2,3 ha đất và hành trình 25 năm xin trả lại đất
Như Dân Việt đã thông tin, khu đất 8,3 ha của Công ty TNHH Thuận Hưng lọt vào tay Công ty cổ phần Bình Điền do 2 văn bản bất thường của “bộ đôi” Nguyễn Hữu Tín – Đào Anh Kiệt đến nay chưa được giải quyết.
Không những thế, Công ty TNHH Thuận Hưng còn “lâm nạn”, khi chấp nhận hoán đổi 2,3 ha đất khu dân cư với chính quyền TP.HCM. Đến nay đã trôi qua 25 năm, chính quyền TPHCM vẫn chưa hoàn trả cho doanh nghiệp.
Cụ thể, từ năm 1994, Công ty TNHH Thuận Hưng (quận 1, TP.HCM) đã tự bỏ tiền giải phóng mặt bằng, bồi thường cho 28 hộ dân để có được 10,6 ha đất (ở phường 7, quận 8), nhằm thực hiện dự án “tổng kho nông sản lương thực”. Dự án này được Chính phủ cấp phép đầu tư.
Tuy nhiên, dự án khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng sau này chồng lấn lên khu đất trên, nên UBND TP.HCM lúc đó đề nghị “hoán đổi” đất khác (cũng ở phường 7, quận 8) cho Công ty Thuận Hưng. Trớ trêu, 10,6 ha đất khác mà UBND TP vừa “hoán đổi” cho Công ty Thuận Hưng xong, lại tiếp tục bị dự án Chợ đầu mối Bình Điền chồng lấn khoảng 2,3 ha.
Khu đất 2,3 ha được UBND TP hoán đổi cho Công ty Thuận Hưng, thuộc xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Ảnh: H.H
UBND TP lại tiếp tục đề nghị “hoán đổi” 2,3 ha đất ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, cho Công ty Thuận Hưng. Đổi lại, UBND TP lấy 2,3 ha đất của Thuận Hưng, giao Chợ đầu mối Bình Điền xây dựng khu xử lý nước thải.
Công ty Thuận Hưng cứ ngỡ sẽ sớm nhận được 2,3 ha đất tại xã An Phú Tây để sớm triển khai thực hiện dự án khu dân cư theo đúng quy hoạch. Thế nhưng, thực tế lại cả một hành trình đầy dích dắc, nhiêu khê.
2,3 ha đất của Công ty Thuận Hưng, UBND TP lấy giao cho Trung tâm thương mại Bình Điền. Ảnh: H.H
Ông Lâm Trúc Nhỏ - Giám đốc Công ty TNHH Thuận Hưng – cho biết: “Năm 1994, doanh nghiệp chúng tôi đã bồi thường xong, có đất sạch và đã đóng 50% lệ phí sử dụng đất (2,1 tỷ đồng). Nhưng vì các dự án lớn của TP như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Trung tâm thương mại Bình Điền, nên chúng tôi chấp nhận “hoán đổi” đất mà không đòi bồi thường đồng nào.
Mặc dù TP đã ra các văn bản chấp nhận “hoán đổi” đất; thế nhưng, riêng việc hoán đổi 2,3 ha đất, sau gần 19 năm, chủ trương “hoán đổi” của TP mới có hiệu lực. Lúc này, Thuận Hưng mới thấy được khu đất trên thực địa, nhưng chúng tôi phải tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư, mà chưa được nhận Quyết định giao đất và Giấy chứng nhận QSDĐ”.
Thêm 4 năm nữa, Thuận Hưng mới được UBND TP chấp thuận cho đầu tư dự án nhà ở, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, công nhận chủ đầu tư… Song, tới lúc này, lại vướng quy định mới: Dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội.
Sau 2 năm (2017-2018), dự án Thuận Hưng mới được các cơ quan chức năng TP và Bộ Xây dựng cho phép không phải dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội (vì dự án này đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương từ năm 2003, trước khi có Nghị định 188 (năm 2013) và Nghị định 100 (năm 2015), về 20% quỹ đất dành cho xây nhà ở xã hội). Nhưng Công ty Thuận Hưng vẫn chưa được UBND TP.HCM ra Quyết định giao đất và cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.
Khu đất hiện giáp trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh, nhưng suốt 25 năm qua, chưa giao trả cho Công ty Thuận Hưng như cam kết. Ảnh: H.H
Chờ đến bao giờ ?
Gần đây nhất, Công ty Thuận Hưng đã gửi công văn khiếu nại đến UBND TP.HCM. Văn phòng UBND TP lại chuyển Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) trả lời doanh nghiệp, nhưng Sở TNMT cũng không giải quyết, mà “đá” vụ việc sang Ban Quản lý khu Nam và Sở Xây dựng.
Ban Quản lý khu Nam thừa nhận “công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án chưa hoàn tất”, “việc bồi thường chậm, thủ tục giao đất chậm, do đó phát sinh thêm các thủ tục, không phải lỗi của Công ty Thuận Hưng”, nhưng Ban Quản lý khu Nam cũng chỉ biết gửi kiến nghị lên UBND TP xem xét.
Thậm chí, đơn khiếu nại của doanh nghiệp gửi UBND TP; UBND TP “đá” sang Sở TNMT; Sở TNMT lại “đá” sang Sở Xây dựng… Sau một vòng, vụ việc được các cơ quan “đá” trở về lại vạch xuất phát là… doanh nghiệp. Trong khi vướng mắc, trở ngại đối với doanh nghiệp vẫn còn nguyên vẹn, chưa hề được giải quyết.
Đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được đất hoán đổi. Hậu quả từ việc chậm trễ hoàn trả lại đất cho doanh nghiệp là dự án khu dân cư của Công ty Thuận Hưng đã gần hết hạn đầu tư vào đầu tháng 12/2019. Trong khi muốn điều chỉnh chấp thuận dự án đầu tư lại, thì hồ sơ dự án đòi hỏi phải có Quyết định giao đất hoặc Giấy chứng nhận QSDĐ… Thế nhưng, Quyết định giao đất và Giấy chứng nhận QSDĐ thì không biết đến bao giờ các cơ quan thẩm quyền mới cấp cho Thuận Hưng?
Ai phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại mà doanh nghiệp đã gánh chịu từ việc chậm trễ hoàn trả đất đối với Công ty Thuận Hưng?