14/12/2012 8:47 PM
Bộ mặt Tràng Tiền Plaza sẽ thay đổi ra sao sau đợt cải tạo quy mô suốt từ tháng 4/2011 đang là mối quan tâm của dư luận.

Ngoài việc nâng “đẳng cấp” hàng hóa, Tràng Tiền Plaza không có thay đổi đáng

kể sau khi được nâng cấp, cải tạo.Ảnh: Việt Nguyễn.

Được xây dựng từ giai đoạn dân số Hà Nội chưa đầy 1 triệu người, Tràng Tiền Plaza không đơn giản là một trung tâm thương mại, mà còn mang nhiều giá trị biểu tượng về văn hóa, kiến trúc, bản sắc thủ đô, là dấu ấn của một thời bao cấp đầy gian khó. Bởi thế, bộ mặt Tràng Tiền Plaza sẽ thay đổi ra sao sau đợt cải tạo quy mô suốt từ tháng 4/2011 đang là mối quan tâm của dư luận.

400 tỷ, chỉ chỉnh trang nội thất

Dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm thương mại Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza) bắt đầu khởi công từ tháng 4/2011. Đây là lần đầu tiên trung tâm thương mại này được cải tạo lớn, trước đó chỉ duy tu bảo dưỡng định kỳ. Hiện các đơn vị liên quan đã giăng hàng pano bóng bẩy quây kín tòa nhà này với những bức ảnh Tràng Tiền xưa - nay và mô phỏng Tràng Tiền Plaza sau khi cải tạo. Thông tin đáng chú ý nhất là, trung tâm này sẽ mở cửa trở lại vào tháng 1/2013.

Với số tiền đầu tư được các đơn vị thực hiện huy động lên tới khoảng 400 tỷ đồng, dư luận đang kỳ vọng về một sự thay đổi lớn cho “bách hóa” Tràng Tiền sau một thời gian dài lép vế trước những siêu thị, trung tâm thương mại lớn khác mới mở, dù ở vị trí “kim cương” – ngay sát hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tràng Tiền (Công ty Tràng Tiền), việc cải tạo nâng cấp chỉ tập trung vào việc “làm đẹp” phía trong tòa nhà.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung – Giám đốc Công ty Tràng Tiền cho biết: “Thành phố không cho thay đổi kiến trúc bên ngoài. Chiều sâu, chiều cao, kết cấu đều không được thay đổi, chủ yếu chỉ thay đổi hệ thống trang thiết bị, nội thất, làm đẹp toàn bộ thôi”. Theo bà Dung, cải tạo ở đây là khắc phục hiện trạng của Tràng Tiền sau thời gian dài sử dụng đã xuống cấp. Sau 10 năm liên tục khai thác, “bách hóa” Tràng Tiền đã không còn đẹp để thu hút khách thuê mới.

Đại diện chủ đầu tư thông tin, toàn bộ vốn đầu tư là nguồn huy động đối tác của công ty và đơn vị quản lý (Tập đoàn Liên Thái Bình Dương – IPP). IPP sẽ đảm nhiệm vai trò quản lý, điều hành tòa nhà để nâng cao tính chuyên nghiệp. Theo bà Dung, về cơ bản, sau khi cải tạo cũng chẳng có thêm khoảng trống nào để gửi xe – dù đây là vấn đề bức thiết của trung tâm này. “Lý do là không thể làm thêm được tầng hầm, không thể tăng chiều cao, không thể mở rộng diện tích, cũng không có điều kiện nào để tự mở được. Tôi quản lý ở đây nhiều năm nên nhận thấy làm bất kể cái gì khác ở Tràng Tiền đều cực kỳ khó khăn”.

Phục vụ “đại gia” là chính

“Hiện đã có nhiều khách đến thuê mặt bằng, nhưng chưa đầy, được khoảng 60%. Về chỗ gửi xe, trước đây các chủ quầy và nhân viên được gửi xe trong trung tâm thì từ nay phải đi gửi chỗ khác, tất cả dành cho khách mua sắm. Tầng hầm chỉ chứa được khoảng 40 xe ôtô thôi. Đây là thay đổi đáng kể nhất” - Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết.

Không gian chật hẹp, thiếu chỗ gửi xe là hạn chế khiến Tràng Tiền Plaza trong thời gian vừa qua không cạnh tranh nổi về sức mua so với các siêu thị cao cấp xa trung tâm khác. Và sau khi cải tạo, tình trạng này… vẫn thế. Bà Dung nói: “Gửi xe thì vẫn như trước thôi, không có giải pháp khác được. Chúng tôi đang định hướng tương lai sẽ xin phép lập trạm dừng xe bên ngoài vỉa hè phố Hai Bà Trưng. Phải chấp nhận dừng xe, đi gửi chỗ khác rồi lái xe lại đến đón. Đây mới là ý tưởng, có được hay không thì chưa biết”. Tóm lại, người dân vẫn phải gửi xe máy trong cái ngách rất hẹp, chật chội sau lưng Tràng Tiền Plaza, khách đi ôtô thì vẫn gặp khó như trước.

Tuy vậy, chủ đầu tư rất tự tin khẳng định trung tâm thương mại này sẽ có nhiều thay đổi tốt đẹp hơn sau khi cải tạo. “Tại sao phải cải tạo? Vì đặc thù vị trí, diện tích như thế nên phải nâng tầm nó lên. Trước đây Tràng Tiền kinh doanh các mặt hàng chưa thực sự đẳng cấp, có thương hiệu, mà mới ở tầm trung thôi…”, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung cho hay.

Theo bà Dung, trước đây tầng 4 của trung tâm này có siêu thị bán đủ loại mặt hàng gia dụng và thực phẩm thì sắp tới sẽ bỏ, để dành đất cho các thương hiệu đẳng cấp quốc tế và trong nước. Việc cải tạo là vì hạ tầng xuống cấp chứ không phải vì trước đây khách hàng thuê mặt bằng không làm ăn được. Khi triển khai dự án, chủ đầu tư đã làm cuộc khảo sát về sức mua các mặt hàng cao cấp tại những shop đồ hiệu thuê mặt bằng rải rác quanh Tràng Tiền Plaza. “Sau cải tạo sẽ hướng tới số ít đối tượng khách hàng. Trước đây lượng khách vào Tràng Tiền Plaza lên đến 7 – 8 ngàn người nhưng chủ yếu đi chơi, tham quan hoặc vào siêu thị”, bà Dung nói.

Đại diện chủ đầu tư khẳng định: “Tất nhiên vẫn có hàng trong nước (từ tầng 3 đến tầng 5 là hàng trung cấp và trong nước). Cái quan trọng nhất của Tràng Tiền Plaza hiện nay là chất lượng hàng hóa, phải là những thương hiệu hàng đầu, đẳng cấp thế giới. Đến Tràng Tiền Plaza là mua được những mặt hàng đảm bảo chất lượng tốt nhất”.
Theo Việt Nguyễn (Báo Gia đình)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.