Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tháng 1 năm 2012 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,1% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao kỷ lục như sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 88%, xi măng 84,4%, bột giấy, giấy và bìa tăng 82,6%, giường, tủ, bàn ghế tăng 77,8%, giày dép tăng 49,9%, thức ăn gia súc tăng 42%...
Đơn cử, với chỉ số tồn kho tăng hơn 84% so với cùng kỳ, xi măng hiện có lượng hàng tồn kho vào khoảng 3,5 triệu tấn, trong đó, riêng Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) “đóng góp” 2,3 triệu tấn, gồm 1,95 triệu tấn clinker, còn lại là xi măng bột. Riêng 1 tháng đầu năm, tồn kho xi măng của Vicem đã tăng thêm 300.000 tấn so với thời điểm 31/12/2011,
Tháng 1/2012, Vicem đặt mục tiêu tiêu thụ 1,150 triệu tấn, nhưng tổng mức thực hiện cả nội địa lẫn xuất khẩu chỉ đạt 809.000 tấn.
Trong số 8 đơn vị thuộc Vicem là Xi măng Hải Phòng, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Tam Điệp, Hoàng Mai, Vicem Hà Tiên, Hải Vân, thì duy chỉ có Bỉm Sơn và Hoàng Mai là có mức tiêu thụ tăng so với mục tiêu đề ra, 6 đơn vị còn lại đều chưa đạt kế hoạch tiêu thụ đã đề ra trong tháng, như Vicem Hà Tiên chỉ đạt 44% kế hoạch, Hải Vân 55%, Hoàng Thạch 43%, Hải Phòng 33%, Tam Điệp và Bút Sơn là 80 và 82%.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh văn phòng Vicem cho hay, sự sụt giảm quá mạnh về tiêu thụ ngay từ tháng đầu năm, đẩy lượng hàng tồn kho tăng cao sẽ nhân thêm khó khăn cho các doanh nghiệp trong những tháng tiếp theo, khi mà nhiều công trình xây dựng lớn vẫn chưa được khởi động rầm rộ.
Cũng do tiêu thụ sụt giảm quá mạnh, tính hết tháng 1, thị phần của Vicem đang từ 34% đã bị sụt xuống chỉ còn 26,6%, trong khi thị phần của các đơn vị liên doanh là 34,3% và các thành phần khác là 39,1%.
Là một trong những doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu xi măng và clinker khá ổn định, khi năm 2011 xuất khẩu tới 1,5 triệu tấn, Tập đoàn Xi măng The Vissai (Ninh Bình) dù không đưa ra con số tồn kho cụ thể, nhưng đã không giấu nổi lo lắng về sức tiêu thụ trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Vũ Thanh, Phó tổng giám đốc The Vissai cho biết, công suất của toàn bộ 5 nhà máy thuộc Tập đoàn là 6,2 triệu tấn, nếu xuất khẩu tốt cũng chỉ chiếm 1/3 công suất, như vậy, thị trường nội địa vẫn là thị trường chủ đạo của The Vissai.
Do nhiều công trình xây dựng tiếp tục bị cắt giảm, cộng với nguồn cung xi măng trong nước dồi dào, nên giữ vững được nhịp tiêu thụ trong thời điểm này đã quá khó với mỗi doanh nghiệp.
Vẫn theo ông Thanh, không chỉ chịu sự cạnh tranh giữa các sản phẩm cùng loại với các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp này cũng đang lo lắng trong việc cạnh tranh với sản phẩm xi măng chất lượng thấp, giá rẻ, loại xi măng có tỷ lệ thành phần clinker thấp hơn những chủng loại xi măng đang có mặt trên thị trường như PC30, PC40 và PC50 của một vài đơn vị đã đưa ra thị trường trong năm qua.
Ngoài việc đối phó với khủng hoàng thừa xi măng, nhiều doanh nghiệp xi măng đang phải đối mặt với các khoản trả nợ cho các dự án đã hoàn thành trước đây như Tam Điệp, Hải Phòng, Bút Sơn 1, Hoàng Mai….
“Sức khỏe” của ngành sản xuất gạch ốp lát cũng không có gì khả quan hơn, khi thống kê của Hiệp hội gốm sứ xây dựng, lượng tồn kho gạch ốp lát đã vượt trên 30 triệu m2, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng.
Lượng gạch ốp lát tồn kho lớn hơn bình thường, nên từ năm 2011 nhiều nhà máy phải sản xuất khoảng 60-70% công suất. Theo ước tính, tính riêng mức lãi mà doanh nghiệp phải trả cho số thép tồn kho này đã lên tới hàng trăm tỷ đồng/tháng.
Đại diện một số Hiệp hội như xi măng, sắt thép, gốm sứ đều chung quan điểm rằng, với tốc độ tiêu thụ hàng chậm như hiện nay, do nhiều công trình bị cắt giảm, các doanh nghiệp cần thực hành tiết kiệm, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất để thích ứng với sức mua từ thị trường. Thị trường ngách, sức mua dẫu nhỏ nhưng sẽ là chỗ để doanh nghiệp khai thác nhằm cầm cự, cố chờ đợi sự biến chuyển tích cực từ thị trường nội địa, cùng các chính sách mới với hy vọng đẩy mạnh được tiêu dùng để hàng hóa sản xuất ra được lưu thông.