Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo UBND TP về đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030”.
Theo đó đề án “Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021 - 2030” mà Sở Xây dựng TP báo cáo UBND TP, thì đến năm 2025 các quận trung tâm sẽ hạn chế phát triển các dự án nhà ở cao tầng mới nếu chưa được đầu tư hệ thống hạ tầng tương ứng.
Cụ thể, giải pháp phát triển nhà ở giai đoạn 2021 -2025 theo khu vực được chia thành 5 khu:
Phát triển dự án nhà ở phải đảm bảo đồng bộ và thống nhất với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, quận 3) ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng cho các dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư thay thế chung cư cũ trước năm 1975. Hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.
Khu vực 11 quận nội thành hiện hữu (quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh) tập trung chỉnh trang, nâng cấp theo đô thị hiện đại, hoàn thiện các dự án dở dang. Trong đó, đối với các quận 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng. Đối với quận 8, 10, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở.
Khu vực 6 quận nội thành phát triển (quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân) ưu tiên phát triển dự án đầu tư xây dựng mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến metro số 1 tại các quận 2, Thủ Đức, 9) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng. Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của các nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo. Khu vực 5 huyện ngoại thành (huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính. Phát triển các khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.
Với đề án nói trên, một đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhà ở nhiều khu vực hiện chưa được cải tạo, nâng cấp tương xứng, dẫn tới quá tải về hạ tầng chung. Trong khi tốc độ phát triển nhà ở dân tự xây rất lớn, nhu cầu sử dụng hạ tầng cao nhưng tốc độ cải tạo, nâng cấp hạ tầng chưa tương xứng.
“Do đó, TP sẽ hạn chế phát triển các dự án nhà ở tại các quận trung tâm, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở phải đảm bảo đồng bộ và thống nhất với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phát triển nhà ở cao tầng gắn với hệ thống giao thông ngầm, đường sắt trên cao tại khu vực trung tâm, khu vực nội thành hiện hữu”, vị này nói.
Hiện TP Hồ Chí Minh ưu tiên, chú trọng phát triển nhà ở dựa trên cơ sở chỉnh trang, cải tạo khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới thay thế chung cư cũ, di dời nhà trên và ven kênh rạch. Phát triển nhà ở lan tỏa theo hệ thống giao thông đô thị, các tuyến đường chính kết nối các đô thị vệ tinh, đường vành đai liên kết vùng, hệ thống đường sắt trên cao.
Đồng thời, tập trung tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 và khai thác hiệu quả hệ thống giao thông đô thị các tuyến đường metro, vành đai… Không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu vực chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương ứng.
-
Bất động sản TP.HCM tuyệt chủng chung cư giá rẻ
Từ Quý II/2020 tới nay, phân khúc căn hộ chung cư TP.HCM đã không còn xuất hiện dự án căn hộ giá rẻ. Thay vào đó căn hộ cao cấp đã chiếm trên 80% sản phẩm của phân khúc này bán ra thị trường.