23/12/2016 10:52 AM
Mục tiêu giãn dân khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh sẽ phá sản nếu việc cấp phép xây dựng cho các dự án nhà ở, công trình cao tầng diễn ra tràn lan. Hiện thành phố đang siết chặt công tác cấp phép cho các dự án này nhằm bảo đảm phát triển đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và xã hội, giảm áp lực giao thông.
Khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh đang quá tải vì quá nhiều nhà cao tầng.
Nhằm giảm áp lực dân số và hạ tầng đô thị khu vực trung tâm, nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch xây dựng các khu đô thị mới ở các vùng ven như Khu đô thị Tây Bắc TP Hồ Chí Minh (huyện Củ Chi), Khu đô thị Cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè)... Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án rất chậm, trong khi các dự án đô thị khu trung tâm lại mọc lên như nấm, nhất là các dự án nhà ở cao tầng, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại khiến hệ thống hạ tầng trở nên quá tải.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc cấp phép xây dựng nhiều công trình cao tầng gần nhau khiến tình trạng kẹt xe càng thêm trầm trọng. Chỉ riêng ba tuyến đường gồm: Nguyễn Huệ, Hàm Nghi và Lê Lợi (quận 1) hiện đã có hàng chục công trình cao tầng, trung tâm thương mại mọc lên.
Đơn cử, tại giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi (quận 1) có tới hai trung tâm thương mại là Saigon Center và Saigon Square khiến giao thông luôn ùn tắc. Việc xây dựng nhiều cao ốc tại khu trung tâm cũng đồng nghĩa với việc nén một lượng dân số quá lớn trong khu vực, đi ngược với mục tiêu giãn dân số mà thành phố đang thực hiện.
GS.TS Nguyễn Trọng Hòa (Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh) cho rằng, công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng của thành phố trong nhiều năm qua chưa quan tâm đến các vấn đề xã hội như dân số, điều kiện sống của người dân tại khu vực đó khiến nhiều công trình mọc lên nhưng chất lượng cuộc sống một số nơi lại giảm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, trước khi cấp phép xây dựng, các dự án nhà ở, nhà cao tầng đều được thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật (mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao…) và một trong những điều kiện để được chấp thuận đầu tư là phải phù hợp với quy hoạch, đồng bộ với các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, ông Trần Trọng Tuấn cũng thừa nhận, thời gian qua, việc xây dựng các dự án nhà ở, công trình cao tầng, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là các dự án này thường "đi trước" quy hoạch và hoàn thành trước các dự án hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Một trong những bất cập nữa là các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại thường được xây dựng xen kẽ các khu dân cư sầm uất hiện hữu, trong khi hạ tầng giao thông, đường sá lại không được nâng cấp, mở rộng.
Các chuyên gia đặt vấn đề, trong nhiều năm qua, quá trình cấp phép xây dựng đối với các công trình trên, cơ quan chức năng thành phố có xem xét, đánh giá, tính toán mức độ ảnh hưởng đến giao thông không? Ông Trần Trọng Tuấn cho biết, thường những dự án nhà cao tầng phải nằm ở những khu vực có hạ tầng đồng bộ.
Tuy nhiên, một số nơi các dự án mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông còn vướng mắc nên chậm được triển khai. Người đứng đầu Ngành Xây dựng thành phố cho biết, giải pháp khắc phục sắp tới là trước khi xem xét cấp phép các công trình cao tầng phải bảo đảm kết nối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. "Sở Xây dựng đang xây dựng chương trình phát triển nhà ở 5 năm và 10 năm.
Trong đó, để bảo đảm sự kết nối hạ tầng kỹ thuật, dự kiến giữa năm 2017, UBND thành phố sẽ có tờ trình HĐND thành phố, quy định phải có sự kết nối thống nhất giữa công trình nhà ở với công trình hạ tầng kỹ thuật tại từng khu vực và trên địa bàn thành phố", ông Trần Trọng Tuấn khẳng định.
Nguyễn Lê (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.