Dựa vào lợi thế trời cho, tỉnh Khánh Hòa đã qui hoạch 3 khu vực kinh tế trọng điểm gắn liền 3 vịnh biển, đồng thời mở rộng “cửa” chào đón các nhà đầu tư trong nước, cũng như nước ngoài.
Đảo Trí Nguyên (Nha Trang), nhìn từ trên caoảnh: Nguyên Anh
Ngoảnh trông ra biển, tựa lưng vào núi, Khánh Hòa là dải đất nối liền những vịnh biển đẹp nổi tiếng – phía Bắc có vịnh Vân Phong, vịnh nước sâu kín gió hiếm thấy trên thế giới; tiếp đến là Nha Trang – một trong nhưng vịnh biển đẹp nhất thế giới và là điểm đến hấp dẫn du khách toàn cầu; liền kề Nha Trang là Cam Ranh, nơi duy nhất dọc bờ biển Việt Nam, tàu thuyền có thể cập bờ bất cứ chỗ nào và cũng là vùng vịnh có ưu thế đặc biệt giống như pháo đài lý tưởng trước biển Đông. Dựa vào lợi thế trời cho, tỉnh Khánh Hòa đã qui hoạch 3 khu vực kinh tế trọng điểm gắn liền 3 vịnh biển, đồng thời mở rộng “cửa” chào đón các nhà đầu tư trong nước, cũng như nước ngoài.
Là thủ phủ của Khánh Hòa, trong “con mắt” các nhà lãnh đạo cũng như chuyên gia quản lý kinh tế - xã hội, Nha Trang luôn luôn được đặt ở vị trí “hạt nhân” của hầu hết chương trình phát triển ngắn hạn cũng như dài hạn. Hơn 4 thập niên sau ngày thống nhất đất nước, “thành phố biển xanh” là “địa chỉ đỏ” để đầu tư xây dựng thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp của quốc gia và khu vực.
So với cả nước, Khánh Hòa là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và thu ngân sách cao; đồng thời đã huy động được nhiều nguồn vốn trong nước, nước ngoài với chính sách ưu đãi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá đồng bộ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 5 năm gần đây tăng gấp 2,3 lần so với 5 năm liền kề trước đó; tỷ lệ huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tính trên GDP bình quân đạt 42,69%.
Trước thềm năm 2017, trên tinh thần cầu thị, xuất phát từ tình yêu thiên nhiên, chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với câu hỏi duy nhất: “Việc gì cần làm ngay, cho Nha Trang phát triển bền vững?” Câu trả lời “mỗi người, một ý” song là nỗi trăn trở: Làm thế nào thực hiện qui hoạch đường bờ biển giữ lại những gì còn có thể, để phát huy tối đa giá trị lịch sử và nâng tầm thương hiệu Nha Trang!
Nha Trang phát triển một cách hết sức "tự nhiên" trước vịnh biển đẹp nhất nhì thế giới
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Văn Lộc, chia sẻ: “Bởi vì Nha Trang là biển, biển là Nha Trang; do đó việc qui hoạch và thực hiện qui hoạch phải dựa trên tầm nhìn hướng biển và tôn trọng giá trị thiên nhiên.”
Có một sự thật đắng cay, 5 năm gần đây, không chỉ người Nha Trang mà du khách gần xa đều “lên tiếng” – ngày càng nhiều cao ốc chọc trời xuất hiện, tựa như vành đai chắn biển. Có những “chuyện đã rồi”, “đời trước” vừa làm xong, “đời sau” loay hoay tìm cách…gỡ! Liên quan đến qui hoạch đường bờ biển, TS Lê Đức Vinh, ngay sau khi nhận chức Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã tranh thủ ý kiến của Viện Qui hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia, mời nhóm kiến trúc sư người Pháp đến Nha Trang phân tích tình hình thực tế và lắng nghe tham vấn của chuyên gia nước ngoài, tiếp thu ý tưởng mới. Xuất thân từ ngành xây dựng, hẳn nhiên TS Lê Đức Vinh đã nghiên cứu không gian đô thị Nha Trang do người Pháp qui hoạch hồi đầu thế kỷ trước. Và, từng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (nhiệm kỳ 2011-2015), phụ trách lĩnh vực qui hoạch-kiến trúc-xây dựng, chắc chắn TS Lê Đức Vinh nhìn thấy và hiểu rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến những bất cập tồn tại ngay “mặt tiền” thành phố.
