Trong nhiều năm qua, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập nước, một số điểm ngập trên địa bàn thành phố đã được kéo giảm. Tuy nhiên, mưa vượt tần suất và hệ thống cống thoát nước không đáp ứng, dự án chống ngập lớn triển khai chậm, thiếu vốn… là những nguyên nhân khiến tình trạng ngập nước của thành phố ngày càng gay gắt, trầm trọng, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân.
Ngập nước tại đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) trong cơn mưa chiều tối 19/5. Ảnh: An Huy.
Loay hoay chống ngập
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết, thời gian qua, thành phố đã tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm và một phần của 5 lưu vực ngoại vi trong phạm vi 550km² với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường thành phố.
Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập (đạt 59,46%) so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Hiện nay, TP.HCM đang tập trung các dự án giải quyết 15 điểm ngập còn lại. Dự kiến đến năm 2020, các dự án này sẽ hoàn thành đúng theo kế hoạch.
Theo UBND TP.HCM, giai đoạn 2016-2020 thành phố cần một khoản vốn rất lớn khoảng gần 97.300 tỷ đồng cho các chương trình giảm ngập nước, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong đó, các dự án đã có nguồn vốn và đang triển khai chiếm khoảng gần 23.000 tỷ đồng, còn lại khoảng 74.350 tỷ đồng được huy động từ vốn ngân sách thành phố, ngân sách trung ương và nguồn xã hội hóa.
Tình trạng ngập nước đã được kéo giảm, những khu vực trước đây được xem là rốn ngập như bùng binh Cây Gõ, bến xe Chợ Lớn… không còn ngập nữa. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phát sinh những điểm ngập mới, thậm chí có công trình triển khai nhưng tình hình ngập vẫn chưa giảm.
Hiện TP.HCM còn hàng chục điểm ngập nặng điển hình như điểm ngập tại đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Cây Trâm, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), An Dương Vương, Hồ Học Lãm (quận Bình Tân)… Khi thành phố đang bước vào mùa mưa với số trận mưa lớn nhiều hơn thì người dân thành phố lại tiếp tục nơm nớp âu lo về tình trạng ngập úng và trông chờ các dự án chống ngập sớm được triển khai nhanh hơn và sớm phát huy tác dụng.
Trong khi đó, quy hoạch thoát nước chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, theo quy hoạch chỉ đáp ứng thoát nước cho trận mưa 3 giờ với vũ lượng 95mm cùng với triều cường 1,32 m. Thời gian qua xuất hiện nhiều trận mưa kéo dài với vũ lượng lớn, triều cường đã lên mức 1,71m. Điều này làm hạn chế khả năng thoát nước của hệ thống cống. Sau 17 năm thực hiện chống ngập thành phố với 6 vùng thì đến nay chỉ mới thực hiện tốt ở vùng lõi, 5 vùng còn lại chưa thực hiện được. Toàn thành phố bị lấn chiếm 75 điểm nhưng mới giải quyết 15 điểm, hầm ga bị lấn chiếm 50 điểm, giải quyết được 40 điểm,10.000m cống bị lấn chiếm nhưng mới xử lý được hơn 1.000m.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng nhìn nhận bên cạnh những nguyên nhân khách quan như thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; mật độ dân số và quá trình đô thị hóa của TP.HCM gia tăng nhanh, thì nguyên nhân gây ngập nước kéo dài tại thành phố còn xuất phát từ việc đầu tư cho hệ thống thoát nước đáp ứng nhu cầu đô thị hóa còn hạn chế, nhất là khu vực ngoại thành. Hệ thống cống thoát nước chưa đồng bộ, không đáp ứng đủ nhu cầu thoát nước cho thành phố. Hệ thống sông, kênh, rạch chưa được nạo vét hết nên không đảm bảo việc tiêu thoát nước.
Đặc biệt, tình trạng xả rác, chất thải, lấn chiếm hệ thống thoát nước sông, kênh, rạch… của một bộ phận người dân cũng là những nguyên nhân gây ngập nước nghiêm trọng tại thành phố. Ông Ngô Chí Hùng, công nhân Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TP.HCM phản ánh, hiện nay ở những khu vực xây dựng nhà cao tầng, nhà hàng, quán ăn, các chợ… người dân thường xả chất thải, dầu mỡ, vật dụng… trực tiếp xuống cống gây tắc nghẽn dòng chảy thoát nước.
Mặt khác, theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Nguyễn Văn Tám, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các ngành, địa phương trong công tác duy tu do việc phân công, phân cấp hệ thống thoát nước còn bất cập, lúng túng trong phân định mô hình cũng như quy định trách nhiệm giữa các ngành như thế nào để cùng khai thác hệ thống thoát nước tốt nhất. Trình độ đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác quản lý, điều hành thoát nước còn hạn chế.
Ngập nước đang là nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM. Ảnh chụp ngập nước tại hầm chui cầu Bình Triệu ngày 2/5. Ảnh: T.D.
Ưu tiên đầu tư các công trình chống ngập hiệu quả
Phát biểu tại chương trình trao đổi về chủ đề “Ngập nước tại TP.HCM – nguyên nhân và giải pháp” diễn ra cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân gây ngập cơ bản nhất là công tác xử lý thoát nước của thành phố chưa tốt. Trong khi quy hoạch thoát nước của thành phố đã quá lạc hậu, công tác quản lý điều hành chưa hiệu quả. Theo đó, để giải quyết tình trạng trên, ông Tuyến cho rằng, quy hoạch thoát nước cần phải điều chỉnh lại. Đối với các giải pháp đột phá trong các công trình, TP.HCM đẩy mạnh xã hội hóa mời gọi doanh nghiệp tham gia vào công tác chống ngập, các dự án phải quan tâm vấn đề công nghệ. Ngoài ra, TP.HCM kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về lấn chiếm kênh, rạch, cửa xả, hầm ga.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, mưa lớn sẽ không tránh khỏi ngập nhưng phải làm sao cho việc thoát nước phải nhanh, thời gian ngập phải được rút ngắn, ngập cả 1-2 giờ, thậm chí cả tuần thì không chấp nhận được. Ngoài ra, theo bà Tâm, một số công trình đầu tư rất nhiều tiền nhưng không hiệu quả, thậm chí còn ngập hơn. Vì vậy, UBND TP.HCM cần xem xét lại điều này, cần đầu tư các công trình chống ngập mang tính hiệu quả.
Song song sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay hợp tác của người dân cũng là yếu tố hết sức quan trọng trong công tác chống ngập. Mỗi thay đổi nhỏ trong việc không xả rác bừa bãi cũng sẽ góp phần giảm ngập…
Chủ đề: Khổ vì ngập lụt,
Thu Dịu (Báo Hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.