Cafeland - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu TP.HCM và các địa phương đầu tư các dự án đường Vành đai 3 và 4 theo hướng hình thức đối tác công tư (PPP), nếu không huy động được mới tính đến việc dùng ngân sách.

Ngày 14/5, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã tổ chức cuộc họp với các Bộ ngành và địa phương liên quan về phương hướng đầu tư các dự án đường Vành đai 3 và 4.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc chậm triển khai các dự án giao thông tại khu vực, trong đó có các dự án đường vành đai 3, 4 thời gian qua đã làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của TP.HCM và các địa phương trong vùng.

Với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu cần hết sức chủ động lựa chọn hình thức triển khai cũng như dự án nào sử dụng ngân sách mà không cần sự điều chỉnh quy định pháp luật hiện hành để có thể triển khai sớm.

Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, các địa phương phải chủ động vào cuộc, chủ động bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng, không trông chờ Ngân sách Trung ương.

Về phương thức thực hiện, Phó Thủ tướng thường trực yêu cầu hướng thực hiện chủ yếu theo phương thức đối tác công tư (PPP), nếu không huy động được các phương thức mới tính đến việc dùng ngân sách.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, TP.HCM phải hoàn thành tuyến đường vành đai 2 trong năm 2022, tuyến đường vành đai 3 phải xong trước 2025 và vành đai 4 hoàn thành càng sớm càng tốt, không kéo dài đến 2030.

Trước đó, trong cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ sáng 13/5, Chủ tịch UBND TP.HCM đã nêu những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai các tuyến đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, vành đai 3 và vành đai 4. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM đề nghị Chính phủ hỗ trợ Ngân sách Trung ương để thực hiện các tuyến giao thông huyết mạch này.

Tuyến đường vành đai 3 dài 89 km (đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An), quy mô từ 6-8 làn xe. Đến nay, mới chỉ có 16,3 km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa vào khai thác, chiếm 18,3% chiều dài toàn tuyến. Tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 10.700 tỷ đồng.

Đường vành đai 4 có chiều dài gần 198 km (đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu), quy mô từ 6-8 làn xe. Hiện giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe mới đư vào khai thác 11 km, đoạn qua Khu CN VSIP IIA và Khu CN Mỹ Phước 3. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng.

Việt Phi
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.