20% chính là con số mà các chủ đầu tư đã bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư cho cư dân quản lý. Con số ít ỏi này đã phần nào thể hiện được thực trạng tranh chấp phí bảo trì chung cư giữa Chủ đầu tư và cư dân tại các chung cư ngày càng gay gắt. Có lẽ, hơn lúc nào hết cần một chế tài đủ mạnh khiến cho các chủ đầu tư không dám chây ì và cũng để những cư dân được hưởng quyền lợi chính đáng của mình.
Hơn lúc nào hết cần một chế tài đủ mạnh để có thể xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp phí bảo trì chung cư (ảnh TL)
Tranh chấp ngày càng nhiều
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay Hà Nội có khoảng hơn 600 chung cư nhưng số chung cư đã bàn giao quỹ bảo trì chỉ khoảng 20%, 80% còn lại đang là tâm điểm tranh chấp chưa có hồi kết giữa chủ đầu tư và cư dân.
Chính sức nóng của việc tranh chấp phí bảo trì đã khiến Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội và UBND TP HCM báo cáo về tình trạng dân cư khiếu nại phản đối các Chủ đầu tư tại các dự án bất động sản để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Đã từ rất lâu, việc tranh chấp phí bảo trì đã là chủ đề nóng được đem ra bàn luận tại nhiều hội thảo, hội nghị. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân chủ yếu đến từ phía chủ đầu tư mà bài toán này vẫn chưa thể tìm ra được lời giải.
Một ví dụ điển hình về tranh chấp phí bảo trì chung cư chính là vụ việc cư dân Keangnam (Hà Nội) gian nan đòi hơn 100 tỷ đồng tiền phí bảo trì từ chủ đầu tư trong suốt một thời gian dài. Keangnam vốn được biết đến là khu của giới nhà giàu, với những căn hộ cao cấp. Ở nơi vốn được coi là biểu tượng về sự cao cấp, sang trọng nhưng việc tranh chấp vẫn diễn ra thì có thể thấy việc tranh chấp phí bảo trì đang diễn ra hết sức phức tạp.
Năm 2014, sau khi Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, tưởng chừng đây sẽ là bước ngoặt giúp giải quyết các tranh chấp phí bảo trì chung cư tồn tại trước đó, thế nhưng từ đầu năm 2017 đến nay vẫn có hàng loạt các chủ đầu tư bị khiếu nại về việc chậm chễ trong việc bàn giao phí bảo trì chung cư.
Có thể kể đến toà 310 Minh Khai do Vinaconex 3 làm Chủ đầu tư, Thăng Long Garden do Cty CP May Thăng Long làm Chủ đầu tư, hay Hồ Gươm Plaza do Cty CP May Hồ Gươm làm Chủ đầu tư…
Mới đây nhất ngày 22/11, trong thông báo gửi các cư dân khu nhà CT6, Chủ đầu tư là Cty CP sản xuất – xuất nhập khẩu BEMES cho rằng, họ chưa thu phần quỹ bảo trì này khi bàn giao nhà vào năm 2013 vì trong hợp đồng mua bán nhà không đề cập đến khoản phí bảo trì 2% này.
Thông báo của chủ đầu tư ngay lập tức đã nhận được làn sóng phản đối dữ dội của các cư dân tại đây, họ cho rằng theo quy định của Luật Nhà ở 2014 thì chủ đầu tư sẽ phải trích 2% trong tổng giá trị căn hộ để nộp quỹ bảo trì, điều đó đồng nghĩa là 2% đó đã bao gồm trong tổng giá trị căn hộ mà chủ đầu tư đã thu từ người mua nhà ngay tại thời điểm ban đầu.
Đại diện cho cư dân, Ban quản trị cụm CT6 cho biết: Trong hợp đồng mua bán căn hộ không nêu rõ, đề cập đến khoản phí 2% nhưng theo Luật Nhà ở thì chủ đầu tư sẽ phải đóng khoản phí 2% này, cần phải tuân thủ luật pháp.
“Nếu cứ như này thì chúng tôi lấy đâu ra kinh phí để bảo trì kịp thời cũng như sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp, chủ đầu tư phải có trách nhiệm và thực hiện đúng quy định của pháp luật” một cư dân đang sinh sống tại đây bức xúc cho biết.
Mới chỉ có 20% phí bảo trì chung cư được bàn giao, vậy 80%, đồng nghĩa với đó là hàng nghìn tỷ đồng phí bảo trì chung đang ở đâu? Trong khi tranh chấp ngày càng diễn biến phức tạp về cả số lượng và tính chất.
Cần một chế tài đủ mạnh
Căn cứ Điều 108 Luật Nhà ở 2014 thì kinh phí bảo trì nhà chung cư đối với chủ đầu tư được xác định như sau: Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư bán, cho thuê mua thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích khác bán, cho thuê mua; khoản tiền này được tính vào tiền bán, tiền thuê mua nhà mà người mua, thuê mua phải đóng khi nhận bàn giao và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua.
Đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm bàn giao đưa nhà chung cư vào sử dụng, trừ phần diện tích thuộc sở hữu chung thì chủ đầu tư phải đóng 2% giá trị căn hộ, phần diện tích giữ lại; phần giá trị này được tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư đó.
Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến việc các chủ đầu tư chây ì, không chịu bàn giao phí bảo trì chung cư theo quy định là do chủ đầu tư làm ăn bết bát và không có khả năng chi trả.
Ngoài ra, từ trước đến nay, nhiều chủ đầu tư sau nhiều năm không hoàn trả khoản phí này, tranh chấp với cư dân rất căng thẳng nhưng cũng chẳng có chủ đầu tư nào bị xử lý mạnh tay.
Trên thực tế, khi tranh chấp xảy ra thì những cư dân thường là những người chịu thiệt, vì vừa phải đấu tranh đòi quyền lợi vừa phải lo lắng về kinh phí bảo trì, sữa chữa cho những hạng mục công trình đã xuống cấp, gây ảnh hưởng đến cuộc sống.
Có lẽ, hơn lúc nào hết chúng ta cần đưa ra một chế tài đủ mạnh, để giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn, để chủ đầu tư không còn dám chây ì và cũng là để những cư dân có thể yên tâm ổn định cuộc sống.
Thân Nam (Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.