30/10/2016 11:43 AM
Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo theo hướng dừng hẳn hoặc kéo giảm tổng mức đầu tư xuống. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cho rằng không thể dừng dự án.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (dự án) được UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu tư từ năm 2008. Theo đó, giai đoạn 1 có chiều dài 11,5km, trong đó 8,5km ngầm và 3km đi trên cao, 1 depot với tổng mức đầu tư là 131.023 triệu yên (tương đương 19.555 tỷ đồng).

Tháng 11-2011, Tư vấn chung của Dự án đã hoàn thiện thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư điều chỉnh dự án. Do tổng mức đầu tư của Dự án tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xem xét. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư thuê tư vấn độc lập thẩm tra dự án điều chỉnh.

Đến nay, Tư vấn thẩm tra đã hoàn thành báo cáo cuối kỳ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có báo cáo trình Chính phủ và đề xuất một số thay đổi. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, với số tiền trên, tính ra trung bình là 216 triệu USD/km. Trong đó, tổng chi phí hệ thống cơ điện 503 triệu USD (chiếm 20,24%). Chi phí đầu tư/km của dự án điều chỉnh do UBND TP Hà Nội trình cao gấp 1,7 lần so với dự án tương tự tại Malaysia và gấp khoảng 3 lần so với dự án tương tự tại Trung Quốc.

Về tổng mức đầu tư do UBND TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho rằng, việc áp dụng tỷ giá quy đổi, mức dự phòng khối lượng phát sinh không đúng theo chỉ dẫn của JICA. Tính sai (tăng) chi phí thiết kế bản vẽ thi công, đơn giá công tác chống thấm đáy nhà ga C5. Chi phí đầu tư cho hệ thống cơ điện là rất cao (gấp từ 2 đến 7 lần) so với dự án tương tự trong khu vực và không được tư vấn lập dự án phân tích đơn giá chi tiết.

Sau khi thẩm tra, ý kiến của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho hay, tổng mức đầu tư tại thời điểm năm 2012 (thời điểm trình) là 41.870 tỷ đồng, giảm hơn 9.880 tỷ đồng bởi các nguyên nhân như do hiệu chỉnh tỷ giá làm giảm 3.872 tỷ đồng; do hiệu chỉnh khối lượng, đơn giá làm giảm 3.900 tỷ đồng; do thực hiện tối ưu hoá thiết kế làm giảm 2.106 tỷ đồng.

Phối cảnh tuyến đường sắt đô thị.

Tuy nhiên, sang đến năm 2016 (thời điểm thẩm tra), thì tổng mức đầu tư còn 33.568 tỷ đồng, giảm 18.181 tỷ đồng do hiệu chỉnh tỷ giá, trượt giá làm giảm hơn 9.464 tỷ đồng, hiệu chỉnh khối lượng dự phòng về 5%, làm giảm hơn 5.956 tỷ đồng; thực hiện tối ưu hoá thiết kế làm giảm 1.738 tỷ đồng; điều chỉnh hợp đồng vận hành bảo dưỡng từ 5 năm xuống 2 năm làm giảm 626,487 tỷ đồng...

Về hiệu quả tài chính của dự án, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, với tổng mức đầu tư của dự án rất lớn (gần 33.569 tỷ đồng) và hiệu quả tài chính của dự án thấp (4,07%) thì việc kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư cho dự án này là không khả thi...

Trước hàng loạt vấn đề, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra 2 phương án. Trong đó phương án 1 là đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo UBND thành phố Hà Nội dừng đầu tư thực hiện Dự án để tập trung đầu tư nguồn lực (khoảng 5.000 tỷ đồng vốn đối ứng) đầu tư các dự án cấp bách khác nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Phương án 2, để tận dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, đề nghị Thủ tướng giao UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt điều chỉnh Dự án với tổng mức đầu tư tối đa 30.069 tỷ đồng như phương án kiến nghị của Tư vấn thẩm tra.

Trên cơ sở kết quả tư vấn thẩm tra, UBND TP Hà Nội đã rà soát tổng mức đầu tư điều chỉnh tại thời điểm tháng 3-2016 là khoảng 200,415 tỷ yên, tương đương 36.587 tỷ đồng. Hà Nội cũng đưa ra nguyên nhân giảm tổng mức đầu tư là do hiệu chỉnh tỷ giá làm giảm khoảng 8.922 tỷ đồng; do hiệu chỉnh tỷ lệ trượt giá của đồng ngoại tệ và đồng nội tệ làm giảm khoảng 5.424 tỷ đồng; do hiệu chỉnh khối lượng, đơn giá làm giảm khoảng 243 tỷ đồng; do hiệu chỉnh giảm một số khối lượng của hợp đồng hỗ trợ vận hành bảo dưỡng 5 năm làm giảm khoảng 574 tỷ đồng...

Tỏ rõ quan điểm không “bằng lòng” với đề xuất dừng dự án, UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay Dự án đã phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/500 và phương án thiết kế kiến trúc công trình cho Depot, đoạn trên cao và 3 ga trên cao, đoạn ngầm và 5 ga ngầm. Đã giải phóng mặt bằng Depot được 75%, đoạn trên cao được 60%, đang triển khai thu hồi đất và rà phá bom mìn các ga ngầm...

Nếu dự án bị dừng, tổng mức đầu tư còn có thể tăng tiếp, mất cơ hội về nguồn vốn, các công việc của Dự án đã thực hiện sẽ trở lên lãng phí, hạ tầng giao thông công cộng không được cải thiện làm ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển của thành phố cũng như đáp ứng mục tiêu đã đặt ra theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Còn với phương án 2, UBND TP Hà Nội cho rằng tổng mức tối đa như đề xuất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư là chưa phù hợp, không an toàn để thực hiện dự án, vì các dự án có quy mô nhỏ hơn tuyến 2 đều có tổng mức cao hơn tuyến 3 của Hà Nội và tuyến 1, tuyến 2 của thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện dự án và phê duyệt dự án điều chỉnh với tổng mức đầu tư là khoảng 200,415 tỷ yên, tương đương 36,587 tỷ đồng.

Tuyến ĐSĐT số 2 của Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị kết nối khu đô thị mới với khu vực đô thị trung tâm thành phố. Hướng tuyến: Giai đoạn 1 của Tuyến 2 (tổng chiều dài 11,5km) đi qua các quận/huyện Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình và Hoàn Kiếm. Điểm đầu tại Nam Thăng Long - khu đô thị mới CIPUTRA, tuyến đi dọc đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – đường Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài và kết thúc tại nút giao trên phố Trần Hưng Đạo.

Phạm Huyền (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.