16/07/2012 1:34 PM
Nhà được cấp giấy phép xây dựng đàng hoàng nhưng người mua nhà không được pháp luật thừa nhận bất kỳ quyền gì đối với căn nhà đó. Đây là những sản phẩm do các “đầu nậu” lách luật tạo ra, đang “mọc” lên nhiều nơi trên địa bàn TP.HCM.

Những “chiếc hộp” núp bóng nhà ở

Đầu năm 2009, UBND TP.HCM ban hành Quyết định (QĐ) 19/2009/QĐ quy định về diện tích tối thiểu sau khi tách thửa. QĐ này đã khiến các “đầu nậu” không còn được phân lô hộ lẻ hoặc xây dựng những căn nhà “ổ chuột” bán vì phải tuân theo một số tiêu chuẩn nhất định về diện tích tối thiểu. Trước tình hình trên, các “đầu nậu” đã lách luật bằng cách xin phép xây dựng một căn nhà trên một thửa đất lớn rồi chia thành nhiều “chiếc hộp” nhỏ thiết kế như một ngôi nhà nhỏ để bán giấy tay.

Nằm dọc mặt tiền đường Quách Điêu (xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh) là một dãy nhà hoành tráng gần 20 căn đang xây dựng dở dang. Nhìn dãy nhà như những căn nhà liền kề với đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, bếp, nhà vệ sinh… nhưng thực chất trên giấy tờ, dãy nhà trên chỉ là một căn nhà ở riêng lẻ. Theo giấy phép xây dựng do UBND H.Bình Chánh cấp cho ông H.V.U. vào ngày 16/12/2011, thửa đất trên có diện tích 990m2 với mật độ xây dựng 39,60%. Ông Vinh (cò đất) tiếp thị: “Khách hàng muốn mua nhà hay nền đất đều có. Diện tích từ 50m2 - 60m2 có giá từ 800 - 900 triệu đồng. Hình thức mua bán là hợp đồng giấy tay”. Ông Tuấn (chủ đất) trấn an: “Tất cả khách hàng mua nhà, đất ở đây còn được gửi kèm một bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một giấy phép xây dựng, không phải lo “hàng cấm”.

Cách đó khoảng 1km, trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh), một dãy nhà khác gồm năm căn liền kề nhau. Ông L. (chủ đất) cho biết, khu đất rộng gần 300m2, trong đó, mỗi căn có diện tích từ 36m2 - 45m2 có giá từ 700 triệu - hơn 800 triệu đồng. Ông L. thừa nhận, do diện tích mỗi căn quá nhỏ nên không thể tách thửa. Vì vậy, ban đầu hai bên mua bán chỉ có hợp đồng viết tay và một số giấy tờ photocopy. Sau khi bán hết toàn bộ năm căn nhà trên, ông sẽ làm thủ tục cho tất cả người mua nhà cùng đứng tên đồng sở hữu.

Tình trạng trên cũng xảy ra ở nhiều nơi khác như: xã Phong Phú (H.Bình Chánh), xã Thới Tam Thôn (H.Hóc Môn), thị trấn Nhà Bè (H.Nhà Bè)… Do những căn nhà này có diện tích nhỏ, giá vừa túi tiền nên được tiêu thụ khá nhanh, nhưng người mua không hề biết những rủi ro phía sau kiểu mua bán này.

Một dãy nhà "hộp" hoành tráng trên đường Quách Điêu (xã vĩnh Lộc A, H. Bình Chánh) - Ảnh: Phan Trí

Coi chừng trắng tay

“Nhà không số, phố không tên” - là những khu dân cư “hộp” núp bóng nhà ở tại hẻm 382 Huỳnh Tấn Phát (H.Nhà Bè). Tại đây, có khoảng trên dưới 30 căn nhà nhưng không nhà nào được cấp số. Một số người vì quá bức bách với nhu cầu có số nhà để giao dịch trong cuộc sống hàng ngày nên đành lấy số lô đất “dán” lên làm số nhà. Không có số nhà đồng nghĩa với việc các hộ dân này không được cấp hộ khẩu mới, những quyền lợi liên quan cũng không được hưởng. Điện, nước phải xài “chui” bằng cách câu nối từ các hộ dân khác với giá cao hơn rất nhiều so với giá quy định. Anh Hùng (một người mua nhà ở đây) than: “Tui mua nhà này đã ba năm rồi mà vẫn chưa có được cái KT3. Nhà tui đang ở đàng hoàng, vậy mà chính quyền địa phương nói nhà này không phải của tui”.

