Từ năm 2012, UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương xây dựng một số công trình hạ tầng theo hình thức hợp đồng Xây dựng- Chuyển giao(BT), còn gọi là “đổi đất lấy hạ tầng”. Thế nhưng, việc ban hành một số cơ chế, chính sách chưa chặt chẽ tạo lỗ hổng cho nhà đầu tư lợi dụng chủ trương này để nhận đất phân lô, bán nền, gây bức xúc trong dư luận.
Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Nam đầu tư 4 dự án theo hình thức hợp đồng Xây dựng- Chuyển giao (BT) gồm: Dự án xây dựng tuyến đường nối từ đường ĐT.603A với tuyến ĐT.607 tại thị xã Điện Bàn.
Dự án này do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sản xuất và Thương mại Bách Đạt, (nay là Công ty Cổ phần Bách Đạt An) làm nhà đầu tư. Dự án đường trục chính đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Quảng (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Đất Quảng- Quảng Nam) làm nhà đầu tư. Dự án Nghĩa trang nhân dân Tam Anh Nam, huyện Núi Thành do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng Chu Lai làm nhà đầu tư
Dự án xây dựng đường nối từ tuyến ĐT. 603A với tuyến ĐT 607 do Công ty Cổ phần Bách Đạt An làm nhà đầu tư.
Dự án xây dựng cầu Đế Võng trên tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại do Công ty cổ phần Đạt Phương làm nhà đầu tư. Để thực hiện 4 dự án này, tỉnh Quảng Nam đã đổi hơn 488 héc ta đất giao cho nhà đầu tư. Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, việc huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp để đầu hạ tầng, phát triển đô thị được cho là phù hợp.
Ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho rằng, địa phương đã làm đúng các quy định về trình tự thủ tục đầu tư, việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn theo đúng trình tự, thủ tục quy định của luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015 của Chính phủ. Có ý kiến lo lắng về dự án xây dựng tuyến đường nối từ đường dài 1,9 km nối từ tuyến ĐT.603A với tuyến ĐT.607 do Công ty Cổ phần Bách Đạt làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư dự án hơn 69 tỉ đồng.
“Đối với Dự án của Công ty Bách Đạt, dư luận nói rằng là tại sao chỉ có 1,9 km mà giao đến 105 héc ta đất. Thực tế hiện nay mới chỉ giao cho Công ty Bách Đạt 47 héc ta. Trong 47 héc ta này, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng các hệ thống hạ tầng cơ sở công cộng bàn giao lại cho địa phương quản lý. Chỉ có 24 héc ta là sử dụng cho mục đích đất ở thương mại. Hiện nay vẫn chưa quyết toán dự án BT, khi quyết toán dự án BT sẽ tính toán đến vấn đề bù trừ chênh lệch”, ông Đặng Phong nói.
Dự án xây dựng cầu Đế Võng do công ty Cổ phần Đạt Phương làm nhà đầu tư.
Nói về hướng xử lý chênh lệch từ các dự án BT và quỹ đất được giao cho chủ đầu tư, không làm thất thoát ngân sách nhà nước, ông Đặng Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, các dự án BT trên địa bàn tỉnh sẽ được kiểm tra, rà soát lại.
Đối với 2 dự án BT đang triển khai tại Khu đô thị mới Điện Nam- Điện Ngọc thực hiện từ cuối năm 2014 đến năm 2016, thời điểm này, giá đất ở mức khá thấp. Vì vậy, diện tích quỹ đất cân đối cho các dự án còn thừa, nên UBND tỉnh Quảng Nam giao cho UBND thị xã Điện Bàn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, xác định lại giá đất hiện hành đối với các khu đất còn lại đã thỏa thuận giao cho các nhà đầu tư thực hiện để tạo vốn thanh toán các dự án BT.
Trường hợp giá trị quỹ đất để thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT, UBND thị xã Điện Bàn sẽ báo cáo đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý phần chênh lệch theo hướng giảm diện tích đất giao cho nhà đầu tư.
Ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, chủ trương đầu tư theo hình thức BT không phải là mới. Tuy nhiên, do quá trình triển khai thiếu chặt chẽ, một số dự án thiếu công khai, minh bạch nên tạo dư luận không tốt.
Ông Hồng cho biết thêm, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao quỹ đất giao cho nhà đầu tư phải xác định được đơn giá đất là bao nhiêu, có tổ chức đấu giá, đấu thầu không?. Và điều quan trọng, theo ông Hồng là quỹ đất ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, đó là quỹ đất tự nhiên chứ không phải mà “miếng đất sạch”, đã giải phóng mặt bằng rồi.
Nếu là đất sạch thì nghiễm nhiên phải đấu giá. Hiện nay tỉnh Quảng Nam giao đất cho nhà đầu tư có cả đất dân cư hiện hữu, đất sản xuất và một phần đất sạch.
“Khoảng đất nào sạch thì dứt khoát phải đấu giá. Còn khu đất nào mà có giải tỏa đền bù, sắp xếp dân cư hoặc là tái định cư tại chỗ, hoặc là chỉnh trang thì phải được đặt ra trong dự án tổng thể để tránh trường hợp nhập nhằng dẫn đến có thể làm cho nhà đầu tư cũng khó, thậm chí chủ đầu tư cũng gặp khó khăn”, ông Võ Hồng cho biết.
Hiện nay, có một số dự án BT triển khai ở tỉnh Quảng Nam, nhà đầu tư xây dựng hạ tầng dang dở đã được tỉnh bàn giao đất, doanh nghiệp lập tức phân lô bán nền khi chưa có đầy đủ thủ tục cần thiết.
Theo quy định, dự án BT được triển khai phải đảm bảo hạ tầng tối thiểu và phải được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu, lúc đó doanh nghiệp mới được phân lô, bán nền, được cấp sổ đỏ.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đang giao Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại tất cả các dự án BT trên địa bàn để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
-
Hà Nội chỉ đạo khẩn về tiến độ 2 dự án BT
Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ban hành Thông báo số 588 về Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tại cuộc họp nghe báo cáo về tiến độ thực hiện và những nội dung vướng mắc tại 2 dự án đầu tư công trình giao thông theo hình thức BT....
-
Thái Bình dừng hợp đồng BOT dự án tuyến đường bộ gần 2.600 tỷ đồng từ thành phố đi cầu Nghìn
Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp với các sở, ngành và đại diện liên danh nhà đầu tư về đàm phán thỏa thuận chấm dứt thực hiện hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ TP Thái Bình đi cầu Ng...
-
Phó Thủ tướng chỉ đạo rà soát các dự án BOT giao thông
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông bao gồm cả dự án Bộ Giao thông vận tải quản lý và các dự án do các địa phương quản lý....