Tuy nhiên, các lâm trường báo cáo với cơ quan chức năng của Nhà nước là không chính xác, nhỏ hơn rất nhiều so với thực tế.
Báo cáo mâu thuẫn đất đai giữa các công ty lâm nghiệp quốc doanh và người dân địa phương đã chỉ ra ba nguyên nhân chính làm phát sinh các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm đất lâm trường là do người dân thiếu đất canh tác, việc sử dụng đất của nhiều lâm trường không hiệu quả, trong khi thị trường hàng hóa nông sản ở khu vực miền núi phát triển, nhu cầu trồng những cây hàng hóa nông sản cho giá trị cao hơn cây rừng ngày càng tăng… Hình thức chủ yếu là người dân lấn chiếm đất của lâm trường để trồng các loại cây nông sản như sắn (mì), mía, cao su, gỗ rừng trồng…
Thế nhưng, cơ chế giải quyết mâu thuẫn từ việc tranh chấp, lấn chiếm đất giữa lâm trường và người dân ở nhiều địa phương thường bị bế tắc do thiếu cơ sở pháp lý, phân định ranh giới đất chưa rõ ràng trên thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng chéo (có nơi đất của xã trùng đất lâm trường, xã nằm trên đất lâm trường), trong khi chính quyền vẫn chưa thực sự vào cuộc xử lý tranh chấp.
Trước tình trạng trên, nhóm nghiên cứu đưa ra kiến nghị để thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về đổi mới, sắp xếp lại các nông lâm trường quốc doanh một cách hiệu quả, nghiêm túc thì phải triển khai tổng điều tra, rà soát lại việc sử dụng đất lâm trường hiện nay, đánh giá tình trạng thiếu đất sản xuất của các hộ dân. Bóc tách phần diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm trả lại chính quyền địa phương để giao các hộ có đủ điều kiện. Phần còn lại của lâm trường thì phải thực hiện cho thuê đất trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng giữa các nhóm đối tượng, tránh tình trạng lâm trường cho đối tác ở bên ngoài vào thuê đất, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh đất rừng.