23/08/2019 8:37 PM
Việc xử lý các dự án ma càng ngày càng khó khăn do các đối tượng đầu nậu có nhiều cách thức núp bóng, liên tục thay đổi tên công ty rao bán.

Dự án “ma” hoành hành

Mới đây, UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12 đã ra văn bản cảnh báo người dân cẩn trọng với một dự án ma do công ty Vietland làm chủ đầu tư. Dự án này nằm trên đường Dương Thị Giang, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM.

Theo ông Lưu Minh Đạt, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, khu đất này nằm trong quy hoạch đất tái định cư do quận quản lý. Trên địa bàn phường không có dự án đất nền nào đang triển khai như trên.

Đầu năm 2019, UBND phường Thạnh Xuân, quận 12 cũng đã có văn bản cảnh báo về tình trạng rao bán, sang nhượng đất nền trái phép trên địa bàn. Lợi dụng tâm lý mua đất giá rẻ, nhiều đối tượng đã tiếp thị, phát tờ rơi quảng cáo sai sự thất về 4 khu đất ở phường này.

Dự án “ma” hoành hành tại TP.HCM. Ảnh: PLTP

Hồi tháng 6/2019, UBND quận Bình Tân cũng cảnh báo về 6 doanh nghiệp bán dự án ma bao gồm: Công ty TNHH phát triển nhà ở Nablaland, Công ty Hoàng Kim Land, công ty Đất Vàng Hoàng Gia, Công ty Angel Lina, Công ty Bất Động Sản Anh Kiệt, Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài. Trong đó, Nablaland và Angel Lina là hai đơn vị có nhiều dự án nhất.

Rất khó xử lý triệt để

Liên quan đến tình trạng các đầu nậu phân lô bán nền tràn lan trên địa bàn TP.HCM, tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa IX, các đại biểu đã thể hiện quyết tâm sẽ xử lý mạnh tay đối với các đối tượng cố tình vẽ dự án hòng “bẫy” khách hàng vào tròng. Nêu ra nhiều giải pháp chấn chỉnh, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND, nhấn mạnh, quan điểm là cần xử lý hình sự nhà đầu tư cố tình lừa đảo khách hàng trong giao dịch.

"Phải xử lý nghiêm minh với đầu nậu, cò đất, môi giới đất, không thể để họ tự tung tự tác được. Những trường hợp đầu nậu nếu đầu tư làm ăn gian dối như trên, thì cần thiết cũng phải xử lý hình sự", ông Võ Văn Hoan kiên quyết.

Tuy nhiên trên thực tế việc xử lý triệt để là không đơn giản.

Trao đổi với P.V, đại diện UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12 cho biết, trước tình trạng dự án ma xuất hiện trên địa bàn, thời gian qua lãnh đạo phường đã cố gắng phát đi nhiều văn bản cảnh báo người dân. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn diễn biến phức tạp và khó xử lý do các đầu nậu có nhiều cách thức né tránh chính quyền.

Chẳng hạn như cùng một khu đất nhưng mỗi môi giới sẽ có cách mời chào khác nhau và giới thiệu tên công ty phát triển dự án khác nhau. Ngoài việc khuyến cáo người dân và hướng dẫn họ đến phường để phản ánh trực tiếp thì vị này cho biết không thể làm gì khác.

“Chúng tôi chỉ có thể cảnh báo người dân cần phòng tránh, trong trường hợp bị lừa thì phải đến trực tiếp UBND phường để báo cáo. Ngoài ra, tình trạng các bên bán dự án vẫn hoạt động thì UBND phường không có cách để kiểm soát triệt để. Bởi thực tế các dự án đó không hề tồn tại”, vị này nhận định.

Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, các dự án “ma” thường được hình thành dưới hai hạng:

Thứ nhất là dạng dự án có đất thực tế và được cá nhân đứng tên và chuyển mục đích sang đất ở, sau đó tiến hành bán trước khi nghiệm thu (hay còn gọi là “bán lúa non”). Tuy nhiên, cá nhân này lại mượn danh một công ty môi giới BĐS để vẽ thành dự án.

Thứ hai là dạng đất cá nhân đứng tên nhưng không thể chuyển mục đích sử dụng đất (ví dụ: đất quy hoạch không phải đất ở) nhưng cũng được một bên khác đưa qua công ty môi giới để vẽ thành dự án. Hình thức này cũng được gọi là dự án “ma” (vì dự án không được đăng ký hợp pháp). Người bán chỉ tiến hành chỉnh trang khu đất và xây đường trái phép để dễ dụ người dân. Đây được xem là dấu hiệu lừa dối khách hàng.

Do đó, theo luật sư Phượng, để tránh mắc bẫy các dự án “ma” thì khi đi mua đất người dân cần phân biệt theo hai hình thức trên và hỏi kỹ về thủ tục pháp lý của mảnh đất đó. Ngoài ra, người dân cũng có thể yêu cầu người bán đến trực tiếp các cơ quan công chứng để làm thủ tục nhằm đảm bảo các phương thức giao dịch đều hợp lệ.

“Xuống tiền thì dễ mà đòi lại thì rất khó, thật giả lẫn lộn nên nếu không đủ khả năng phân biệt 2 dạng trên thì người mua hãy chọn giao dịch tại phòng công chứng để pháp luật bảo vệ đối với đất do cá nhân đứng tên trên sổ.

Nếu có sai thì còn bắt công chứng bồi thường với tư cách là bên liên quan. Sau khi công chứng xong thì nên ra sổ liền, chọn cách thanh toán qua ngân hàng, khi đăng bộ xong thì ngân hàng mới giao tiền cho bên mua”, Luật sư Trần Đức Phượng mách nước.

Khánh Hòa (VNN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.