Trước tình hình nhà xây không phép diễn ra ngày càng nhiều ở các quận, huyện ngoại thành, nhiều quận, huyện đề xuất nên áp dụng biện pháp không cấp điện, nước cho nhà xây không phép, thông tin từ hội nghị quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM diễn ra ngày 30-7.

Nhà xây không phép chủ yếu diễn ra ở các huyện ngoại thành của TP.HCM. Ảnh: Lê Anh.

Báo cáo về thực trạng xây dựng, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM thông tin, tính từ năm 2017 đến tháng 6-2019, tổng số công trình xây dựng không phép, không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn TPHCM là 2.573, chiếm 37,6% trên tổng số công trình vi phạm trên địa bàn thành phố.

Hành vi vi phạm phổ biến nhất là xây dựng nhà trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Nguyên nhân do Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 166/2013 quy định các biện pháp cưỡng chế và phạt tiền qua khấu trừ lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá... Tuy nhiên, đa số trường hợp cơ quản quản lý nhà nước không xác định được thu nhập, tài khoản của đối tượng vi phạm nên không thể ban hành quyết định cưỡng chế.

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng năm 2014 không quy định các biện pháp ngưng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng, điều này gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính.

Ngoài ra, Nghị định số 139/2017 không quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ (không phép, sai phép) ở khu vực nông thôn dẫn đến khó khăn trong việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính về xây dựng không phép, sai phép tại khu vực nông thôn (mục đích sử dụng đất theo giấy chứng nhận là đất ở nông thôn).

Đại diện của các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh cho biết, ở các huyện ngoại thành, đa số là người dân nhập cư, lao động nghèo có nhu cầu cao về nhà ở nên đã mua các khu đất không phù hợp quy hoạch, có trường hợp sang nhượng giấy tay. Do đó không chuyển được mục đích sử dụng đất sang đất ở để xin phép xây dựng theo quy định, dẫn đến việc xây dựng không phép của người dân liên tục diễn ra trên địa bàn các huyện ngoại thành.

Bên cạnh biện pháp xử phạt hành chính và cưỡng chế, đại diện các huyện Hóc Môn, Bình Chánh kiến nghị bổ sung biện pháp cắt điện, nước tại các công trình vi phạm xây dựng để ngăn chặn ngay từ khi xây dựng.

Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9 đề xuất cần có giải pháp xử lý nghiêm minh ngay từ đầu đối với các công trình vi phạm xây dựng. "Khi công trình không đủ điều kiện thì không cấp điện nước ngay từ đầu chứ không để đến khi người dân vào ở thì mới cắt", ông đề xuất.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng đồng tình về việc phải xử lý từ đầu. “Tôi cho rằng vấn đề là phải ngăn chặn sớm để người dân không bị xử lý và thành phố không phải giải quyết hậu quả”, ông nói.

Cùng với việc xử lý nhà xây không phép, đại diện các quận huyện kiến nghị chính quyền thành phố xem xét cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở vì dân số ngày càng tăng nhu cầu về nhà ở là rất lớn.

Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ cho biết, mỗi năm huyện Bình Chánh tăng trên 30.000 người dân nhưng hàng loạt dự án nhà ở chưa triển khai. Vì thế, thành phố cần cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở. Đồng thời, cấp phép xây dựng nhà cho người dân có đất nằm trong quy hoạch mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất, chưa có kế hoạch sử dụng đất.

Lê Anh (Saigontimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.