Kết thúc quý 1-2017, tăng trưởng tín dụng đạt tới 4,06%, cao nhất trong 6 năm qua. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng vẫn tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dư nợ tín dụng đối với những lĩnh vực này chiếm khoảng 80%. Tuy nhiên, tín dụng vào các lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có bất động sản (BĐS), vẫn đang có xu hướng tăng.
Vay tiêu dùng tại TPHCM hiện chiếm 10% dư nợ, trong đó vay mua nhà cá nhân chiếm tỷ trọng khá lớn (Khách hàng tìm hiểu vay mua nhà tại ngân hàng). Ảnh: Huy Anh
Tiền vẫn chảy vào bất động sản qua kênh tiêu dùng
NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, tại khu vực TPHCM, tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 3-2017 đạt 1.518.200 tỷ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2016 và tăng 19,15% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cơ cấu tín dụng có xu hướng thay đổi theo chiều hướng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực phi sản xuất (BĐS, tiêu dùng và chứng khoán) tăng dần.
Một vị lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cũng nhìn nhận, mặc dù tín dụng vẫn chủ yếu tập trung vào sản xuất, kinh doanh, song tỷ trọng trong tổng dư nợ đã thấp hơn so với trước đây. Hiện tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chiếm 75% - 78%, trong khi đó trước đây là 80% - 83%.
“Bài học về tăng trưởng tín dụng nóng còn nguyên giá trị, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì thế, NHNN chi nhánh TPHCM yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định cũng như các khuyến nghị của NHNN tại các chỉ thị về hoạt động ngân hàng năm 2017. Trong đó, thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất, về cho vay và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được NHNN phê duyệt”, vị này cho hay.
Thực tế cho thấy, mặc dù từ đầu năm, NHNN đã có nhiều chính sách nhằm siết tín dụng vào BĐS nhưng nhiều ngân hàng thương mại vẫn đưa ra nhiều gói cho vay mua và sửa chữa nhà thông qua gói tín dụng tiêu dùng. Lãnh đạo các ngân hàng cũng cho biết, chỉ hạn chế cho vay đối với các chủ đầu tư dự án vì từ đầu năm 2017, tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 60% xuống còn 50%, đồng thời hệ số rủi ro với các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS tăng từ 150% lên 200%.
Riêng đối với vay mua nhà đất cá nhân thì các ngân hàng vẫn rộng cửa. Thậm chí, có nhiều ngân hàng đưa ra gói tín dụng cho vay mua nhà đất cá nhân lên đến 20 năm để kéo dài thời gian trả nợ cho khách hàng, từ đó thu hút khách vay.
Đó cũng là lý do mà cho vay tiêu dùng, trong đó cho vay cá nhân mua nhà đất, sửa chữa nhà tại TPHCM tăng khá mạnh trong những tháng đầu năm 2017. Thống kê cho thấy, vay tiêu dùng hiện chiếm 10% dư nợ, trong đó cho vay mua nhà cá nhân chiếm tỷ trọng khá lớn.
Kiểm soát tín dụng bất động sản
Ở một diễn biến liên quan, Bộ Xây dựng cho biết lượng giao dịch BĐS tháng 3-2017 đã tăng trở lại sau khi bị chững trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, giao dịch tại Hà Nội trong tháng 3 tăng 17% so với tháng 2, tại TPHCM tăng 22%. Nhìn chung, thị trường BĐS 3 tháng đầu năm tiếp tục phát triển, các giao dịch chủ yếu vẫn diễn ra tại phân khúc trung và cao cấp.
Liên quan đến giá BĐS, báo cáo của Công ty CBRE cho biết, quý 1-2017, tất cả các phân khúc chung cư đều chứng kiến mức tăng giá sơ cấp tính theo năm. Trong đó, phân khúc cao cấp và hạng sang tăng mạnh nhất ở mức 8,4% và 12,3%. Đặc biệt, tại thị trường thứ cấp, mức giá trung bình toàn thị trường tăng 0,5% theo năm.
Báo cáo với Thủ tướng về thị trường BĐS TPHCM 3 tháng đầu năm, Hiệp hội BĐS TPHCM cũng nhìn nhận: Về toàn cục, thị trường BĐS vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro; trong đó, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội đổ vào thị trường BĐS rất lớn nhưng có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.
Đáng lưu ý là đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chỉ riêng phân khúc BĐS cao cấp, tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lên đến hơn 60%) và còn có hiện tượng “sốt giá ảo” trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện như quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi…
Trước diễn biến này, nhiều chuyên gia cho rằng, khi tín dụng vào BĐS chỉ để mua đi - bán lại kiếm lời sẽ không đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, mặc dù các ngân hàng luôn đưa ra các gói lãi suất ưu đãi dành cho cá nhân mua nhà nhưng thường chỉ trong vài tháng đầu, cao nhất là một năm, là ở mức khá “dễ thở”, còn sau đó lãi suất được thả nổi và ngân hàng rất chậm chạp trong việc điều chỉnh giảm theo xu hướng thị trường.
Khi đó, người mua nhà sẽ chịu nhiều rủi ro. Do đa số đều vay 70% - 80% để mua nhà nên khả năng tăng nợ xấu cho ngân hàng cũng rất lớn. Chính vì thế, để gia tăng hiệu quả dòng vốn đối với nền kinh tế cũng như giảm thiểu rủi ro, cần phải kiểm soát chặt đích đến của dòng tín dụng.
Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết để thị trường BĐS phát triển tích cực, NHNN đang yêu cầu các ngân hàng tập trung xử lý nợ xấu nói chung, trong đó có nợ xấu BĐS để kéo giảm tỷ lệ nợ xấu hiện nay của TPHCM xuống dưới 3% vào cuối tháng 9.
Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng phải đảm bảo tốc độ tăng tín dụng BĐS ở mức hợp lý, khoảng 10% như trong 2 năm gần đây, để đảm bảo thị trường phát triển tích cực. Trong định hướng, giải pháp điều hành tín dụng trong thời gian tới, NHNN cũng cho biết sẽ kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Đặc biệt, NHNN nhấn mạnh sẽ theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung hạn, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, các dự án BOT, BT giao thông.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mặc dù tín dụng đầu tư và kinh doanh BĐS đã tăng chậm lại trong năm 2016 (chỉ tăng 12,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 28,3% của năm 2015), nhưng đã có sự “biến tướng” khi tín dụng tiêu dùng 2016 ước tăng tới 39% so với cuối năm 2015, chiếm 11,4% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,8%). Trong đó, gần 50% tín dụng tiêu dùng tập trung vào cho vay sửa chữa nhà, mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách hàng vay.
Hạnh Nhung (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.