Tồn kho là "nỗi khổ rất lớn"
Hàng loạt những khó khăn, bức xúc của các DN BĐS đã được bày tỏ trong buổi “Diễn đàn đối thoại giữa chính quyền Thành phố và DN BĐS” vừa được tổ chức tại TP HCM.
vấn nạn của DN BĐS hiện nay là hàng tồn kho. Ông Nguyễn Văn Đực – CTCP Địa ốc Đất Lành cho biết, hiện trên địa bàn TP. HCM còn khoảng 7.000-8.000 căn hộ tồn kho. Đây là nