27/11/2019 8:28 AM
Ngày 26/11, đối thoại với lãnh đạo TPHCM, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM Nguyễn Thị Bạch Mai cho biết: Sự chồng chéo giữa Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai không chỉ hạn chế các quyền hợp pháp, chính đáng mà còn khiến nông dân không thể xây dựng công trình trên đất nông nghiệp dẫn đến không xin được chứng nhận VietGAP…

Dự án Thảo Cầm viên Sài Gòn (Safari) thu hồi đất hơn 15 năm qua nhưng bỏ hoang, trong khi hàng trăm hộ nông dân bị giải tỏa không có đất sản xuất

Nông dân bị làm khó

Ông Phùng Minh Đức, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức) thực hiện mô hình trồng kiểng, bonsai, lan trên 9.000m2. Ông đầu tư máy xay xơ dừa, tái chế vỏ dừa thành phân bón phục vụ sản xuất. Ông Đức đánh giá mô hình xây dựng nhà lưới, nhà kho, sản xuất phân xơ dừa… mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm rác thải ra môi trường. Tuy nhiên, phần đất ông Đức đang sản xuất nằm trong quy hoạch dự án Tam Bình 3 bị “treo” từ năm 2003 nên các hộ sản xuất không được cấp phép xây dựng nhà lồng, nhà kính, nhà lưới, nhà kho, nhà trông vườn.

Ông Lê Văn Măng, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Long Hòa, huyện Cần Giờ cho biết, đang thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Khu đất của HTX có nguồn gốc sử dụng nhưng vướng dự án “treo” nên không đươc cấp giấy chứng nhận. “Năm 2012, địa phương đã bỏ dự án này nhưng bà con làm gì trên khu đất cũng không được. Vừa rồi HTX cho cải tạo lại ao thì bị chính quyền lập biên bản”, ông Măng bức xúc.

Ông Nguyễn Ngọc Huân, chủ nhiệm một HTX ở huyện Bình Chánh kể, ông lên TPHCM mua 6,5 ha đất nông nghiệp và thành lập HTX. Đến khi làm thủ tục xin cấp phép xây dựng kho chứa vật tư, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật… thì không được. Vì nhu cầu bức thiết nên ông xây liều và sắp tới phải tự tháo dỡ vì chính quyền có quyết định cưỡng chế.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Chủ tịch Hội Nông dân Quận 12 cho biết, trên địa bàn có quy hoạch công viên cây xanh và nhiều khu chức năng khác nhưng có một điểm chung là việc triển khai thực hiện các dự án rất chậm. Thậm chí khu công viên cây xanh chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư. Trong khi đó rất nhiều hộ nông dân có đất sản xuất nhưng vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng, không được cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà, công trình phục vụ sản xuất. Đặc biệt, các hộ nông dân chăn nuôi bò, lợn có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng để khai thác quỹ đất nhưng không được chấp thuận.

Theo Hội Nông dân huyện Nhà Bè, xã Hiệp Phước có 229 hộ đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất khoảng hơn 200ha. Diện tích tự nhiên toàn xã là 3.911 ha được quy hoạch thành Khu Đô thị - Công nghiệp cảng Hiệp Phước “treo” hơn 10 năm qua. Nhiều hộ dân chưa mạnh dạn đầu tư phát triển hay ứng dụng khoa học kỹ thuật do vốn đầu tư lớn trong khi chưa biết lúc nào nhà nước thu hồi đất thực hiện quy hoạch.

Theo bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, sự chồng chéo giữa Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai làm cho người dân chưa thực hiện được đầy đủ các quyền như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không thể xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và không xin được chứng nhận VietGAP do không quy hoạch vùng sản xuất như tại các huyện Cần Giờ, Nhà Bè.

Bị ngân hàng o ép?

Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thuận Yến (huyện Cần Giờ) cho biết, mấy năm trước Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) chi nhánh huyện Cần Giờ cho vay thời hạn 12 tháng, bà con có thể sản xuất 2 vụ tôm nhưng hiện nay thời gian đáo hạn rút xuống còn 6 tháng. Ngoài ra, ngân hàng định giá tài sản thế chấp (đất nông nghiệp) quá thấp. “Đất ở huyện Cần Giờ được định giá 90 nghìn đồng/m2. Thế chấp 1 ha chỉ được vay 630 triệu đồng. Thuận buồm xuôi gió không sao, gặp thiên tai, dịch bệnh mất sổ đỏ như chơi”, bà Nhiệm cho hay.

Bà Nguyễn Thị Nhiệm còn cho biết, lãi suất cho vay của Agribank Cần Giờ cao hơn các ngân hàng khác 3%/năm. Bà kể: “Tôi phải về trung tâm TPHCM vay, được lãi suất 6,5%/năm, còn vay ở Cần Giờ đến 9,5%/năm. Tiền hỗ trợ lãi vay rót về rất chậm. Hồ sơ đáo hạn tháng 9, đến tháng 11 tiền vẫn chưa về ”.

Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TPHCM khẳng định, các hộ dân khi vay vốn chỉ phải trả khoản chênh lệch chứ không phải trả lãi 100% rồi mới được nhận tiền hỗ trợ lãi vay và ngân hàng đã làm như vậy là sai.

“Một số nơi cho vay nuôi tôm chỉ trong thời hạn 6 tháng. Sở đã làm việc với ngân hàng và họ trả lời nuôi tôm chỉ được vay như vậy. Về lãi suất vay, đúng là Argribank chi nhánh Cần Giờ trước đây cho vay lãi suất có cao hơn”, ông Hổ thừa nhận.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, đối với nông nghiệp, nông thôn, từ năm 2015 NHNN có chương trình cho vay lãi suất 6,5%. Mới đây, Thống đốc NHNN Việt Nam đã có quyết định ấn định lãi suất 6%/năm.

“Nếu bà con đi vay và bị áp lãi suất cao hơn thì gọi theo đường dây nóng của NHNN. Về thời hạn cho vay, phải căn cứ vào chu kỳ sản xuất, chu kỳ lưu thông hàng hóa. Ngân hàng thương mại không được áp đặt chủ quan”, ông Minh khẳng định.

Theo Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung, nông nghiệp đang đóng góp khoảng 0,5 – 0,6% GDP của TPHCM. Vướng mắc lớn nhất là quỹ đất dành cho nông nghiệp tuy rất lớn nhưng hiệu quả sử dụng còn rất thấp. Công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chưa nhịp nhàng. Nhiều dự án đã quy hoạch nhưng chưa triển khai, đất dành cho sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang, lãng phí.
Huy Thịnh (TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.