TP.HCM đang triển khai bốn đề án có liên quan gồm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế, phát triển y tế thông minh, y tế cộng đồng và đề án phát triển công nghiệp dược trên địa bàn.

Ngày 11-12, tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Y tế với UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết liên quan đến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, hiện TP đang điều trị cho 29 bệnh nhân (BN), trong đó có 28 BN ở BV dã chiến Củ Chi và một BN tại BV Nhi đồng Thành phố (bé trai 14 tháng tuổi). Hiện tại tất cả BN ổn định, không có triệu chứng.

Kiến nghị thay đổi cơ chế giao dự toán BHYT

Đến nay tất cả ổ dịch phát hiện tại TP.HCM đều được hoàn tất khoanh vùng, xử lý dập dịch và đã kết thúc thời gian theo dõi, không phát hiện trường hợp mắc bệnh.

Trong năm năm qua, ngành y tế TP đã có nhiều nỗ lực xây mới, cải tạo nhiều dự án, nâng chất lượng khám chữa bệnh (KCB), ngày càng thu hút người dân tham gia KCB.

Hiện toàn TP có 45/55 BV công lập tự chủ toàn phần về chi thường xuyên, tiết kiệm trên 1.150 tỉ đồng cho ngân sách TP. Tuy được giao tự chủ chi thường xuyên nhưng giá dịch vụ KCB mới chỉ kết cấu 4/7 yếu tố chi phí. Do đó, nhiều BV, nhất là các BV quận, huyện rất khó khăn trong việc đảm bảo chi phí hoạt động, thu nhập tăng thêm rất thấp, đa số dưới một lần lương.

Ngoài ra, ông Bỉnh cũng lo ngại từ năm 2021, thực hiện thông tuyến KCB tuyến tỉnh, BN các tỉnh sẽ đổ về các BV đa khoa, chuyên khoa đầu ngành của TP vừa gây quá tải vừa gây khó khăn cho BV trong việc quản lý và điều hành dự toán chi KCB BHYT được Chính phủ giao cho TP.HCM.

TP.HCM sẽ là trung tâm y khoa Đông Nam Á - ảnh 1

Nghiên cứu sản xuất vaccine tại một công ty dược ở Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Hoàng Giang

Là BV tuyến cuối chuyên tiếp nhận BN nặng ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đại diện BV Chợ Rẫy, BS Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, cho biết BV gặp nhiều khó khăn khi giá viện phí chưa tính nhiều khoản như khấu hao thuốc, bao bì văn phòng phẩm, kết cấu vào giá các danh mục kỹ thuật không được cập nhật thường xuyên...

BS Việt cho rằng dự toán BHYT có nhiều bất cập, không loại trừ các tuyến dưới sẽ đẩy BN lên tuyến trên, nếu lên đến Chợ Rẫy thì BN không còn đi đâu được nữa khiến BV gặp nhiều khó khăn hơn.

Đổi mới chấm điểm BV để người dân hưởng lợi

Trao đổi về vấn đề dự toán BHYT, ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Y tế, phân tích “lịch sử để lại” của việc này xuất phát từ năm 2017 BHYT bị mất cân đối thu chi hằng năm nên phải dùng đến quỹ dự phòng là tiền BHYT kết dư. Do đó, Chính phủ đã giao dự toán chi cho BHXH Việt Nam, từ đó BHXH đã triển khai giao dự toán chi cho cơ sở KCB.

Ông Khảm nhìn nhận việc giao dự toán này đã gây bất cập vì theo lý, cơ sở y tế là đơn vị cung cấp dịch vụ, không phải đơn vị hạch toán, BHXH phải cung cấp đủ kinh phí cho cơ sở KCB, nếu số thu thấp hơn số chi, BHXH phải thẩm định và chi trả.

Điều này vô tình đã làm cho hàng trăm ngàn tỉ đồng chưa được thanh toán cho cơ sở y tế, không loại trừ các cơ sở ở tỉnh chuyển BN do hết quỹ ở dưới hoặc hạn chế việc cung cấp dịch vụ hoặc triển khai dịch vụ mới. “Đây là giải pháp tình thế nhưng gây ra nhiều bức xúc, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sửa đổi” - ông Khảm nêu.

