Hài lòng với thương vụ vừa ký kết với Vingroup, ông Dương Trọng Nghĩa cho biết OceanGroup cần tập trung nhiều hơn cho hai lĩnh vực cốt lõi - bất động sản và ngân hàng mà chưa tính tới kế hoạch quay trở lại mảng bán lẻ.

- Ocean đã bán lại hệ thống trung tâm thương mại và siêu thị OceanMart cho Vingroup với giá bao nhiêu mà ông cho là hời?

- Ngay bây giờ tôi chưa thể tiết lộ giá trị hợp đồng vì giữa hai bên có điều khoản bảo mật. Nhưng tôi nghĩ đây là mức giá hời, cho cả Ocean Group và Vingroup. Hời cho chúng tôi vì có lãi, và hời cho Vingroup vì OceanMart sẽ giúp Vingroup thực hiện nhanh hơn kỳ vọng của họ ở thị trường bán lẻ.

Thực ra Ocean Group đàm phán với một đối tác Thái Lan từ đầu năm, nhưng nhận thấy nhiệt huyết và sự quyết tâm rất cao của Vingroup nên đã đi đến quyết định cuối cùng chỉ trong vòng 2 tuần đàm phán.

Ocean Mart không có ý định mời đối tác khi bắt đầu phát triển mạng lưới. Nhưng có lẽ ngành bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn nên ngay từ khi OceanMart mở ra đã có rất nhiều đối tác tìm hiểu đặt vấn đề. So với các đối tác đến từ Pháp, Mỹ, Hong Kong, Hàn Quốc... đối tác Thái Lan và Vingroup đặt vấn đề nghiêm túc nhất.

Ông Dương Trọng Nghĩa - Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup).

- So sánh giữa đối tác Thái Lan và Vingroup, đề nghị chào mua của bên nào hấp dẫn hơn?

- Giá Vingroup đưa ra là một trong những mức giá hấp dẫn nhất. Mặt khác, Vingroup cùng các đối tác khác đề nghị mua toàn bộ hệ thống (trong đó Vingroup mua 70%). Đối tác Thái Lan chỉ đặt vấn đề tham gia góp vốn. Chúng tôi chọn Vingroup còn vì đây là một doanh nghiệp Việt Nam, có nhiều thế mạnh.

- OceanGroup từng kỳ vọng rất nhiều vào lĩnh vực bán lẻ và chọn đây là hướng kinh doanh mới khi bất động sản và ngân hàng phát tín hiệu khó khăn. Tại sao mảng có nhiều tâm huyết các ông lại bán nó đi?

- Tôi vẫn khẳng định bán lẻ là ngành nhiều triển vọng, nhưng cần rất nhiều thời gian và công sức cho nó. Để kiếm được lợi nhuận từ ngành bán lẻ cần nhiều năm. Ngân hàng hay bất động sản cũng cần rất nhiều thời gian và sự tập trung. Nhìn qua cả 3 lĩnh vực chúng tôi đang theo đuổi thì ngành nào cũng cần người đứng đầu dành 100% công sức và tâm huyết cho nó. Nhưng tôi chỉ có 100% để làm tốt một, hai việc, không thể đi bằng nhiều chân mãi được.

Vì vậy, chúng tôi quyết định co hẹp những lĩnh vực kinh doanh. Khi đã quyết định co hẹp thì phải lựa chọn. Lĩnh vực nào có thể bán được nhanh với giá tốt thì bán nhanh để tập trung cho phần còn lại, đầu tư vào chiều sâu. Nói gì thì nói ngân hàng vẫn là một nghề bền vững nếu tập trung làm tốt. Bất động sản sắp tới chúng tôi sẽ tập trung vào chiều sâu, phát triển một số dự án trọng điểm, quản lý tốt chuỗi khách sạn đang hoạt động khá hiệu quả.

Đó là lý do chính đầu tiên. Còn lý do thứ hai, với người làm kinh doanh, dù công việc kinh doanh đang tốt nhưng đứng trước một khoản hời thì quyết định bán không quá khó khăn.

- Phải chăng có sự đánh đổi, do khó khăn về tài chính ở hai mảng ngân hàng và bất động sản mà các ông phải hy sinh chuỗi bán lẻ đang rất thành công?

- Không hẳn vậy. Thị trường Việt Nam còn nhiều room cho tất cả các ngành kể cả bán lẻ, khách sạn hay ngân hàng phát triển. Nhưng thời gian là vấn đề quan trọng, chúng tôi phải quyết định dứt khoát để tái cơ cấu, thu hẹp lĩnh vực kinh doanh, bây giờ đi bằng quá nhiều chân sẽ không làm nổi.

