Sở GTVT đã đưa ra danh mục các dự án xây dựng phải đánh giá tác động giao thông và phạm vi triển khai bao gồm tất cả quận, huyện trên địa bàn TP.

Sở GTVT vừa kiến nghị UBND TP.HCM cho triển khai thí điểm đánh giá tác động giao thông (TĐGT) đối với các công trình xây dựng trên địa bàn TP, thời gian thí điểm là hai năm. Theo đó, sở đã đưa ra danh mục các dự án xây dựng phải đánh giá và các dự án được đầu tư buộc phải đánh giá.

Chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể

Theo Sở GTVT, hiện nay các công trình xây dựng tập trung đông người trên địa bàn TP phát triển nhanh làm cho mật độ dân số tăng cao, do vậy hệ thống hạ tầng giao thông không thể đáp ứng. Nguyên nhân là do các dự án này chưa được đầu tư đúng quy hoạch dẫn đến giao thông khu vực xung quanh quá tải, đặc biệt tại các trục đường chính và cửa ngõ ra vào TP.

Để giải quyết vấn đề này, tại các văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng công trình hoặc quyết định phê duyệt quy hoạch, UBND TP và các sở, ngành đề nghị chủ đầu tư liên hệ với Sở GTVT để thực hiện đánh giá nhằm kiểm tra, đưa ra biện pháp giảm thiểu TĐGT. Việc này nhằm để khi công trình đưa vào khai thác không gây quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông xung quanh.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá TĐGT. Do đó, để triển khai thực hiện, Sở GTVT cho rằng cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn đánh giá TĐGT để nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước làm cơ sở triển khai thực hiện.

Trước đó, năm 2016, UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X về chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông. Cụ thể, đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình quy mô lớn, tập trung đông người, trước khi phê duyệt quy hoạch yêu cầu phải tổ chức đánh giá TĐGT hiện hữu của khu vực hoặc thỏa thuận đấu nối giao thông để không phát sinh ùn tắc giao thông.

Đồng thời, Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT ban hành quy định bắt buộc chủ đầu tư khi lập dự án đầu tư công trình xây dựng lớn phải thiết kế phương án kết nối giao thông vào đường quốc lộ, đường chính trong đô thị. Từ đó, tính toán nhu cầu giao thông phát sinh của công trình, đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông.

Trong thời gian Bộ GTVT chưa ban hành quy định trên, Sở GTVT đã xây dựng hướng dẫn đánh giá TĐGT và có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến.

TP.HCM sẽ đánh giá tác động giao thông với công trình xây dựng - ảnh 1

Nhiều dự án chưa được đầu tư đúng quy hoạch dẫn đến giao thông khu vực xung quanh thường xuyên quá tải. Ảnh: Đào Trang

Bốn đối tượng phải đánh giá

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT), cho biết đối tượng thực hiện đánh giá được chia thành bốn nhóm.

Bốn nhóm này bao gồm: Nhóm công trình đầu tư xây dựng tại khu vực chưa có quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 được duyệt; dự án đầu tư xây dựng công trình kết nối giao thông trực tiếp với hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh theo quy hoạch; dự án đầu tư xây dựng công trình đã được chấp thuận báo cáo đánh giá nhưng sau thời gian năm năm không thực hiện dự án sẽ được yêu cầu đánh giá lại; dự án đầu tư xây dựng công trình cần điều chỉnh quy hoạch do thay đổi phạm vi, công suất tăng hơn 20% tổng diện tích nhu cầu sử dụng đất, công suất của quy hoạch.

Phạm vi đánh giá tác động giao thông

Khu vực nội thành bao gồm các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Bình, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú sẽ là 5 km. Quận ngoại thành sẽ đánh giá trong vòng 3 km.

Trong đó, các dự án được đầu tư buộc phải đánh giá gồm: Dự án khu công nghiệp, cảng, logistics, dự án khu đô thị, dự án chung cư hoặc khu nhà ở thấp tầng (diện tích sàn tối thiểu 50.000 m2 hoặc tối thiểu 500 đơn vị nhà ở); dự án trường học, dự án trung tâm thương mại, siêu thị (diện tích sàn tối thiểu 10.000 m2); dự án văn phòng làm việc (tối thiểu 15.000 m2), dự án nhà nghỉ khách sạn, nhà hàng tiệc cưới, bệnh viện, phức hợp…

Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng công trình có quy mô dưới ngưỡng có lối tiếp cận giao thông trực tiếp với các tuyến đường giao thông chưa đầu tư, thường xuyên ùn tắc giao thông cũng sẽ làm đánh giá.

Theo ông Đường, Sở GTVT sẽ sử dụng phần mềm mô phỏng đánh giá để dự báo giao thông trong tương lai từ các công trình xây dựng mới, từ đó đưa ra các kịch bản giao thông cho phù hợp. Chi phí thực hiện báo cáo đánh giá tác động do chủ đầu tư các dự án chi trả và đơn vị này sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Sở GTVT kiến nghị UBND TP cho phép triển khai thí điểm thực hiện đánh giá TĐGT đối với các công trình kết nối vào hệ thống giao thông đường bộ trong thời gian chờ Bộ GTVT có ý kiến.

Sở GTVT cũng kiến nghị UBND giao cho sở ban hành hướng dẫn thí điểm đánh giá TĐGT các công trình xây dựng kết nối vào hạ tầng giao thông đường bộ; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhà đầu tư thực hiện việc đánh giá tác động, tránh quá tải cho hệ thống giao thông xung quanh dự án…

Đánh giá tác động giao thông là vô cùng quan trọng

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, việc đánh giá TĐGT ở các nước trên thế giới được áp dụng từ lâu. Việt Nam mới bắt đầu triển khai là rất muộn, song dù muộn cũng phải làm vì nó có vai trò vô cùng quan trọng.

Đánh giá TĐGT trước khi xây dựng là để đánh giá xem giao thông ở khu vực đó đạt ở ngưỡng nào, khu vực đó có kẹt xe hay không và chính quyền có các giải pháp khoa học khi cấp phép xây dựng cho dự án. Ông Sơn cho rằng về nguyên tắc hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, nếu chính quyền không có ngân sách thì có thể cùng nhà đầu tư chia sẻ nguồn kinh phí này. Tuy nhiên, cũng không nên giao cho nhà đầu tư tự đánh giá, cần giao cho một đơn vị có chứng chỉ hành nghề và phải thông qua các nghiên cứu khoa học để đưa ra đánh giá.

Đồng thời, đơn vị này cũng phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và chủ đầu tư về đánh giá này. Song song, Nhà nước cũng cần đánh giá lại hồ sơ, trường hợp đánh giá không phù hợp cần đưa ra giải pháp xử lý.

Đào Trang (PLO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.