên.

Hiện nay, tuyến quốc lộ 14 kết nối TP.HCM và cả vùng Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên đã quá tải. Do đó, cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ tỉnh Đắk Nông đi tỉnh Bình Phước về TP.HCM đồng thời tạo thuận lợi kết nối về sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

N.Đăng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.