20/11/2024 10:10 AM
Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030 là 384.500 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2024 - 2025 cần khoảng 65.500 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 319.000 tỷ đồng.

Đây là một trong những thông tin từ báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương tại phiên họp UBND tỉnh tháng 11 (lần 3) diễn ra chiều 19/11, theo báo Hải Dương.

Tại phiên họp, Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương báo cáo UBND tỉnh về hồ sơ điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030. Báo cáo cho biết, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030 được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt vào tháng 12/2017.

Các quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã làm thay đổi định hướng, mục tiêu phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030. Vì vậy, cần thiết phải rà soát, điều chỉnh. Theo đó, phạm vi nghiên cứu chương trình trên toàn bộ tỉnh Hải Dương (tổng diện tích 1.668,28 km2), gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc. Phía bắc tiếp giáp các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh; phía nam tiếp giáp với tỉnh Thái Bình; phía tây tiếp giáp với các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên; phía đông tiếp giáp với thành phố Hải Phòng.

Mục tiêu là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu, các khu đô thị, khu nhà ở đồng bộ; đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị Hải Dương theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, bền vững, nằm trong chuỗi đô thị động lực với vai trò chia sẻ, hợp tác, liên kết các chức năng trong vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng.

Đến năm 2030, tỉnh Hải Dương sẽ phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2050, Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng. Phát triển tỉnh Hải Dương gắn liền với 4 đặc điểm nổi bật: toàn diện - kết nối - bền vững - thịnh vượng.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, Hải Dương có 16 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 45%. Đến năm 2030 có 28 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng trên 55%; dự kiến phấn đấu tỉnh Hải Dương đạt tiêu chí đô thị loại I và đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tỷ lệ đô thị hóa trên 65%; tỉnh hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đến năm 2030 là 384.500 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2024 - 2025 cần khoảng 65.500 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 319.000 tỷ đồng.

Hà Nội tiếp giáp 8 tỉnh gồm: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc ở phía Bắc; Hà Nam, Hòa Bình phía Nam; Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên phía Đông; Hòa Bình, Phú Thọ phía Tây.

Theo Luật Thủ đô 2012, Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận do Chính phủ quyết định.

Trong đó, Vùng Thủ đô gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên.

Trong số này, Hải Dương là tỉnh duy nhất nằm trong Vùng Thủ đô nhưng không tiếp giáp Thủ đô.

Phong Vân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.