Việc nắn đường, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện tại một số công trình giao thông ở TPHCM không chỉ gây đội vốn đầu tư, người dân bức xúc, khiếu nại, thời gian kéo dài mà còn làm dự án không phát huy hiệu quả.

Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (TPHCM) thông xe nhưng chưa thông suốt do việc nắn đường trái quy định gây bức xúc khiếu nại. Ảnh: HT

Hai dự án điển hình là đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài và dự án xây dựng công trình kỹ thuật hạ tầng dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Thủ tướng duyệt một, thành phố “nắn” thành hai

Công trình đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài có tổng chiều dài 13,6 km, qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức với gần 4.000 hộ dân bị giải tỏa nhà đất. Hơn nửa năm kể từ ngày thông xe, tuyến đường vẫn chưa thông. Giao thông từ cửa ngõ phía đông TPHCM vào sân bay Tân Sơn Nhất bị tắc nghẽn. Hiệu quả của công trình hơn 340 triệu USD chưa phát huy, chưa giảm tải cho hai tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ ra vào sân bay.

Sáng 14/4, mặt bằng đoạn từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đến đường Trường Sơn dài hơn 1 km vẫn còn nham nhở. Hai con đường Bạch Đằng và Hồng Hà, gạch, vữa nham nhở. Nhiều căn nhà chưa tháo dỡ, trồi ra, thụt vào lộn xộn. Theo Sở GTVT, quận Tân Bình hiện còn hơn 30 hộ dân trên đường Bạch Đằng và Hồng Hà chưa bàn giao mặt bằng. Quận Gò Vấp hiện còn gần 50 hộ dân khu vực vòng xoay và đường Nguyễn Thái Sơn đang khiếu nại dù địa phương nhiều lần tiếp xúc, đối thoại.

Theo một số hộ dân phường 3 (quận Gò Vấp), khiếu nại của người dân đã được Thanh tra chính phủ kết luận là có cơ sở vì việc triển khai dự án có nhiều sai phạm. Sai phạm nghiêm trọng nhất là phương án tuyến đã được Thủ tướng phê duyệt, UBND TPHCM tự ý điều chỉnh mà không xin ý kiến Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan.

Cụ thể: Đoạn tuyến số 2 từ nút giao Trường Sơn đến công viên Gia Định được Thủ tướng phê duyệt ngày 12/9/1997 là một đường thẳng, lộ giới 60m, qua khu phố 8 (phường 2, quận Tân Bình). Năm 2001, kiến trúc sư trưởng TPHCM nắn lại thành 2 nhánh rẽ rộng 20m. Một nhánh đi vòng đường Bạch Đằng qua tổ 82 và 89 (khu phố 9 phường 2). Nhánh còn lại là đường Hồng Hà (quận Tân Bình). Một số hộ nhà đất nằm trong quy hoạch lộ giới 60m xây nhà trái phép còn được địa phương cấp sổ hồng.

Trả lời khiếu nại của người dân, lãnh đạo Sở Giao thông công chánh (nay là Sở Giao thông vận tải TPHCM) nhiều lần khẳng định hướng tuyến được nắn lại trùng khớp và đúng theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Sai phạm chỉ được làm rõ sau khi Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Chính phủ vào cuộc và có kết luận.

Trước việc đã rồi, Thanh tra Chính phủ đề nghị Thủ tướng cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện phương án hai nhánh rẽ, đề nghị UBND TPHCM có thái độ nghiêm túc, nhận thiếu sót, vận động dân ủng hộ và có chính sách bồi thường, hỗ trợ hợp lý, công bằng. Tuy nhiên, việc phải tính toán lại dự toán con đường, các chi phí liên quan, đàm phán, điều chỉnh một số điều khoản trong hợp đồng… cũng như nhà đất của nhiều hộ dân không thuộc lộ giới quy hoạch 60m bị đưa vào diện giải tỏa đã làm dự án kéo dài, khiếu nại gay gắt.

Hô biến đường thẳng thành cong

Ngày 24/5/1999, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Vũ Hùng Việt ký Quyết định số 2529 điều chỉnh phương án tuyến công trình kỹ thuật hạ tầng dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu Kiệu để bố trí giao thông hoàn chỉnh tại các vị trí giao cắt giữa tuyến đường dọc kênh với các tuyến đường Lê Văn Sỹ, Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng.

Khu vực giao cắt giữa đường ven kênh và đường Hai Bà Trưng (thuộc phường 8, quận 3) có 14 căn nhà bị giải tỏa, trong đó 7 căn bị giải tỏa trắng. Sơ đồ tuyến theo QĐ 2529 đảm bảo các yếu tố mỹ quan, kiến trúc vì thẳng, thông thoáng, bồn trồng cỏ ra hình, ra khối.

Tháng 12/2006, UBND quận 3 kiến nghị điều chỉnh QĐ 2529, biến tuyến đường dự phóng thẳng tắp thành con đường cong, uốn lượn như con rắn. Đề xuất này được Sở Giao thông công chánh đồng thuận với lý do “tạo điều kiện để UBND quận 3 có cơ sở cấp phép xây dựng cho những trường hợp nay không còn ảnh hưởng bởi quy hoạch”. Tháng 7/2007, UBND TPHCM đã có quyết định điều chỉnh phương án tuyến.

Việc điều chỉnh nói trên đã khiến người dân bức xúc, khiếu nại gay gắt và làm nóng nghị trường kỳ họp HĐND TPHCM vì có dấu hiệu hợp thức hóa cho một số căn nhà bị cấp phép sai và thiếu công bằng đối với những hộ dân chấp hành tốt chủ trương chính sách.

Không được tùy tiện “nắn” đường

Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân tại hội nghị công bố “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 diễn ra tại TPHCM ngày 14/4.

Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31/12/2013. Theo chủ tịch Lê Hoàng Quân, các tuyến đường dự phóng đã quy hoạch hướng tuyến, lộ giới thì cơ quan chức năng cần nghiêm túc tuân thủ trong quá trình triển khai, thực hiện quy hoạch, không được “nắn qua, nắn lại” bởi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với TPHCM mà với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

- Theo Thanh tra Chính phủ, việc khiếu nại của công dân tại dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài TPHCM là có cơ sở, tuy nhiên nhiều ý kiến đã không được địa phương xem xét, giải quyết kịp thời, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, áp đặt, thiếu công bằng. Đặc biệt, bảng tổng hợp dự toán xây dựng công trình có khoản chi phí gián tiếp cho công ty nước ngoài 138,42 tỷ đồng, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM và Ban điều phối dự án không giải trình được.

Phạm Lê Thư (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.