Thừa mà thiếu, yếu kém, lãng phí và rất bất hợp lý, đó là cảm nhận của KTS Gery H.Egon sau nhiều tháng khảo sát thực trạng không gian đô thị dọc bờ biển Nha Trang. Cũng phải thôi, “tư duy nhiệm kỳ” làm sao có đủ thời gian quan tâm qui hoạch đến nơi, đến chốn, trong khi nhà đầu tư nào cũng tìm cách “tranh thủ” cơ hội giành quyền sở hữu “đất vàng” để làm lợi cho một vài người hoặc một số nhóm người.
Thời tiết mát mẻ, khô ráo, thiên nhiên tươi đẹp và nhiều thức ăn tươi ngon, Nha Trang có thể đón khách du lịch quanh năm, vào những ngày cao điểm, bãi biển là “sân chơi” gần như không giới hạn. Năm 2016, du lịch Nha Trang - Khánh Hòa đón trên 4,5 triệu lượt khách lưu trú và gần 18 triệu lượt khách tham quan. Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 15 -18%, trong vòng 5-10 năm tới, số lượng du khách thường xuyên lưu trú và thăm thú thành phố biển sẽ tăng gấp đôi, đó là chưa kể tỷ lệ tăng dân số cơ học và “làn sóng” di cư từ 2 đầu đất nước đến Nha Trang khá mạnh.
Dựa trên những số liệu cơ bản để dự báo, KTS Gery H.Egon nhấn mạnh: “Nhu cầu sử dụng bãi biển ngày càng cao, trong khi bãi cát phía Đông đường Phạm Văn Đồng và đường Trần Phú quá hẹp, không đủ đáp ứng nhu cầu của du khách. Đáng lo hơn là bờ biển Nha Trang thường xuyên bị xâm thực, bãi cát cứ hẹp dần, xuống nước đi bộ chỉ vài mét là đã ngập đầu, rất nguy hiểm . Ngay bây giờ, những người có trách nhiệm phải tính toán một kế hoạch dài hơi; chỉ có thể khắc phục bằng cách mở rộng bãi cát ven biển (nhân tạo) hoặc can thiệp nắn dòng chảy, chủ động tạo bồi lắng ven bờ.”
Ý tưởng mới mẻ của KTS Gery H.Egon là một gợi ý kịp thời và táo bạo. Bởi lẽ, với quan điểm ưu tiên “đất vàng” cho du lịch, thời điểm này, các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương đã quyết định di dời toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính về phía Tây thành phố, nhường bờ biển cho những nhà đầu tư thực sự có năng lực. Và bởi lẽ, người đảm nhiệm trọng trách đứng đầu nhà nước tại địa phương là một tiến sĩ ngành xây dựng công trình, ông Lê Đức Vinh đã thống nhất định hướng qui hoạch bờ biển Nha Trang theo hướng mở rộng bãi cát để có quỹ đất công cộng, dành cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, giải trí, vui chơi, thư giãn của cộng đồng và du khách.
Trước biển, rất phấn chấn song không ai dấu nỗi lo, mở rộng bãi cát bằng phương pháp can thiệp dòng chảy để bồi lắng tự nhiên là dự án dài hơi rất tốn kém và cần người hiền tài. Xin nói thêm, một khi đã quyết tâm nhường bờ biển cho những nhà đầu tư thực sự có năng lực, chắc chắn lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã tính toán đủ nguồn cân đối để làm qui hoạch. Trong tương lai gần, khi thực hiện qui hoạch, cơ quan quản lý ngân sách địa phương sẽ “tính đúng, tính đủ” , trên cơ sở đổi “đất vàng” lấy hạ tầng để phát triển du lịch bền vững.