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá TP.HCM là một trong những địa phương đầu tàu phát triển y tế mạnh mẽ, bằng chứng là có rất nhiều BV tại TP là tuyến cuối của Bộ Y tế. Gần đây, trường hợp mổ tách ca song sinh (Trúc Nhi - Diệu Nhi) ở BV Nhi đồng Thành phố là thành tựu của ngành y tế TP.HCM nhưng cũng là của cả nước. Người đứng đầu Bộ Y tế đánh giá cao TP trong việc xử lý dịch bệnh COVID-19 vừa qua, đặc biệt trong việc xử lý phòng tránh lây nhiễm hiệu quả.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong mong muốn Bộ Y tế quan tâm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế giá viện phí, dự toán BHYT tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tập trung hoạt động nâng chất lượng KCB.

Ông Phong cho biết trong văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020-2025) có nêu rõ sẽ xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm y khoa khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện mục tiêu này, hiện TP đang triển khai bốn đề án có liên quan (đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế, phát triển y tế thông minh, y tế cộng đồng và đề án phát triển công nghiệp dược trên địa bàn TP).

Người đứng đầu TP cho biết TP đang tính toán quỹ đất, cơ sở hạ tầng đầu tư phát triển một khu công nghiệp dược với mục tiêu không chỉ đóng góp GDP cho cả nước mà còn vươn ra hướng xuất khẩu thuốc.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các đơn vị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cám ơn chủ tịch UBND TP.HCM đã đặc biệt quan tâm đến ngành y tế, ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực, cơ chế để thực hiện tốt công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân. Không những thế, bộ trưởng Bộ Y tế còn đặt hàng cao hơn cho ngành y tế TP sớm trở thành trung tâm y tế chuyên sâu hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.

Về cơ bản, bộ trưởng đồng ý với những kiến nghị của TP. Bộ trưởng cho rằng về giá dịch vụ y tế, TP có thể linh động xin ý kiến của HĐND TP. Bộ trưởng đề nghị cơ quan BHXH tập trung ưu tiên giải quyết số tiền vượt dự toán BHYT hay nói đúng hơn là nợ đọng BHYT cho các đơn vị trong năm nay.

Sắp tới, Bộ Y tế làm việc lại với Bộ Tài chính để tính toán lại cơ chế, thay đổi thanh toán dịch vụ sang thanh toán ca bệnh, giao dự toán phù hợp hơn, tạo sức phát triển hơn. Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn TP.HCM có một khu phức hợp y tế tập trung các trường ĐH, BV lớn của trung ương, địa phương, có thể đặt tại TP Thủ Đức.

Bộ trưởng cho biết sắp tới Bộ Y tế ban hành đổi mới cách chấm điểm các BV để tiếp tục nâng cao chất lượng KCB, điều trị nội trú để người dân được hưởng lợi nhiều hơn. “Sắp tới, bộ sẽ khắt khe, làm căng chất lượng dịch vụ y tế để người dân được hưởng lợi nhiều hơn, tránh việc chạy theo cơ chế tài chính mà ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân” - bộ trưởng nói.•

Hơn 28.000 tỉ đầu tư xây mới, cải tạo cơ sở y tế

Trong năm năm qua, ngành y tế TP có 94 dự án xây mới, cải tạo, mua sắm trang thiết bị, trong đó 52 dự án đã hoàn thành, 42 dự án đang thi công (với tổng số tiền 28.765 tỉ đồng).

Nhiều BV và các trung tâm y tế với cơ sở hạ tầng mới, khang trang đã đi vào hoạt động, các dự án xây dựng các BV Hùng Vương, Từ Dũ, Nhân dân 115, Ung bướu, Nhi đồng 2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC).

Nhiều công trình BV mới được khởi công như BV Truyền máu Huyết học, Trung tâm Xét nghiệm y khoa (thuộc ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), trong đó nổi bật nhất là BV Nhi đồng Thành phố theo tiêu chuẩn quốc tế và BV Ung bướu Cơ sở 2 tại quận 9 đi vào hoạt động trong năm 2020.

Báo cáo Sở Y tế TP.HCM

Hoàng Lan (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.