Theo một cán bộ của UBND thị trấn Nhà Bè, căn cứ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng thì khu dân cư trên thực chất chỉ là một ngôi nhà, do một người đứng tên sở hữu. Vì vậy, nếu phải cấp số nhà, chính quyền địa phương chỉ cấp một số cho một hộ chứ không thể cấp hàng chục số.

Nói về việc tách thửa, theo các hộ dân nơi đây, trước khi mua nhà, chủ nhà có hứa sẽ làm thủ tục tách thửa nhưng đó chỉ là những “lời gió bay”. Anh Hùng than: “Tui đã yêu cầu rất nhiều lần nhưng chủ nhà cứ hứa hoài mà không thấy làm. Sau này tìm hiểu, tui mới biết là do diện tích nhà tui chỉ có 40m2 nên không thể tách thửa được (theo quy định là 80m2). Trong khi tất cả các giấy tờ liên quan đến lô đất và căn nhà, chủ nhà vẫn đang giữ, chúng tôi chỉ nắm được… bản photocopy”.

Luật sư Nguyễn Văn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cảnh báo: “Trong trường hợp này, người mua chỉ nắm phần “xác”, phần “hồn” vẫn nằm trong tay chủ đầu tư. Chủ đầu tư hoàn toàn có thể mang các giấy tờ trên đi thế chấp ngân hàng, người mua sẽ lãnh đủ. Ngoài ra, trong trường hợp Nhà nước có thay đổi quy hoạch, khu nhà trên buộc phải giải tỏa để phục vụ một công trình nào đó thì người được xem xét hỗ trợ, đền bù lúc này là chủ đầu tư chứ không phải người dân vì trên giấy tờ nhà, đất vẫn đứng tên chủ đầu tư là chủ sở hữu. Người dân, nếu may mắn thì lấy lại được tiền mua nhà bằng cách kiện chủ đầu tư ra tòa đòi lại tiền”.

Quản không được thì hợp thức hóa?

Được biết, trước tình hình trên, các quận, huyện đã có văn bản kiến nghị Sở Xây dựng (XD) TP hướng dẫn cách giải quyết. Thay vì đưa ra giải pháp ngăn chặn việc làm lách luật của chủ đầu tư thì ngày 22/2/2012, Sở XD TP lại có hướng dẫn số 1029/SXD - CPXD đồng ý cho những trường hợp có diện tích đất lớn hơn hạn mức (500m2) và là đất ở thì được cấp giấy phép xây dựng với điều kiện phải đảm bảo mật độ xây dựng và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng. Cụ thể, với diện tích lô đất từ 1.000m2 trở lên thì có thể xem xét cấp giấy phép xây dựng với mật độ xây dựng tối đa không quá 40%; kích thước mỗi lô đất từ 36m2 trở lên. Trường hợp lô đất tiếp giáp đường có lộ giới từ 20m trở lên thì diện tích tối thiểu mỗi lô đất từ 45m2 trở lên. Với cách hướng dẫn trên thì chẳng khác nào Sở XD TP đã hợp thức hóa cho việc lách luật của các chủ đầu tư. Trong khi đó, trách nhiệm của chủ đầu tư và những rủi ro về phía người mua không hề được Sở XD TP đề cập tại văn bản này.

Bà Phạm Thị Ngọc Xuân - Phó Phòng Quản lý đô thị H.Bình Chánh, cho biết: “Do đất chưa được tách thửa nên việc mua bán giữa người dân và chủ đầu tư vẫn thực hiện bằng giấy tay. Việc tách thửa là do hai bên tự thỏa thuận trong hợp đồng. Riêng việc cấp số nhà, chính quyền địa phương chỉ cấp một số trên một căn nhà lớn mà huyện đã cấp phép. Những căn nhà nhỏ do chủ đầu tư ngăn ra để bán chỉ được cấp số nhà khi nào chủ đầu tư làm xong thủ tục tách thửa”. Như vậy, trong trường hợp chủ đầu tư không giữ lời hứa như đã cam kết trong hợp đồng thì người dân sẽ lãnh đủ.

Ngoài ra, theo lãnh đạo của một huyện ngoại thành, do hiện nay không quy trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc làm hạ tầng: đường sá, trường học, công viên… cho những khu dân cư “chiếc hộp” nên nếu tình trạng này phát triển quá nhiều sẽ gây quá tải hạ tầng, phá nát quy hoạch đô thị.

Theo Phụ nữ TP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.