08/09/2018 7:23 AM
Hàng ngàn trường hợp lấn chiếm đất công tại nhiều quận huyện khu vực phía Nam TP.HCM chưa được xử lý dứt điểm. Hệ quả là, nhiều diện tích đất thuộc sở hữu của Nhà nước đã được phù phép, biến thành các dự án nhưng không được sử dụng đúng mục đích.

Nhà hàng Chợ cá Sài Gòn được xây dựng theo giấy phép con của UBND quận 7, dù đây là hành vi sử dụng đất sai mục đích. Ảnh: GT

Quyết tâm… trên giấy

Trong số các quận, huyện để xảy ra tình trạng đất công bị lấn chiếm, đất dự án bị sử dụng sai mục đích thì quận 7 là mộtđịa chỉ nhức nhối.

Lịch sử phát triển nhà đất của quận 7 đã trải qua quá trình quản lý lỏng lẻo, thế nên hàng trăm mảnh đất công như ven sông, ao hồ đã bị phù phép thành đất tư nhân. Thậm chí nhiều diện tích đất là công thổ quốc gia nhưng đã bị không ít cá nhân dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có hồ sơ gốc để chiếm đoạt hoặc chuyển nhượng mua bán.

Trong khi đó, thay vì làm rõ trách nhiệm vì sao có hiện tượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả mạo, hay cá nhân đứng tên quyền sử dụng đất không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp... thì cơ quan quản lý Nhà nước lại tìm cách đổ lỗi cho nhau.

Ngày 13/11/2008, Ban Thường vụ Quận ủy quận 7 đã ban hành nghị quyết về quản lý đất công, đất ven kênh rạch. Sau 1năm thực hiện nghị quyết, đầu tháng 2/2009, một báo cáo (không được công khai) do các cơ quan chức năng quận 7 thực hiện đã cho thấy một thực trạng đáng buồn về hành vi lấn chiếm đất công, sông rạch, ao hồ tại đây. Điều đáng nói là, dù phát hiện, nhìn nhận ra sai phạm của các cá nhân, thế nhưng việc xử lý rốt ráo vấn đề đã không được thực hiện một cách nghiêm túc, vậy nên hậu quả là hàng trăm nghìn m2 đất công ngang nhiên bị chiếm dụng, Nhà nước bị thất thoát hàng tỷ đồng. Và chính điều đó đã dẫn tới nhiều hệ lụy xấu mà đến thời điểm này nhiều cơ quan chuyên môn tại đây vẫn chưa thể giải quyết.

Đơn cử như trường hợp công dân Huỳnh Văn Cò khiếu nại ông Nguyễn Đức Thống, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, đã sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có hồ sơ gốc để chiếm dụng hơn 33.000m2 đất nông nghiệp tại phường Tân Hưng. Hoặc như, đơn khiếu nại ghi nhận ý kiến bức xúc của hàng chục hộ dân về nguồn gốc nhà đất tại Dự án sửa chữa phương tiện xăng dầu do Cty TNHH Bình Thuận làm chủ đầu tư tại địa bàn phường Phú Thuận.

Ngang nhiên xây dựng

Theo tìm hiểu của PV, tại bản đồ quy hoạch khu vực phía Nam TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện rõ việc khống chế lượng phương tiện giao thông, số căn hộ, mật độ dân số nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững hạ tầng đô thị. Nhưng bằng chiêu thức sử dụng giấy phép con theo kiểu lãnh đạo UBND quận 7 có công văn chấp thuận cho chủ các dự án xây dựng công trình phụ phục vụ công trình chính thì hàng loạt các khu đất dọc theo những tuyến đường huyết mạch đã nhanh chóng mọc lên nhiều nhà hàng, quán nhậu. Hành vi này đã làm méo mó bộ mặt đô thị, tạo áp lực giao thông lên hệ thống hạ tầng vốn đã quá tải tại quận 7 khi mà tình trạng tắc đường, kẹt xe, ngập nước vẫn là vấn đề màngười dân đang phải đối mặt hàng ngày.

