Quyết định 26 của UBND TP.HCM quy định một số nội dung về cấp Giấy phép xây dựng được ban hành từ ngày 20/6/2017, tuy nhiên sau 3 tháng thực hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Các quận huyện còn lúng túng vì vẫn còn làm theo cách cũ hoặc không giải quyết cấp phép xây dựng có thời hạn như quy định, nếu có giải quyết thì cũng rất ít. Chính vì vậy sau 3 tháng thực hiện, trên địa bàn TP.HCM chỉ mới cấp được 1.731 giấy phép với tổng diện tích gần 286.000m2, trong đó huyện Hóc Môn là đơn vị cấp nhiều nhất với 901 giấy phép, huyện Củ Chi 141 giấy phép, Q.Thủ Đức 135 giấy phép…
Giải quyết nhu cầu nhà ở trong "quy hoạch treo"
Quyết định số 26/2017/QĐ-UBND ngày 20/6/2017 của UBND TP.HCM đã giải quyết được vướng mắc trong Luật Xây dựng năm 2014 về điều kiện cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn, phải “phù hợp với mục đích dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt”; làm cơ sở để các cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, giải quyết yêu cầu về xây dựng của nhân dân có nhà, đất trong vùng quy hoạch.
Theo quy định, công trình, nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cần bảo đảm hài hòa với kiến trúc, cảnh quan khu vực chung quanh nhưng không được vượt quá ba tầng.
Các trường hợp nhà ở riêng lẻ đang nằm trong phần đất dành cho đường giao thông, nếu cần sửa chữa, cải tạo thì chỉ được cấp phép theo quy mô hiện trạng nhà cũ. Nếu xây dựng lại cũng phải với quy mô không quá ba tầng.
Quyết định 26 của UBND TP.HCM cho phép xây dựng nhà tạm trên đất quy hoạch
Nhà ở đã tồn tại trước thời điểm đồ án quy hoạch 1/2.000 được phê duyệt, công bố thì được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ hoặc xây dựng lại. Trường hợp sau mốc thời điểm trên chỉ được phép nâng nền, nâng mái, thay mái, thay sàn bằng vật liệu nhẹ lắp ghép hợp chuẩn, xây lại vách. Việc sửa chữa, cải tạo không được làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực, an toàn của căn nhà và không được thay đổi công năng.
Quy định cũng không cho phép các công trình, nhà ở riêng lẻ được xây mới nếu nằm trong khu vực quy hoạch thực hiện các dự án đường sắt đô thị, trường hợp ranh hướng tuyến và hành lang an toàn đường sắt được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố và đã xác định mốc giới ngoài thực địa. Nếu sửa chữa, cải tạo thì phải theo hiện trạng căn nhà, không thay đổi quy mô, diện tích, kết cấu.
Các công trình, nhà ở riêng lẻ không nằm trong diện nêu trên được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng nhà cũ hoặc xây dựng lại. Các trường hợp trong khu vực hành lang bảo vệ cầu không được phép xây mới làm tăng quy mô diện tích, kết cấu công trình, chỉ được phép sửa chữa, cải tạo…
Điểm mới lần này đã nới rộng đối tượng được cấp phép xây dựng tạm là cho phép nhà ở hiện hữu trong khu vực có quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 là được cấp phép xây dựng tạm.
Quận, huyện triển khai một cách... lúng túng!
Nhằm giúp các quận huyện thực hiện đồng bộ theo quyết định 26 của UBND TP.HCM cũng như triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 tháng thực hiện quyết định 26 của UBND thành phố.
Tại Hội nghị, các quận huyện đã nêu một số khó khăn vướng mắc khi thực hiện như: cấp phép nhà một phần lộ giới xác định quy mô được phép xây dựng như thế nào; các giấy tờ chứng minh chủ quyền và đủ điều kiện cấp phép; cấp phép nhà ở riêng lẻ, công trình trên đất nông nghiệp trên lộ giới ra sao; xây dựng hàng rào trên đất nông nghiệp để bảo vệ tài sản; cốt công trình được ghi trong giấy phép xây dựng thì xác định cốt nền để xây dựng như thế nào…
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, thời gian qua các quận huyện chưa triển khai đầy đủ quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị được duyệt nhằm đảm bảo điều kiện cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, nên chỉ giải quyết cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.
Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ, công chức thực hiện công tác cấp giấy phép xây dựng vẫn còn theo cách làm cũ. Đồng thời, cơ quan chức năng vẫn chưa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với nhà ở đơn lẻ (không phải dạng nhà liên kế) làm phát sinh tình trạng UBND các quận huyện cấp giấy phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ nhưng có quy mô lớn và sau khi xây dựng xong được sử dụng làm chức năng khác (nhà kho, nhà xưởng, trường học, văn phòng).
Thực tế đã từng xảy ra tại Quận 12, Tân Phú, Gò Vấp khi chức năng sử dụng lại khác với giấy phép xây dựng.
Ông Tống Đức Tiến– Trưởng phòng Cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Việc cấp phép xây dựng phải phù hợp các quy định của pháp luật như Luật Xây dựng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
“Riêng trường hợp cấp phép có thời hạn, quy định của Luật Xây dựng có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn tại Thành phố nên Sở đã xin ý kiến và được Bộ Xây dựng chấp thuận. Do đó Quyết định 26 ban hành chỉ hướng dẫn cho trường hợp này, còn lại thực hiện theo Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn”- ông Tiến cho biết.
Cũng theo ông Tiến, việc căn cứ vào quy hoạch 1/2000 để cấp phép xây dựng, vừa không phù hợp quy định pháp luật vừa không đủ cơ sở để xác định chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cho công trình được cấp phép. Bởi Quy hoạch này chỉ có ý nghĩa là phân định chức năng khu đất là gì, không cung cấp chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của khu vực đó như chiều cao, mật độ xây dựng khu đất ra sao.
Tuy nhiên, các quận huyện cho rằng công tác lập quy hoạch 1/500 còn gặp thêm khó khăn ở chỗ kinh phí thực hiện vì phải thuê đơn vị tư vấn thực hiện. Nếu yêu cầu phải có ngay quy hoạch 1/500 hay quy chế quản lý kiến trúc đô thị để cấp phép thì sẽ rất khó khăn và làm ảnh hưởng đến người dân.
Cao Cường (GĐ&PL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.