3 năm chưa có giấy chủ quyền
Theo đơn khiếu nại khẩn cấp các cư dân khu chung cư cao cấp Golden Westlake gửi các sở ban ngành, chủ đầu tư Hà Việt Tungshing đã vi phạm đến 10 điểm, như không thực hiện việc làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà cho cư dân; không tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị khu chung cư; vi phạm các quy định đối với việc sử dụng tầng hầm, sảnh, lối đi chung; thu phí bảo trì sai quy định…
Theo ông Trần Tuấn Phong, đại diện cho các hộ dân, tình cảnh hiện nay của cư dân Golden Westlake không khác nào bỏ tiền tỷ đi ở trọ suốt 3 năm, bởi không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất.
Ngay cả việc bầu ban quản trị tòa nhà dù đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng đều bị chủ đầu tư lần lữa. Điều này khiến mọi thỏa thuận khác về phí vận hành, phí bảo trì giữa 2 bên rất khó khăn.
Theo đại diện của chủ đầu tư Hà Việt Tungshing, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà cho người dân bị kéo dài do nguyên nhân khách quan. Về việc thu phí trông giữ xe ô tô lên đến 2 triệu đồng/tháng, Hà Việt Tungshing làm theo đúng văn bản thẩm định của Sở Tài chính Hà Nội.
Doanh nghiệp này cho biết đang xúc tiến để tổ chức đại hội nhà chung cư bầu ra ban quản trị trong thời gian ngắn sắp tới. Tuy nhiên, theo đại diện của các cư dân, phí trông giữ xe ô tô chỉ là giọt nước tràn ly sau nhiều dịch vụ “khác người” tại tòa chung cư cao cấp này.
Cư dân chỉ yêu cầu chủ đầu tư phải minh bạch, không thể đơn phương áp dụng một mức giá quá cao. Ngoài ra, cư dân còn “tố” chủ đầu tư chiếm luôn 2 hành lang chung để cho thuê, lối đi của cư dân nay chỉ còn bó hẹp lại theo lối đi của xe chở rác.
Phải có ban quản trị
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, giữa cư dân và chủ đầu tư đã có hợp đồng dân sự nên khi xảy ra tranh chấp có thể đưa ra tòa.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh phải thành lập ban quản trị tòa nhà mới có thể nhanh chóng giải quyết được những khúc mắc và tranh cãi kéo dài nhiều năm nay giữa 2 bên.
Việc chủ đầu tư 3 năm không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, đất khi đã bán đến 90% căn hộ là sai và chủ đầu tư phải làm ngay. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Tây Hồ và Sở Xây dựng Hà Nội hướng dẫn các hộ dân thành lập ban quản trị.
Ngoài ra, về việc thu phí, Phó Giám đốc sở Xây dựng cho rằng 2 bên cần thỏa thuận với nhau, đặc biệt trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay để có mức giá hợp lý nhất.
Các cư dân tòa nhà Golden Westlake cũng cho rằng còn quá nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước về nhà chung cư, trong đó nổi bật nhất là các vấn đề liên quan đến quy chế, hợp đồng mua bán, sở hữu chung riêng, phí dịch vụ, phí bảo trì…
Vì thế Nhà nước cần điều chỉnh bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp, bởi nhà chung cư đang phát triển quá nhanh, sự đụng độ giữa chủ đầu tư và cư dân cũng không ngừng gia tăng.
Theo ông Võ Quốc Hùng, đại diện Bộ Xây dựng, mỗi khu chung cư có một đặc điểm khác nhau, vì thế cư dân và chủ đầu tư nên thỏa thuận để “chung sống hòa bình” trên cơ sở hợp đồng mua bán đã được ký kết là tốt nhất, bởi Nhà nước không thể có một mức giá chung hoặc những quy định chung cho tất cả.
Một cuộc họp giữa cư dân chung cư Golden Westlake với chủ đầu tư về phí giữ xe.
Golden Westlake gồm 370 căn hộ là dự án dạng cao cấp có giá 1.400-4.000USD/m2 tùy diện tích. Đây không phải là lần đầu tiên mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân Golden Westlake nổ ra về tranh chấp diện tích chung riêng.
Trước đó, phí đỗ xe của cư dân Golden Westlake được chủ đầu tư chấp nhận giảm từ 3 triệu đồng xuống còn 1 triệu đồng mỗi tháng. Tranh chấp giữa các cư dân và chủ đầu tư đã kéo dài từ vài năm nay.
Giữa tháng 5-2012, các hộ dân ở đây đã đỗ xe ô tô chăng kín lối đi xuống tầng hầm để phản đối chủ đầu tư thu tiền phí trông xe quá cao.
Không chỉ Golden Westlake mà nhiều chủ đầu tư đã bị cư dân phản đối vì tăng phí gửi xe như Sky City (Láng Hạ), Keangnam (Phạm Hùng) và The Manor (Mễ Trì). Tuy nhiên, sau nhiều lần thương lượng, chủ đầu tư đều nhượng bộ khách hàng.