Ngã tư đường Nguyễn Hữu Thọ và đường Nguyễn Thị Thập, nơi có Siêu thị Lotte quận 7 nằm sừng sững trên phần đất sông rạch được tạo lập từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nghi giấy tờ giả mạo) mang tên ông Nguyễn Đức Thống, cũng là địa điểm có hàng loạt cao ốc với số lượng dân cư, phương tiện vận tải rất lớn. Thế nhưng không hiểu vì lí do gì, không cần biết đến an toàn giao thông hay mỹ quan đô thị, một nhà hàng có tên là Chợ cá Sài Gòn được vô tư mọc lên ngay góc ngã tư này. Về bản chất, khu đất của nhà hàng Chợ cá Sài Gòn là đất chuyên dùng cho dự án nhà ở nên việc xây dựng nhà hàng hải sản là vi phạm pháp luật vì đây là hành vi sử dụng đất sai mục đích. Nếu đứng từ phía sân của Siêu thị Lotte nhìn thẳng sang nhà hàng Chợ cá thì công trình này còn vi phạm lộ giới đường Nguyễn Hữu Thọ.

Thực tế, đây không phải là hiện tượng lạ tại quận 7 khi hàng chục công trình xây dựng với nhiều mục đích khác nhau vẫn được chấp thuận cho mọc lên tại các giao lộ có mật độ giao thông dày đặc. Ngay từ chân cầu Kênh Tẻ chạy thẳng xuống đến Dự án Hoàng Anh Thanh Bình, theo tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ là hàng chục cửa hàng kinh doanh cây kiểng, tiếp đó là nhà hàng hải sản được xây dựng hoành tráng trên phần đất dự án của Cty Điện tử Tiến Đạt.

Ghi nhận ý kiến của các cử tri địa phương thì, các cửa hàng bán cây kiểng trên phần đất lộ giới đường Nguyễn Hữu Thọ tồn tại được là do ông Đào Gia Vượng, hiện là Phó Chủ tịch UBND quận 7, đã cho thí điểm từ thời ông Vượng còn làm Phó Chủ tịch UBND phường Tân Hưng.

Nếu đi thẳng đến giao lộ đường Nguyễn Văn Linh với đường Nguyễn Hữu Thọ, tiếp tục chứng kiến thêm hình ảnh các nhà hàng quán nhậu, bãi xe được xây dựng từ các giấy phép con do lãnh đạo UBND quận 7 chấp thuận. Câu chuyện giấy phép con cho xây dựng tạm, xây dựng đơn giản trên địa bàn quận 7 thời gian qua cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự việc ông Hồ Thái Thành, nguyên Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 7 đã phải khiếu nại đến Ủy Ban kiểm tra Trung ương vì lý do cá nhân bị dồn tội khi hộ bà Đàm Chi đã lợi dụng văn bản chấp thuận cho làm nhà vườn ươm cây để xây dựng hàng chục căn nhà kiên cố tại đất ven rạch thuộc phường Bình Thuận.

Liên quan đến quy hoạch đô thị tại khu Nam, cụ thể là hiện tượng tự ý điều chỉnh quy hoạch do các cơ quan chức năng địa phương thực hiện, phá vỡ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà Thanh tra Chính phủ đã có kết luận từ năm 2011, sau khi kiểm tra, rà soát thì tháng 8/2018, quan điểm của UBND TP.HCM là sẽ tiếp tục xử lý nghiêm sai phạm. Nhưng nhìn dưới góc độ nào thì quy hoạch đô thị đã bị phá vỡ và dư luận một lần nữa buộc phải lo ngại khi lãnh đạo UBND quận 7 vẫn tiếp tục phóng tay ký các giấy phép con để hàng loạt công trình xây dựng tạm được vô tư mọc lên tại các khu đất đã được quy hoạch hoàn chỉnh, trong khi lại quên mất trách nhiệm xử lý các hành vi lấn chiếm đất công.

Giáng Thăng (Thanh tra)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.