Mặt khác, nếu như bán đi để có một khoản tiền hời tập trung làm mạnh các mảng còn lại thì tại sao không bán? Thay vì phân tán cho 3 mảng, dồn tiền cho 2 mảng chính đương nhiên sẽ mạnh hơn, nhất là khi Ocean Bank và Ocean Hospitality đều chưa phải là số một trong lĩnh vực của mình. Tôi không dám kỳ vọng vào vị trí số một nhưng nguồn tiền có được từ thương vụ bán OceanMart có thể giúp Ocean Bank và Ocean Hospitality phát triển tốt hơn.

- Liệu có phải các doanh nghiệp trong nước không tự tin trước các nhà bán lẻ nước ngoài nên ông phải bán OceanMart?

- Không phải chúng tôi không tự tin, nếu tập trung thì chắc chắn sẽ làm được và làm tốt. Khi làm việc với Vingroup và nghe kế hoạch của họ, chúng tôi tin rằng Vinmart sẽ cạnh tranh tốt với các nhà bán lẻ nước ngoài. Kinh doanh ngành bán lẻ không có gì cao siêu lắm, quan trọng là đã làm thì phải làm bài bản, đầu tư manh mún nhỏ nhỏ khó thành công và khó cạnh tranh với nước ngoài.

- Ông nhìn nhận thế nào về sự xuất hiện của các đại gia bán lẻ người Thái Lan, đặc biệt sau thương vụ Metro rút khỏi Việt Nam?

- Họ là những đối thủ đáng gờm vì dày dạn kinh nghiệm lại khá gần với văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên như tôi đã nói, các doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh những điểm yếu cũng có thế mạnh của mình. Vingroup chẳng hạn, tập đoàn này có tiềm lực về tài chính và khả năng phát triển hệ thống mà tôi nghĩ khó ai có thể chạy nhanh như họ. Chúng tôi cũng tự tin năm ngoái không có doanh nghiệp bán lẻ nào làm nhanh và mạnh như OceanMart. Giờ hệ thống này chuyển sang Vingroup sẽ còn tốt hơn nữa. Điểm mạnh thứ hai mà các nhà bán lẻ ngoại khó có được đó là hiểu biết về văn hoá, về quan hệ với các nhà đầu tư, đối tác địa phương, lựa chọn vị trí, địa điểm.

- Hà Nội vừa quyết định dừng chuyển đổi chợ truyền thống thành trung tâm thương mại. Một số trung tâm thương mại hiện đại, mới xây ở Hà Nội hiện cũng vắng khách. Theo ông đâu là nguyên nhân khiến các trung tâm này thất bại?

- Các mô hình chợ cũ phát triển thành chợ hiện đại có thiết kế chưa đúng cho việc kinh doanh bán lẻ. Có vẻ như các nhà thiết kế đã chưa tính kỹ đến các tiêu chuẩn của việc kinh doanh bán lẻ.

Kinh doanh khu bán lẻ đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn để người tiêu dùng có thể chấp nhận được, bao gồm diện tích, giao thông, nơi đậu xe, vị trí và cả cách bố trí mặt bằng. Nếu như làm shopping mall chẳng hạn, phải bố trí các gian hàng để người mua hàng vào là nhìn thấy ngay toàn khu có gì. Mặt bằng làm shopping mall phải đủ lớn, nếu ở Hà Nội phải 25.000-30.000 mét vuông sàn trở lên với đủ loại các mặt hàng mới hấp dẫn người ta tới mua.

Mô hình chợ hiện đại với các quầy bán lẻ dưới tầng hầm, bên trên là tháp văn phòng, căn hộ cho thuê là sự lai tạp giữa chợ truyền thống và siêu thị. Đã vậy nó không tiện cho người ta đi xe máy tạt vào mua như chợ Thành Công hay chợ Hôm, lại không đủ tốt, sạch sẽ, bắt mắt và đa dạng hàng hoá như siêu thị… Vào siêu thị mua hàng dù gì người ta vẫn có cảm giác tin cậy hơn. Tóm lại họ thành công vì không có yếu tố để cạnh tranh.

- OceanGroup đã có kinh nghiệm và tâm huyết với ngành bán lẻ. Bán OceanMart đi rồi, các ông định bao giờ quay trở lại ngành này, hoặc xây dựng một thương hiệu bán lẻ khác để lại có được vụ mua bán thành công như vừa qua?

- Mọi chuyện đều có thể xảy ra trong tương lai nhưng lúc này chúng tôi chưa có ý định gì cả. Vì như tôi đã nói có 2 lý do bán OceanMart đi, thứ nhất là đối tác đã đề nghị một khoản đủ hời, thứ hai là cần cơ cấu tập trung cho các mảng kinh doanh khác cho tốt hơn.

Cũng rất khó để bán đi rồi làm lại thương hiệu mới, chắc gì đã được tốt như OceanMart.

Song Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.