Chia sẻ tại một buổi tọa đàm trực tuyến mới đây, tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết năm 2016, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 203%.
Sang năm 2017, thị trường trái phiếu doanh nghiệp quay đầu giảm tới 11%, sau đó bật tăng tới 227% vào năm 2018. Mức tăng trưởng của thị trường giảm dần xuống 103% năm 2019, 36% năm 2020 và đạt mức 18,3% tính tới tháng 6/2021.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, tính chung nửa đầu năm, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 208.900 tỉ đồng, tăng 18,3%.
Dẫn đầu phát hành lại là các doanh nghiệp bất động sản, với quy mô hơn 92.000 tỉ đồng (44,2%). Các ngân hàng phát hành hơn 68.000 tỉ đồng (32,7%), còn lại là các doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng, phát triển hạ tầng.
Rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thể hiện qua việc lãi suất trái phiếu bị đẩy lên rất cao. Ảnh minh họa
Ông Cấn Văn Lực đánh giá, trái phiếu là kênh huy động quan trọng cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản. Tỷ trọng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản luôn chiếm ở mức khá cao 38-44% trong tổng số lượng phát hành, theo thống kê trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021.
Dù có bước tăng trưởng đột phá từ năm 2016 đến nay, song theo ông Lực thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam thời gian vừa qua phát triển nhanh nhưng không ổn định.
Loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác hầu hết là không có tài sản đảm bảo. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo trong 6 tháng đầu năm 2021 lên tới 28%, ông Lực cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện kinh tế tài chính, Học viện Tài chính, đánh giá thị trường trái phiếu có chức năng quan trọng nhất là thu hút vốn. Thời gian qua, tăng trưởng về quy mô giá trị cũng như số lượng nhà đầu tư tham gia đều là những điểm tích cực.
Điều này giúp giải quyết được những vấn đề như hệ thống ngân hàng được cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng dài hạn, các tổ chức tín dụng trở nên an toàn hơn. Các doanh nghiệp bất động sản huy động được vốn, phát triển được nguồn cung.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận thị trường phát triển thời gian qua chủ yếu tập trung vào hai lĩnh vực là ngân hàng và bất động sản, các lĩnh vực khác chưa lớn.
Đối với hệ thống ngân hàng, họ huy động vốn để cho vay. Dù là huy động trên thị trường trái phiếu thì nó cũng chỉ là một dạng của tiền gửi tiết kiệm khác. Chưa kể một số trái phiếu ngân hàng này phát hành ra được ngân hàng khác mua vào. Như vậy về thực chất, không có huy động mới với nền kinh tế.
Còn đối với doanh nghiệp bất động sản, hiện dư nợ bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tín dụng. Điều này tạo giới hạn rất lớn khiến các ngân hàng thận trọng khi cho doanh nghiệp bất động sản vay. Vì thế, các doanh nghiệp bất động sản phải tham gia vào thị trường trái phiếu.
Đánh giá về việc nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường này, ông Độ cho biết sẽ có nhiều rủi ro nếu nhà đầu tư chưa thật sự am hiểu.
“Hiện tình hình tài chính của hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản vẫn tốt trong bối cảnh lãi suất vẫn tốt. Nhưng nếu một vài năm nữa khi lãi suất tăng cao thì như thế nào? Rủi ro ra sao với người mua trái phiếu khi hệ thống ngân hàng gặp nợ xấu do Covid-19?” ông Độ đặt câu hỏi
Chuyên gia tài chính, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thể hiện qua việc lãi suất trái phiếu bị đẩy lên rất cao. Trong đó có nhiều trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản.
Nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp không biết là tiền huy động từ các đợt phát hành có được sử dụng đúng mục đích hay không. Phần lớn các nhà đầu tư cá nhân và họ cũng có rất ít khả năng để phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành.
“Chính vì thế rủi ro sẽ rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản”, ông Hiếu nói và cho biết thêm gần đây có một số trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành còn được bảo đảm bằng cổ phiếu của các nhà phát hành.
“Rủi ro nằm ở chỗ lãi suất cao. Điều gì sẽ xảy ra nếu nhà phát hành rơi vào cảnh mất khả năng trả nợ? Nếu giá cổ phiếu trên sàn giảm sâu và nhà phát hành không có khả năng trả nợ cho nhà đầu tư thì chứng khoán đó vô giá trị”, ông Hiếu phân tích.
Ngoài ra, theo ông Hiếu, rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên với những doanh nghiệp chưa niêm yết, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, tình hình tài chính không quá tốt và nhất là không có xếp hạng tín nhiệm nhưng vẫn huy động vốn thành công.
-
Cảnh báo rủi ro khi đầu tư trái phiếu bất động sản được đảm bảo bằng cổ phiếu
Khi ngân hàng tiếp tục siết van tín dụng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đứng trước áp lực về dòng tiền đã đẩy mạnh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
-
Công ty trực thuộc Rox Living tiếp tục gia hạn trái phiếu
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây đã đăng tải văn bản của Công ty Cổ phần Đầu tư và cho Thuê tài sản TNL (Đầu tư và cho Thuê tài sản TNL) công bố thông tin bất thường về Nghị quyết của Người sở hữu trái phiếu về việc kéo dài kỳ hạn trái p...
-
IPA huy động thành công 550 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư IPA ngày 6/12 công bố kết quả chào bán trái phiếu riêng lẻ mã IPAH2429005.
-
Hơn 41.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong tháng cuối năm
Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 29/11, đã có 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 11 được ghi nhận với tổng giá trị đạt 24.388 tỷ đồng....