15/02/2012 12:46 AM
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành phải đưa ra chính sách phát triển nhà ở cho thuê

Ngày 14-2, Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) đã họp bàn tìm lối ra về việc phát triển nhà ở và quản lý thị trường BĐS trong bối cảnh ảm đạm hiện nay. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến các bộ, ngành tập trung vào giải pháp tìm mọi cách để khơi thông dòng vốn đổ vào thị trường BĐS.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng do nguồn vốn từ ngân hàng đang tạm thời siết lại nên nhiệm vụ chính đặt ra trong năm 2012 là phải giải quyết được nguồn vốn để các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện những dự án còn dang dở nhằm lấy lại lòng tin của thị trường. Ông Nam cho biết Bộ Xây dựng đang cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất các chính sách mới nhằm tìm kiếm thêm nguồn vốn cho xây dựng phát triển nhà ở. Nhiều ý kiến cho rằng cùng với việc hoàn thiện mô hình quỹ tiết kiệm nhà, cần tìm ra những mô hình mới, kênh huy động vốn mới cho thị trường này.

Tuy nhiên, bày tỏ sự nghi ngại với sự “tố khổ” của doanh nghiệp là họ đang thua lỗ lớn mà thị trường vẫn đóng băng, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhìn nhận: Với mặt bằng giá hiện nay và sự sôi động của thị trường BĐS từ đầu năm 2011 trở về trước mà doanh nghiệp kêu thua lỗ là thiếu cơ sở. Cần phải có đánh giá xác định thực trạng tài chính và nguyên nhân nếu có thua lỗ thật.

Ông Nguyễn Đồng Tiến khẳng định sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt đối với BĐS. Đồng thời vẫn đánh giá lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS thuộc nhóm không khuyến khích đối với tín dụng. Song để trấn an doanh nghiệp và thị trường, ông Tiến cho biết Ngân hàng Nhà nước vẫn nới tín dụng với những nhu cầu bức thiết của xã hội như xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, nhà ở công nhân; các công trình, dự án, nhà ở sắp hoàn thành và đưa vào bàn giao trong năm 2012...

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đồng Tiến cũng bày tỏ lo ngại về mặt bằng giá BĐS hiện nay quá cao so với khả năng của số đông người dân và so với giá trị thực của BĐS. Nguyên nhân là thị trường này bị làm giá, mua đi bán lại qua nhiều “cầu”. “Vì vậy, cần hết sức thận trọng khi tiếp thêm nguồn tài chính cho thị trường BĐS vì có thể dẫn đến mất cân đối cung - cầu, đặc biệt là phân khúc nhà ở đang ở tình trạng thanh khoản kém. Việc đẩy giá BĐS tăng dẫn đến khó kiểm soát lạm phát, khó đưa lãi suất trở về mặt bằng thấp và càng chất thêm gánh nặng cho nền kinh tế, cũng như đời sống” – ông Tiến nói. Ông Nguyễn Đồng Tiến khẳng định nợ xấu BĐS vẫn trong tầm kiểm soát và không đáng lo ngại như quan điểm của một số chuyên gia.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành phải đưa ra chính sách phát triển nhà ở cho thuê. Hiện nhiều quốc gia có tỉ lệ nhà cho thuê rất cao (80%-90%) và nhà ở sở hữu cá nhân rất ít.

Theo Người lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.