Trong phiên thảo luận tổ ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 9, HĐND TP.HCM khoá IX diễn ra ngày 10/7, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025 sẽ hướng tới việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố.
Chương trình phát triển nhà ở của TP.HCM sẽ hướng tới các mục tiêu an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và chỉnh trang
đô thị. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo đó, chương trình phát triển nhà ở phải gắn với phát triển kinh tế và chỉnh trang phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, các đối tượng nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định.

Đặc biệt, chương trình này sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng thuộc chương trình di dời, tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống ven và trên kênh rạch và chương trình di dời cải tạo sửa chữa chung cư cũ xây dựng trước năm 1975.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, hiện TP.HCM đang triển khai 49 dự án nhà ở xã hội theo tiến độ dự kiến, đến 2020 sẽ có khoảng gần 20.000 căn nhà ở xã hội sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng cho nhu cầu chỉnh trang đô thị. Đặc biệt là tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân bị di dời đang sống trên và ven kênh rạch.

“Trên thực tế, đối với các hộ dân đang sống trên và ven kênh rạch khó có thể tự tái định cư bằng mua nhà ở thương mại từ tiền bồi thường, hỗ trợ.

Điển hình như tại Dự án Bắc Kênh Đôi (quận 8) đang có khoảng 1.300 căn nhà phải di dời, trong đó 23% số căn nhà nằm ven kênh, 70% số căn nằm một phần trên kênh, còn lại nằm hoàn toàn trên kênh.

Thống kê thực tế từ dự án bờ Bắc kênh đôi và các dự án khác thì nhu cầu bố trí nhà ở xã hội mỗi dự án chiếm từ 30-50%. Do vậy, chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025 gắn với chương trình nhà ở xã hội chính là đáp ứng nhu cầu chỉnh trang và phát triển đô thị đô thị cho người dân thành phố”, ông Trần Trọng Tuấn cho biết.

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng nêu trên, theo ông Trần Trọng Tuấn, chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025 còn hướng tới việc đáp ứng nhu cầu nhà ở từ việc gia tăng dân số cơ học của các hộ gia đình từ các địa phương khác đến thành phố sinh sống, học tập và làm việc. Cùng với sự phát triển về kinh tế, TP.HCM đang thu hút một lượng lớn dân số gia tăng cơ học vào thành phố để học tập, làm việc, đi liên với đó là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hạ tầng nhà ở phục vụ cho các đối tượng này.

Do đó, chương trình phát triển nhà ở sẽ chú trọng phát triển nhà ở cho thuê, trong đó chú trọng nhà ở xã hội cho thuê. Theo quy định, đối với các dự án nhà ở xã hội, các chủ đầu tư được phép dành 20% để kinh doanh thương mại, 60% bán cho các đối tượng nhà ở xã hội theo quy định, 20% còn lại để dành cho thuê. Tuy nhiên đối với nhà ở xã hội cho thuê thì giá cho thuê phải hợp lý đáp ứng được khả năng và yêu cầu của người lao động thấp.

Cùng với việc phải giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp, việc phát triển nhà ở phải gắn liền với phát triển thị trường bất động sản. Phát triển nhà ở phải đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chuyển từ nhà ở thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại (hiện nay tỷ lệ nhà ở cao tầng đang phát triển cao dần, chiếm 24% trong tổng số diện tích nhà ở phát triển hằng năm), phấn đấu tăng tỷ lệ nhà ở chung cư đạt 90% trong các dự án nhà ở xây dựng mới

Để làm được điều này, chương trình đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có các nhóm giải pháp về khu vực, cơ chế chính sách phát triển nhà ở, giải pháp cho từng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. Điển hình, đối với nhóm giải pháp về khu vực, tại khu vực trung tâm hiện hữu quận 1, quận 3 chỉ ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng cho các dự án cải tạo hoặc xây mới thay thế cho các chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng cao tầng đến năm đến năm 2020.

Về giải pháp liên quan đến các nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, cụ thể là đối với đối tượng công nhân, ông Tuấn cho biết, Sở Xây dựng đã phối hợp Liên đoàn Lao động và Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM đánh giá thực trạng công nhân, thực trạng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhu cầu nhà ở công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, quỹ đất và các dự án các nhà đầu tư đăng ký để dự báo và đưa ra các chỉ tiêu về nhà lưu trú công nhân bên cạnh số lượng nhà trọ do người dân tự xây… từ đó có nghiên cứu để xây dựng nhà lưu trú công nhân.

Nguyễn Huế (Báo Hải Quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.