29/01/2015 9:36 PM
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, những năm qua, TPHCM đã có bước đột phá trong công tác quy hoạch đô thị với những công trình giao thông, kiến trúc hiện đại, đồng thời chú trọng xây dựng những “mảng xanh” công viên, cây cảnh, góp phần tạo nên diện mạo Thành phố văn minh, hiện đại.

Dự án cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè góp phần thay đổi đáng kể diện mạo đô thị TPHCM. Ảnh VGP/Đỗ Cường

Nhiều thành tựu đáng ghi nhận

Nhắc đến những công trình quan trọng đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo đô thị TPHCM, đầu tiên phải nói đến công trình cải tạo vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè - một trong những dự án nổi bật mang nhiều ý nghĩa quan trọng về cả chính trị, kinh tế và xã hội của TPHCM. Sau hơn 10 năm thực hiện, việc hoàn thành công trình ghi nhận nỗ lực to lớn của chính quyền và người dân Thành phố trong việc “hồi sinh” dòng kênh “chết”.

Thành công của dự án là kết quả từ sức lao động của những người trực tiếp, gián tiếp thi công trong môi trường độc hại, di dời hàng triệu mét khối bùn và rác thải để cải tạo môi trường nước trong khu vực; nổi bật nhờ sự kết hợp chỉnh trang đô thị với hai tuyến đường mềm mại chạy dọc bên bờ kênh, đồng thời mang nhiều ý nghĩa khi tổ chức di dời được hàng nghìn hộ dân tại những khu nhà ổ chuột vào các khu tái định cư khang trang, sạch sẽ.

Bên cạnh thành tựu nổi bật nêu trên, thời gian qua, việc tập trung nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị tại TPHCM cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ tạo nên diện mạo đô thị TPHCM văn minh, hiện đại ngày nay.

Qua thời gian, hàng loạt các tuyến đường huyết mạch trên địa bàn như: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trường Chinh, Ðiện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh...; những tuyến đường xuyên tâm, hướng tâm như: Ðại lộ Ðông-Tây với đường hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Rừng Sác… và một loạt các cây cầu quan trọng kết nối khu vực nội đô với vùng ven như: Phú Mỹ, Thủ Thiêm, Sài Gòn 2, Bình Triệu 2, Tân Thuận 2, Chữ Y, Chà Và... đã được Thành phố tập trung đầu tư nâng cấp và mở rộng, giải quyết đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông ở cả khu vực nội đô và ngoại ô Thành phố.

Nhằm chỉnh trang đô thị, Thành phố tập trung mở rộng không gian đô thị theo nhiều hướng, từ đó hình thành nhiều khu đô thị mới văn minh, hiện đại như: Nam Sài Gòn (Quận 7), Thủ Thiêm (Quận 2), Tây Bắc (huyện Củ Chi), Hiệp Phước, Phước Kiểng (huyện Nhà Bè), Sinh Việt (huyện Bình Chánh), An Phú Hưng (huyện Hóc Môn)... bước đầu tạo cho Thành phố có dáng dấp một đô thị đa tâm.

Bên cạnh đó, Thành phố tích cực triển khai có hiệu quả các chương trình nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên; mở rộng các khu chế xuất và khu công nghiệp, thu hút có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình đô thị hóa những khu vực xung quanh.

Để phát triển đô thị bền vững

Tuy nhiên, sự phát triển quá “nóng” về xây dựng tại khu vực trung tâm cộng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh ở các quận, huyện vùng ven cũng để lại một số hệ lụy như: Tình trạng ngập lụt đang ngày càng nghiêm trọng, tình trạng ùn tắc giao thông mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn thường xảy ra, vấn đề nước sạch chưa thực sự đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân…

Đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh, định hướng phát triển TPHCM đến năm 2025. Theo đó, Thành phố sẽ phát triển đô thị ra cả 4 hướng, bán kính 30 km, số dân hơn 10 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị 100.000 ha, trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, đầu mối giao lưu của khu vực Ðông Nam Á và quốc tế.

Theo PGS. TS. Nguyễn Trọng Hòa (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), để giải quyết có hiệu quả các vấn đề đô thị bức xúc hiện nay, Thành phố cần tuân thủ triệt để quy hoạch tổng thể mà Chính phủ đã phê duyệt, phấn đấu đạt tiêu chuẩn thiết kế đô thị mang tính đặc thù của vùng đô thị sông nước. Về giải pháp, trước hết cần thống nhất cốt nền toàn Thành phố để quy hoạch phát triển hệ thống giao thông chính, lấy đó làm cơ sở để xác lập, hoàn thiện và phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng đô thị trong phạm vi nhỏ hơn.

Tiếp đó, cần đổi mới công tác quản lý quy hoạch sát với tình hình thực tế, triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể, lập bộ máy quản lý có hệ thống, phân cấp rõ ràng giữa Thành phố và quận, huyện, giữa Thành phố với vùng đô thị trọng điểm phía nam; tập trung huy động nguồn lực đầu tư cho quy hoạch; đồng thời hạn chế và quản lý tốt đà tăng dân số nhằm bảo đảm cho việc xây dựng xã hội đô thị ổn định.

Đối với vấn đề giải tỏa áp lực cho hệ thống hạ tầng giao thông, cần tập trung xây dựng các khu đô thị vệ tinh để thu hút dân cư đến sống tại các thành phố mới; phát triển đồng bộ hạ tầng, hệ thống giao thông giữa các đô thị và giữa các vùng; hạn chế xe gắn máy, phát triển mạnh phương tiện vận chuyển công cộng; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến tàu điện ngầm Bến Thành-Suối Tiên; Bến Thành-Tham Lương và các tuyến đường sắt trên cao.

Phan Hoàng (Chinhphu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.