Thực tế cho thấy bên cạnh những dự án được triển khai có hiệu quả vẫn còn rất nhiều khu quy hoạch báo hại người dân.
Ở ngoại thành TPHCM, ĐBSCL và nhiều nơi khác, hàng chục ngàn hộ dân đang nếm trải vị đắng đô thị hóa do sự vô cảm của nhà đầu tư và sự thờ ơ của chính quyền địa phương. Khi dự án đến cũng là lúc đất ruộng và nghề nông - chiếc cần câu cơm bao đời của người nông dân - đội nón ra đi. Khoản tiền đền bù thu hồi đất rồi cũng vơi dần. Từ chỗ chưa bao giờ đói ăn, rất nhiều gia đình nông dân bỗng dưng tay trắng.
Vấn nạn trên đã diễn ra trong thời gian dài ở hầu hết các địa phương, ai cũng thấy nhưng tiếng nói trách nhiệm vẫn cứ rơi vào khoảng không im lặng. Thay vào đó, số dự án mới nối tiếp nhau ra đời, đồng nghĩa rằng đất nông nghiệp bị mất thêm nhiều và số hộ nông dân lâm vào cảnh khó nghèo tăng lên, trở thành gánh nặng của xã hội. Bất cập này cho thấy trong không ít dự án, khi đặt bút ký quyết định cấp phép đầu tư, chính quyền địa phương đã nghĩ đến lợi ích của nhà đầu tư nhiều hơn quyền lợi của người dân.
Tính đến nay, cả nước đã dành gần 72.000 ha đất tự nhiên để thành lập hơn 260 KCN. Số KCN nhiều nhưng chất lượng không cao, tỉ lệ lấp đầy trung bình chưa tới 50%. Các bộ, ngành hữu quan đưa ra số liệu khá lạc quan: Các KCN đã tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động trực tiếp (bình quân khoảng 75 lao động/ha đất cho thuê), ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho 1,5 - 1,8 triệu lao động gián tiếp… Thành quả này đáng ghi nhận nhưng còn hàng ngàn hộ gia đình đã ly tán, hàng vạn người mất việc, đành tha hương kiếm sống thì phải giải quyết sao đây? Chưa ai trả lời thấu đáo!
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, nước ta sẽ mở thêm 249 KCN và số KCN này dự kiến sẽ ngốn thêm 81.000 ha đất nữa. Nếu còn nương tay với dự án treo như trước nay thì sẽ có thêm hàng chục ngàn hộ dân trong những vùng quy hoạch lâm vào cảnh cơ hàn, từ đó nảy sinh nhiều vấn đề xã hội không dễ giải quyết.
Trong câu chuyện này, những nhà đầu tư ngâm dự án có “tội” đã đành, để xảy ra tình trạng này chắc chắn có lỗi của chính quyền các địa phương. Gần đây, nhiều tỉnh - thành như Tây Ninh, Long An... đã mạnh tay với nhà đầu tư chây ì bằng cách thu hồi đất đã cấp để trả lại cho nông dân. Để từng bước dẹp nạn quy hoạch treo, TPHCM, địa phương có nhiều dự án “ngâm giấm” lâu năm, hoàn toàn có thể thực hiện chính sách “bàn tay thép” kiểu như vậy.
Hy vọng rằng những kết luận từ kỳ họp HĐND TP vừa kết thúc sẽ sớm thành hiện thực.