CafeLand - Ngân hàng xanh, tín dụng xanh được coi là xu hướng tất yếu của hệ thống ngân hàng trong những năm tới. Tuy nhiên, phát triển được mô hình này ở Việt Nam còn nhiều rào cản. Ngoài khó khăn về nguồn vốn, nguồn lực con người là một vấn đề không nhỏ.

Trong buổi hội nghị chuyên đề “Định hướng phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây, các chuyên gia, đại diện các ngân hàng thương mại đều có chung nhận định, rằng trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, mục tiêu của Việt Nam trong vòng hai thập kỷ tới không chỉ là tăng trưởng nhanh như các giai đoạn trước đây mà phải là tăng trưởng xanh và bền vững, hướng tới phát triển kinh tế xanh.

Để thực hiện thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững cần huy động nguồn lực của toàn xã hội. Ngành ngân hàng có trách nhiệm trong việc hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua cơ chế huy động và cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường.

Tín dụng xanh - đường còn dài

Vai trò của ngân hàng xanh thể hiện ở hai khía cạnh cơ bản: là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân, giữa bên thừa vốn và thiếu vốn; tham gia vào quá trình đánh giá và quản lý rủi ro các dự án đầu tư, trong đó gồm cả những rủi ro môi trường; bản thân hoạt động của các ngân hàng cũng tác động trực tiếp tới môi trường, thông qua việc ứng dụng công nghệ để phi chứng từ hóa các phương tiện thanh toán, áp dụng ngân hàng điện tử trực tuyến...

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, cho biết, ngành ngân hàng đóng vai trò trọng yếu trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư; định hướng nguồn lực tài chính vào những lĩnh vực xanh; hạn chế dòng vốn vào những dự án gây ảnh hưởng tới môi trường; góp phần thúc đẩy các khách hàng vay vốn chuyển đổi dự án và mục đích sử dụng vốn vay sang các dự án thân thiện với môi trường. Nói cách khác, các chính sách tín dụng xanh là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải độc hại, hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Khó khăn từ nguồn lực con người

Thống kê của NHNN cho thấy, mới có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng; có 26% số ngân hàng xây dựng và triển khai quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết dư nợ tín dụng xanh đang tăng nhanh. Cụ thể, nếu như quý 4-2017 dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180.121 tỉ đồng, thì quý 1-2018 con số này đã ở mức 188.270 tỉ đồng, quý 2-2018 là 188.132 tỉ đồng. Đặc biệt, dư nợ tín dụng xanh đã tăng mạnh trong quý 3-2018 khi đạt 235.717 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nếu so sánh với tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản thì các con số trên vẫn còn khá khiêm tốn so với con số 471.022 tỉ đồng ở thời điểm cuối năm 2017.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc tín dụng xanh chưa được quan tâm nhiều, ngoài yếu tố thiếu vốn, nguyên nhân còn có thể xuất phát từ nội tại của ngân hàng. Một khảo sát của NHNN cho thấy, vấn đề phức tạp về kỹ thuật thẩm định được nhìn nhận là trở ngại lớn nhất.

Trong khi các ngân hàng 100% vốn sở hữu nước ngoài như HSBC, Standard Chartered… thường có đội ngũ chuyên gia nước ngoài sẵn sàng tư vấn khi có vấn đề quan ngại về môi trường và xã hội, thì nguồn lực cán bộ tại các ngân hàng cổ phần trong nước còn hạn chế.

Theo chia sẻ của một chuyên gia quốc tế, chính tư duy của đội ngũ cán bộ lãnh đạo làm công tác quản lý cũng là trở lực khá lớn, xuất phát từ quan niệm cho rằng hoạt động ngân hàng nhằm thu lợi nhuận tối đa, trong khi những lợi ích đầu tư cho môi trường chưa được nhận thức đầy đủ, mang tính dài hạn, đòi hỏi lãnh đạo ngân hàng phải có tầm nhìn chiến lược.

Có thể thấy ngân hàng xanh, tín dụng xanh là xu hướng chung của thế giới, cũng sẽ là xu thế trong dài hạn của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, với thực tế quy mô vốn trong nền kinh tế còn nhỏ, nhu cầu tăng trưởng, đầu tư cho phát triển lớn, các ngân hàng luôn cần tối đa hoá lợi nhuận như của Việt Nam thì việc làm ngân hàng xanh không phải dễ dàng.

  • Mượn danh CIC cung cấp thông tin tín dụng bất hợp pháp

    Mượn danh CIC cung cấp thông tin tín dụng bất hợp pháp

    CafeLand - Trong một thông báo mới đây, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC, NHNN) cho biết, có hiện tượng một số tổ chức/cá nhân lợi dụng danh nghĩa của CIC để cung cấp báo cáo thông tin tín dụng (TTTD) cá nhân bất hợp pháp.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.