Với tổng vốn đăng ký 3,5 tỷ USD, Dự án Khu đô thị đại học Quốc tế (VIUT) tại huyện Hóc Môn, TP.HCM, do Công ty Berjaya Land Berhad thuộc Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư, là dự án có mô hình trường đại học kết hợp khu nhà ở sinh thái đầu tiên tại Việt Nam và mang tầm cỡ quốc tế. Dự án thành phần của Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM này được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 4 năm trước (tháng 7/2008), dự kiến được khởi công vào đầu năm 2009, nhưng đến nay mới dừng lại ở khâu chuẩn bị. Đại diện chủ đầu tư cho biết, nhà đầu tư mới giải ngân được hơn 93 tỷ đồng.
Nguyên nhân của sự chậm trễ trên được lý giải là do ảnh hưởng của thị trường bất động sản trầm lắng, nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính và sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, việc kêu gọi hợp tác đầu tư gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng kính tế.
Trước tình trạng “rùa bò” của Dự án VIUT, Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc và các cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần kiến nghị UBND TP.HCM xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Dự án. Lý do đề nghị thu hồi là chủ đầu tư có năng lực tài chính hạn chế, nhưng lại đầu tư dàn trải tại nhiều tỉnh, thành phố, nên không tập trung được nguồn lực. Tuy nhiên, đến nay, đề nghị trên chưa nhận được phản hồi của UBND Thành phố.
Đề cập dự án “khủng” này, ông Phương Anh Phát, Giám đốc Phát triển dự án Công ty TNHH Berjaya Việt Nam (thuộc Công ty Berjaya Land Berhad) cho biết, kinh tế khủng hoảng, thị trường trầm lắng đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án. Hiện tại, Berjaya đang ráo riết hoàn tất công việc giải phóng mặt bằng để kêu gọi thêm các nhà đầu tư khác cùng chung tay phát triển Dự án.
Theo ông Nguyễn Khắc Phong, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn, đơn vị lập Dự án Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM, việc phát triển các dự án thuộc Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM là cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế tại hai huyện Hóc Môn và Củ Chi (hai huyện nghèo của Thành phố) và vùng phụ cận. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều dự án tại đây chưa biết đến bao giờ mới được thực hiện, nhiều vùng đất thuộc dự án dù chưa được đền bù, nhưng bị hoang hóa hoặc sản xuất cầm chừng từ nhiều năm nay, do người dân không dám đầu tư sản xuất trên đất quy hoạch.
Chậm vì mâu thuẫn giữa các bên
Khủng hoảng kinh tế cũng làm nảy sinh những mẫu thuẫn giữa các bên tham gia, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Cụ thể, Dự án Eta Star của Công ty Phát triển bất động sản Eta Star - liên doanh giữa Công ty TNHH Phúc Lưu Quang và Công ty Eta Star International (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, với vốn đầu tư 112 triệu USD. Dự án được xây dựng tại đường liên tỉnh 25B, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM, với mục tiêu là đầu tư xây dựng, quản lý một liên hợp thương mại và nhà ở để kinh doanh cho thuê và bán theo quy định của pháp luật, cũng như cung cấp các dịch vụ liên quan.
Eta Star cũng nằm trong danh sách các dự án được cơ quan quản lý nhà nước đề nghị chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, do sau một thời gian dài triển khai, Dự án mới ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đến nay, hầu hết mọi hoạt động tại Dự án đã dừng lại, do nhà đầu tư bị khủng hoảng tài chính và phát sinh mâu thuẫn giữa các bên. Phía nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm đối tác mới để đàm phán chuyển nhượng lại phần vốn góp. Đối tác mới có thể là Quỹ Đầu tư Prudential.
Với vốn đầu tư 130 triệu USD, Dự án Khu đô thị Saigon Sport City cũng ở trong tình trạng chậm tiến độ do mâu thuẫn giữa các bên tham gia dự án. Ông Linson Lim, Giám đốc điều hành phụ trách thị trường Việt Nam, Thái Lan, Philippines của Công ty Keppel Land International cho biết, nhà đầu tư này đã cam kết đầu tư 2 tỷ USD vào các dự án tại Việt Nam, trong đó có 3 dự án khu đô thị mới đặt tại Đồng Nai và TP.HCM. Tuy nhiên, chỉ có Dự án Khu đô thị Saigon Sport City tại được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2009. Đây là dự án đầu tư phát triển khu đất 79,7 ha tại Rạch Chiếc, phường An Phú, quận 2, TP.HCM, để xây dựng và khai thác kinh doanh một trung tâm huấn luyện và giải trí thể dục thể thao và một trung tâm dịch vụ hỗ trợ cho Khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc.
Sự thiếu thống nhất quan điểm trong công tác bồi thường giữa nhà đầu tư và địa phương được xem là lý do chính khiến Dự án Khu đô thị Saigon Sport City đứng trước nguy cơ... bị đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Tuy đã được TP.HCM hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (đường trục chính), nhưng Dự án cũng được liệt vào danh sách “dự án rùa bò”. Đại diện chủ đầu tư cho rằng, việc thực hiện đúng tiến độ dự án cần phải đi đôi với tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng do UBND Thành phố đầu tư. Đơn vị phối hợp thì cho rằng, mức bồi thường tại dự án này quá thấp so với các dự án giáp ranh.
Theo bà Trần Thị Nguyệt Hồng, Chánh văn phòng UBND quận 2, TP.HCM, Dự án Khu đô thị Saigon Sport City hiện đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng được 65% diện tích khu đất, đã được duyệt quy hoạch 1/2.000, đang lập quy hoạch chi tiết 1/500. Phần đường trục chính do UBND Thành phố thực hiện đã bồi thường được trên 90%.
Cho tới thời điểm này, UBND quận 2 - đơn vị thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án và chủ đầu tư chưa thống nhất được mức hỗ trợ bồi thường cho phù hợp. Mức bồi thường được đưa ra là 500.000 đồng/m2, trong khi các dự án giáp ranh là 1 triệu đồng/m2. Vì vậy, UBND quận 2 đã đề nghị chủ đầu tư tăng mức hỗ trợ lên cho phù hợp với tình hình chung, nhưng chưa được chủ đầu tư chấp thuận.