Ngang nhiên lấn sông
Tại quận 9, không ai không biết đến khu đất tiếp giáp đường 6, phường Long Bình do bà Nguyễn Thị Nga sử dụng, nhưng vi phạm trật tự xây dựng, lấn sông trong thời gian dài và không được xử lý dứt điểm.
Một số đối tượng ngang nhiên san ủi, xây dựng trên phần đất quy hoạch đường, thuộc dự án hẻm 232, đường HT13, quận 12, TP Hồ Chí Minh.
Theo UBND quận 9, khu đất này vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, san lấp lấn sông, rạch. Bản thân bà Nguyễn Thị Nga không chỉ xây dựng công trình vi phạm mà còn cho một số doanh nghiệp thuê lại làm nhà xưởng và các công trình phụ trên đất nông nghiệp, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt (đất cây xanh cảnh quan dọc sông, rạch, đất công viên cây xanh và đường dự phóng).
UBND phường Long Bình, quận 9 đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với bà Nguyễn Thị Nga với hành vi chuyển mục đích sử dụng 919,1m2 đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp vào mục đích xây dựng, làm đường giao thông, bến bãi; đồng thời lấn, san lấp rạch bằng đất, đá, dải phân cách bê tông và trồng cây trên đất tại phần đất có diện tích 5.127,9 m2 gồm: 2.844,4 m2 lấn sông Đồng Nai và 2.283,5 m2 lấn các rạch nhánh sông Đồng Nai.
Đối với việc xử lý cán bộ có liên quan, UBND quận 9 đã ban hành kết luận ông Nguyễn Công Dẫn, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận 9 thiếu trách nhiệm, không có biện pháp khắc phục, ngăn chặn trong việc cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Nga sử dụng 19.824 m2 đất không đúng mục đích, chiếm dụng phần đất 3.698,6 m2 không có giấy chứng nhận và 2.844,4 m2 rạch, vi phạm quy định của nhà nước về nghĩa vụ chung của người sử dụng đất.
Trên cơ sở đó, UBND quận 9 đã ban hành quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Công Dẫn bằng hình thức khiển trách. Tiếp đến Ủy ban Kiểm tra Quận ủy quận 9 đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Công Dẫn bằng hình thức cảnh cáo; UBND quận 9 cũng quyết định thi hành kỷ luật đối với lãnh đạo, cán bộ địa chính xây dựng UBND phường Long Bình.
Ngoài ra, tại khu đất tiếp giáp đường 6, phường Long Bình do bà Nguyễn Thị Nga đứng tên chủ sử dụng một bến thủy nội địa. Tuy nhiên, sau khi giấy phép hoạt động hết hạn, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh lại không gia hạn. Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử phạt, yêu cầu chấm dứt hoạt động, nhưng không hiểu vì lý do gì bến thủy nội địa này vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí còn cho doanh nghiệp thuê mặt bằng làm bãi trung chuyển cát, đá xây dựng và khai thác bến thủy.
Bà Nguyễn Thị Nga cũng đã chuyển nhượng toàn bộ phần đất có các công trình xây dựng trái phép nêu trên cho cá nhân khác. Hiện nay, bến thủy nội địa nói trên đã tháo dỡ hoàn toàn, các phương tiện cơ giới, các bãi cát, đá đã được xử lý, di dời và khu vực này chỉ còn là đất trống.
Vụ việc nêu trên tại quận 9 khiến dư luận nhớ tới hàng loạt cán bộ UBND quận Thủ Đức bị kỷ luật; trong đó có ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức do có sai phạm về quản lý, buông lỏng xử lý vi phạm nhà xây dựng không phép. Còn tại huyện Bình Chánh, mới đây đã có 14 cá nhân là cán bộ thuộc UBND xã Vĩnh Lộc B bị kiểm điểm, kỷ luật về vi phạm trật tự xây dựng.
Tương tự quận 9 là huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh khi tại khu vực cầu Rạch Tra, ấp 3, xã Đông Thạnh diễn ra tình trạng có nhiều đơn vị, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp làm bãi tập kết vật liệu xây dựng, hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Báo cáo của UBND huyện Hóc Môn cho thấy, tại khu vực nói trên có một số cá nhân, công ty hoạt động bến thủy nội địa, nhưng chưa có giấy phép, sử dụng khu đất nông nghiệp làm bến bãi tập kết, vận chuyển cát, thường xuyên rơi vãi vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường, chưa cung cấp được các tài liệu công bố tiêu chuẩn áp dụng, nguồn gốc xuất xứ cát.
Trước diễn biễn vi phạm phức tạp, kéo dài, UBND huyện Hóc Môn đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn khẩn trương xử lý hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình hoạt động các cơ sở bến thủy nội địa dùng để tập kết kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựn; đồng thời tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đất đai.
