Từ đầu năm đến nay, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) có nhiều biến động phức tạp, đã tạo ra nhiều cơn “sốt giá”.

Thị trường thép: Đứng ngồi không yên với nhiều “cơn sốt giá”

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, từ đầu năm đến nay, các loại VLXD đã đồng loạt tăng giá. Trong đó, mặt hàng thép xây dựng đã có tới 5 lần điều chỉnh giá bán.

Thị trường thép trong năm 2010 đã có rất nhiều biến động.

Trong thời điểm này, thì thép là mặt hàng tăng mạnh nhất với 4 - 5 lần điều chỉnh tăng giá. Nếu trước đây, giá thép thường chỉ ở mức 12 - 13.000 đồng/kg thì ngay trong tháng 3/2010 đã leo thang lên đến khoảng 15.000 đồng/kg. Đến tháng 4/2010 thì giá thép vẫn tiếp tục có những đợt tăng giá mới.

Cũng theo dự báo trước đó của Hiệp hội Thép Viêt Nam (VSA), trong tháng 8 vừa qua, cả giá bán và lượng thép tiêu thụ đều tăng mạnh.

Sau khi tăng giá tới 1,3 triệu đồng/tấn vào tháng 7/2010, bước sang tháng 8, giá thép được dự báo là sẽ chững lại do ảnh hưởng của mưa bão, các công trình xây dựng sẽ không thể đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, chỉ gần một tháng, các công ty thép đã điều chỉnh tăng giá bán thêm từ 700 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn. Giá bán thép phổ biến của các nhà máy ở mức 13,3- 13,9 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).

Vào thời điểm cuối tháng 10, các doanh nghiệp sản xuất thép đã đồng loạt áp dụng giá bán mới với mức tăng trung bình 200.000 đồng/tấn. Theo đó thì giá thép xây dựng đang bán ra hiện phổ biến từ 13,3-14,15 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT). Theo thống kê thì trong tháng 10 lượng thép xây dựng tiêu thụ đã đạt mức trên 400.000 tấn.

Lý giải việc tăng giá này, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, do tỷ giá giữa VND/USD đã được điều chỉnh tăng thêm khoảng 2%, là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp thép không thể không tăng giá bán.

Giá thép thay đổi liên tục nên gây nhiều khó khăn cho người mua.

Thêm vào đó là lãi suất cho vay cũng vào cuộc đua tăng giá mới và một số ngân hàng đã thông báo lãi suất cho vay là 19 - 20%/năm đã gây ảnh hưởng không ít đến việc tăng giá bán trong thời điểm hiện nay.

Thép xây dựng có tên trong danh sách các mặt hàng thiết yếu được nhà nước bình ổn giá. Nhưng giá thép lên, xuống thất thường từ đầu năm tới nay khiến các chủ đầu tư xây dựng cũng như người dân có nhu cầu sử dụng sản phẩm này “đứng ngồi không yên”.

Hơn thế nữa, hiện tình trạng thép ngoại tràn vào Việt Nam cũng đang là mối lo ngại của một số doanh nghiệp thép. Bởi, chỉ tính riêng năm 2010, sản xuất thép cả nước đạt trên 8 triệu tấn, nhưng nhu cầu sử dụng thép chỉ ở mức 5,6 triệu tấn.

Trong khi, Việt Nam vẫn đang loay hoay chưa biết “đối xử” thép ngoại như thế nào, thì các nước trong khu vực lại rất chặt chẽ trong việc kiểm soát nhập khẩu đối với mặt hàng thép.

Cũng trong năm 2010, lượng thép từ các nước ASEAN, Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều do được giảm thuế (ít nhất 1% với mỗi mặt hàng). Thêm vào đó, giá bán của thép ngoại thường rẻ hơn thép nội từ 500 - 700 nghìn đồng/tấn, thậm chí có thời điểm gần 1 triệu đồng/tấn, đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp thép trong nước.

