28/05/2014 9:36 AM
CafeLand - Đó là vấn đề được đa số các đại biểu Quốc hội lưu ý tại phiên thảo luận tổ ngày 27/5 về dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất Động sản (sửa đổi).

Nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cần làm rõ và cụ thể hơn trách nhiệm của từng đối tượng liên quan đến kinh doanh bất động sản và nhà ở. Ảnh: TT

Để tất cả người dân đều có nhà ở

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp. Hồ Chí Minh), Luật Nhà ở hiện hành chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể và đủ mạnh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, đặc biệt là tại các đô thị lớn có nhu cầu cao về nhà ở để đáp ứng các điều kiện và khả năng chi trả của người dân. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến việc đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhằm thu hồi vốn nhanh, trong khi thực tế lại rất cần quỹ nhà ở cho các đối tượng không đủ khả năng về tài chính thuê.

Luật cũng chưa có quy định cụ thể về các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ cho người thu nhập thấp, hộ nghèo vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như: Quỹ phát triển nhà ở xã hội, Quỹ tín thác bất động sản...

Việc huy động vốn cho việc phát triển nhà ở còn gặp nhiều khó khăn và chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các tổ chức tín dụng thương mại, khi các tổ chức tín dụng thắt chặt việc cho vay thì các doanh nghiệp phát triển nhà ở đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư. Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định, Luật nhà ở sửa đổi góp phần khắc phục những hạn chế nêu trên để giúp người dân đều có nhà ở.

Các đại biểu Trần Hoàng Ngân, Trần Thanh Hải, Võ Thị Dung cùng ở đoàn Tp. Hồ Chí Minh đề nghị: phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở, bao gồm nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ; nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng trong xã hội; hình thành các định chế tài chính phát triển nhà ở phù hợp để các doanh nghiệp và mọi người dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho mục đích cải thiện nhà ở; từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở ngày càng tốt hơn cho các tầng lớp dân cư.

Còn đại biểu Trần Du Lịch cũng đoàn Tp. Hồ Chí Minh lại cho rằng, Luật Nhà ở chưa có quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư, trong khi nhà chung cư lại có thời hạn sử dụng theo phân cấp công trình quy định của pháp luật về xây dựng nên Nhà nước đã không có cơ sở pháp lý để di dời, phá dỡ và xây dựng lại các công trình mới khi nhà chung cư bị hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị Luật cần quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư theo cấp công trình đồng thời, Luật cũng cần làm rõ hơn các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là việc quản lý sử dụng các nhà chung cư cao tầng, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp hiện nay và việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Tránh chồng chéo

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) và Lê Nam (đoàn Thanh Hoá) cho hay, Luật Kinh doanh bất động sản liên quan đến rất nhiều Luật, chúng ta vẫn chưa lọc hết được sự chồng chéo trong Luật. Chẳng hạn như liên quan đến Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật Nhà ở và Bộ Luật dân sự... Đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị, Ban soạn thảo nên rà soát lại các điều khoản liên quan đến hai Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) này cũng như các Luật khác để tránh chồng chéo. Cần làm rõ các nguyên tắc quy định hoạt động kinh doanh bất động sản, các chế tài xử lý khi vi phạm nếu không sẽ trùng với Luật dân sự. Đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng để nghị xem lại vấn đề bảo hành nhà và công trình đã bán trong Luật này vì trong điều 22 của Luật Nhà ở cũng đã có.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) bày tỏ, dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cần làm rõ và cụ thể hơn trách nhiệm của từng đối tượng liên quan đến kinh doanh bất động sản và nhà ở. Điều này rất cần thiết trong quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản hiện nay.

“Hai dự thảo luật lần này có quy định rất quan trọng, đó là kinh doanh bất động sản và phát triển nhà ở kể cả nhà thương mại, nhà ở xã hội phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch và kế hoạch ở đây rất nhạy cảm bởi quy định này có thể làm nảy sinh lợi ích nhóm. Chỉ bằng một thay đổi nhỏ trong quy hoạch có thể khiến hàng trăm, hàng nghìn người dân phải di dời mất nhà cửa. Cho nên để giải quyết vấn đề này đề nghị cần quy định rất chặt chẽ việc điểu chỉnh thay đổi quy hoạch, kế hoạch. Nếu muốn thay đổi quy hoạch, kế hoạch phải có tiêu chí rõ ràng không thể phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của nhà quản lý.” - đại biểu Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.