Mua bán bằng giấy viết tay
Mua bán đất nền và đất nằm trong quy hoạch bằng giấy viết tay dễ dẫn tới gia tăng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Tình trạng này tập trung chủ yếu ở các địa bàn vùng ven; trong đó phải kể đến huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận 12.
Theo UBND huyện Hóc Môn, trên địa bàn hiện có 17 khu phân lô hộ lẻ và 62 khu phân lô tự phát, không được cơ quan chức năng chấp thuận, sai quy hoạch được duyệt, chưa thực hiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật dẫn tới việc chưa giải quyết hồ sơ nhà đất cho người dân trong khu vực. Huyện Hóc Môn đang rà soát, xử lý các trường hợp này.
Còn tại quận 12, UBND quận 12 vừa phát đi thông báo cảnh báo tình trạng mua bán nhà đất bằng giấy viết tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các Văn phòng Thừa phát lại. Theo lãnh đạo UBND quận 12, trên địa bàn quận đang diễn ra việc mua, bán những căn nhà “ba chung” (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chung số nhà), được thực hiện nhiều lần, chuyển nhượng qua nhiều người, chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa đúng quy định và đầy đủ cơ sở pháp lý.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai đã thu gom đất xây nhà, rao bán bằng Thừa phát lại để trục lợi. Thậm chí nhiều căn nhà chung một giấy chứng nhận cũng được bán bằng hình thức đồng sở hữu, lập vi bằng. Nhiều nạn nhân “dính” vào nhà đất tranh chấp, cầm cố ngân hàng, xây dựng trái phép khiến cuộc sống khó khăn.
Trước thực trạng mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy viết tay thông qua hình thức lập vi bằng, UBND quận 12 cảnh báo người dân không thực hiện mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng loại giấy này để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng để tạo lòng tin, lừa đảo mua bán đất phân lô, nhà không đủ điều kiện pháp lý trong giao dịch.
Bên cạnh đó, UBND quận 12 cũng đã công khai thông tin về tình trạng phân lô bán nền trái phép tại 10 khu vực trên địa bàn phường Thạnh Xuân, quận 12 vừa được cơ quan chức năng phát hiện.
Cụ thể là khu đất bị phân lô trái phép tại thửa đất số 408, tờ bản đồ số 62; khu vực gần cầu Chùa Bà thuộc tổ 48, khu phố 4; khu vực đường vào Cầu Ba Phụ thuộc tổ 33, khu phố 2; khu đất Rỗng Tràm thuộc tổ 33, khu phố 2; khu vực rạch nhánh của sông Đá Hàn thuộc tổ 28, khu phố 7; khu đất thuộc tổ 17, đường TX 22, khu phố 5; khu đất gần cầu Chín Mận thuộc tổ 33, khu phố 2; khu vực đường Võ Cây Dương thuộc tổ 16, khu phố 6; khu đất đường vào cầu Ba Phụ tổ 31 (gần Miếu Võ Rồng), khu phố 2 và khu đất thuộc tổ 32 (gần cầu 9 Mật), khu phố 2.
Cũng tại quận 12, câu chuyện “xưa nay hiếm” đã diễn ra trong quá trình phân lô tách thửa tại địa bàn phường Thạnh Xuân. Cụ thể, khu đất nông nghiệp rộng 4.675,1m2 đã được ông Bùi Mạnh Hải (thường trú tại phường An Phú Đông, quận 12) tách thành 4 thửa và chuyển mục đích sử dụng 4.015,7m2 sang đất ở đô thị. Các thửa đất được tách bao gồm thửa số 518, tờ bản đồ số 45 (diện tích 1.065,1m2), thửa 519 (diện tích 1.082,2m2), thửa 520 (diện tích 1.086,6m2), thửa 521 (diện tích 1.441,2m2) đều có mặt tiền đường Tô Ngọc Vân.
Theo Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 22/12/2012 của UBND Tp. Hồ Chí Minh, giá đất căn cứ để đóng tiền sử dụng đất mặt tiền đường Tô Ngọc Vân có giá từ 1,6 – 1,8 triệu đồng/m2. Thế nhưng, ông Bùi Mạnh Hải đã “bùa phép”, kê khai và cập nhật các thửa đất nói trên có mặt tiền là hẻm nhựa. Kết quả là ông Bùi Mạnh Hải chỉ đóng tiền sử dụng đất 4 thửa đất nói trên với giá 2,108 tỷ đồng thay vì phải đóng từ 9,63 tỷ đồng – 10,8 tỷ đồng, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến sự việc này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 12 đã ra Quyết định khởi tố vụ án sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức” và “Trốn thuế”.