Giá nhiều loại VLXD khác cũng tăng nhưng vẫn ổn định

Từ đầu năm đến nay, các loại VLXD đã đồng loạt tăng giá và gây ra không ít cơn “bão giá” trên thị trường.

Đặc biệt là vào đầu tháng 4/2010, giá nhiều loại nguyên VLXD đã có xu hướng tăng từ 10- 20%. Giá các loại xi măng liên tiếp nhiều lần điều chỉnh tăng giá, với mức tăng khoảng từ 3.000- 5.000 đồng/bao 50kg so với hồi tháng 3/2010.

Giá xi măng tăng liên tục trong năm 2010.

Tại nhiều cửa hàng VLXD, giá xi măng Tây Đô PCB 40 bán ở mức: 66.000-67.000 đồng/bao, PCB 30: 63.000-64.000 đồng/bao; xi măng Holcim: 69.000 đồng/bao; Xi măng Hoàng Thạch loại PC 30: 1.100.000 đồng/tấn, tăng 20.000 đồng/ tấn; xi măng Lam Thạch: 860.000 đồng/tấn, tăng 30.000 đồng/tấn.

Tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá VLXD trong thời điểm này, thì một số doanh nghiệp cho rằng, do chính sách kích cầu của Chính phủ đã hết hiệu lực, doanh nghiệp không còn được hưởng ưu đãi, hỗ trợ về thuế. Cụ thể là vào năm 2009, các doanh nghiệp sản xuất đang nộp thuế ở mức 5%, đến năm 2010, mức thuế suất đã tăng lên 10%. Thêm nữa là do giá điện tăng, khiến cho mọi chi phí đầu vào đều tăng. Vì thế, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sắt thép, xi măng phải tăng giá để đảm bảo chi phí cho sản xuất. Bên cạnh đó, nguyên nhân đẩy giá thép lên nhiều đợt do giá nguyên liệu phôi thép tăng gần 100USD so với tháng 3, lên 620 - 630USD/tấn.

Ngoài ra, từ đầu tháng 10 - 12/2010, không riêng gì giá thép, mà giá ximăng, các loại VLXD khác như gạch, cát, sỏi… đã đồng loạt tăng và mặc sức “làm giá” với nhiều lý do khác nhau.

Do nhu cầu xây dựng tăng nên giá các loại VLXD cũng tăng theo.

Cụ thể là giá xi măng tăng khoảng 10% so với thời điểm trước, như: Hà Tiên 1 đã tăng từ 70.000 đồng lên 73.000 đồng/ bao 50 kg, xi măng Holcim từ 69.000 đồng lên 70.000 đồng; xi măng Nam Hà có giá 710.000 đồng/tấn, xi măng Vinakasai Ninh Bình 850.000 đồng/tấn… Mặt hàng gạch tăng khoảng 7-10%, như: Gạch loại A có giá 1.300 đồng/viên, loại B 850 đồng/ viên, giá gạch tuynel cũng dao động 680 - 1.200 đồng/ viên, tăng khoảng 100 đồng so với tháng 10/2010. Mặt hàng cát cũng tăng từ 10-12% cát vàng 330.000 đồng/m³, cát đen 40.000 đồng/ m3.

Nguyên nhân chính của việc tăng giá và “làm giá” các mặt hàng VLXD này là do cuối năm nhu cầu sửa sang nhà cửa, hoàn thành các công trình, dự án tăng cao và do vào thời điểm mùa khô, việc khai thác và vận chuyển cát rất khó khăn. Lệnh cấm khai thác cát khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm. Đối với mặt hàng gạch, mặc dù gạch không nung được khuyến khích đưa vào sử dụng song thị trường chưa đón nhận mà vẫn sử dụng loại gạch truyền thống nên loại gạch này vẫn nằm trong diện khan hàng.

Theo nhận định của CafeLand, với sức tiêu thụ các VLXD, cùng với nhu cầu xây dựng ngày càng tăng như thế này thì giá các mặt hàng VLXD trong năm tới có thể sẽ tiếp tục tăng dù nguồn cung được khẳng định là ổn định.

M.Tuấn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland