03/09/2012 8:47 AM
“Việt Nam đã có 10 năm bùng nổ tín dụng và sẽ phải mất chừng đó thời gian tín dụng tăng trưởng thấp. Đây là phản ứng tự nhiên của nền kinh tế”, TS. Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhận định.
Doanh nghiệp chán vay nợ

Nếu như trước đây, doanh nghiệp (DN) luôn là người cầu cạnh ngân hàng để được vay vốn, thì hiện nay, gió đã đổi chiều. TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt thừa nhận, hiện là thời điểm ngân hàng đua nhau đưa ra các mức lãi suất cho vay thấp để câu kéo DN vay vốn.

Ngay cả “ông lớn” - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng sốt ruột khi tín dụng tăng trưởng ì ạch, buộc phải đưa ra các mức lãi suất “khủng” để mời DN vay. Ông Phạm Chí Thành, Trưởng phòng Kinh doanh và Quản lý nguồn vốn (Vietcombank) cho hay: “Nếu khách hàng tốt, chúng tôi sẵn sàng cho vay với lãi suất 6%/năm trong 6 tháng. Chúng tôi xác định, thà cho vay theo kiểu giảm bớt lỗ còn hơn là huy động với lãi suất 9%/năm, rồi để vốn chết. Vấn đề khó nhất là tìm DN đáp ứng được chuẩn để cho vay”.

Trong khi đó, nhiều DN cho hay, trong thời điểm khó khăn hiện nay, dù vốn rẻ, họ cũng sẽ cân nhắc, không vay vốn bừa bãi như trước.

TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng, tăng trưởng tín dụng thấp của nước ta kéo dài từ đầu năm đến nay chính là phản ứng tự nhiên của nền kinh tế. Ngân hàng sau một thời gian tăng trưởng nóng, nay buộc phải hãm đà để giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu các khoản nợ, đồng thời tập trung đầu tư vào các khoản tài chính an toàn hơn, như trái phiếu chính phủ. Còn phía DN lại có tình trạng, những DN tốt, có dòng tiền lành mạnh mà ngân hàng muốn cho vay thường là những DN đang muốn giảm vay nợ. Còn những DN yếu, ngân hàng từ chối cho vay thì lại muốn vay thêm.

“Nền kinh tế đang có phản ứng tự nhiên của thoái nợ, giảm nợ. Chúng ta có 3 lựa chọn: đảo chiều thoái nợ (tức bùng nổ cho tiếp); thoái nợ từ từ (chúng ta đã mất 10 năm bùng nổ tín dụng, nên theo quy luật cũng phải mất 10 năm tăng trưởng tín dụng thấp); hoặc đẩy nhanh thoái nợ, giảm nợ, đồng nghĩa với việc chấp nhận nhiều DN phá sản để lấy vốn cho DN khác hoạt động”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, suốt một thời gian dài, DN nước ta sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, lệ thuộc vào nợ ngân hàng, tỷ lệ nợ vay thường gấp đôi vốn chủ sở hữu. Khi khủng hoảng xảy ra, dòng tín dụng bị chặn, DN lập tức rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, Việt Nam nên đẩy nhanh quá trình giảm nợ, chấp nhận trả giá để tái cơ cấu nền kinh tế, hoặc ít nhất cũng phải chấp nhận 10 năm tăng trưởng tín dụng thấp. Đây cũng là tình trạng đang diễn ra tại một số quốc gia trên thế giới, như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…

Giấu nợ xấu, tăng ảo lợi nhuận

Nhu cầu vay vốn của DN sút giảm, đồng nghĩa với lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng. Với sức ép từ cổ đông, nhiều ngân hàng đang có xu hướng gia tăng các khoản thu “bất minh”.

Báo cáo tài chính của 37/39 ngân hàng cuối năm 2011 cho thấy, năm 2011, tổng tài sản và tổng nguồn vốn của các ngân hàng này tăng 20,5%, tín dụng tăng gần 16%, nhưng tài sản khác tăng tới 40,5%. Trong mục tài sản khác, các khoản phải thu và các khoản nợ khác có mức tăng trưởng tới 112,5% và 116,1%. Báo cáo tài chính quý II/2012 của nhiều ngân hàng cũng cho thấy, khoản phải thu của các ngân hàng lên tới hàng ngàn, thậm chí là hàng chục ngàn tỷ đồng.

TS. Nguyễn Xuân Thành nhận định: “Chúng ta thường nói, Việt Nam có đặc thù riêng so với các nước khác, song thực ra là không đặc thù lắm. Hệ thống ngân hàng các nước đều có điểm chung là khi nào gặp trục trặc, nợ xấu tăng, tín dụng sau một thời gian giảm mạnh, bắt đầu tăng trở lại, thì một phần tăng của tín dụng nằm ở phần kém minh bạch nhất trong báo cáo tài chính: các tài sản khác, các khoản thu khác. Đây chính là các khoản nợ quá hạn, nhưng không ghi là nợ xấu, mà chuyển sang công ty ủy thác đầu tư, bán nợ xấu trên giấy… Tại nhiều ngân hàng, nợ xấu nằm trong khoản phải thu này. Chính vì thế, một số ngân hàng thời gian qua báo cáo nợ xấu thấp, nhưng khi Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, thì tỷ lệ nợ xấu lên tới 50 - 60%”.

Sở dĩ nhiều ngân hàng có thể giấu nợ xấu, tăng ảo lợi nhuận qua hạng mục “các khoản thu khác”, bởi khoản thu này không bị bắt buộc thuyết minh trong báo cáo tài chính của các ngân hàng. Điều đáng lo là, một lượng lớn “khoản phải thu khác” trong báo cáo tài chính của các ngân hàng là khoản tiền mà ngân hàng ủy thác đầu tư qua các công ty sân sau của các cổ đông lớn. Nói cách khác, hình thức kinh doanh này khiến tín dụng và lợi nhuận có vẻ tăng, song thực chất, vốn không chảy ra nền kinh tế, mà chỉ chảy vào sân sau của một số cổ đông và lợi nhuận cũng chỉ rơi vào túi một số cổ đông.

Để dẹp bỏ tình trạng trên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên yêu cầu các ngân hàng phải thuyết minh rõ ràng về hạng mục “các tài sản khác, các khoản phải thu”. Bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán cũng không được chấp nhận những báo cáo tài chính mà việc thuyết minh về các khoản thu khác không rõ ràng.

Theo Thùy Liên (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.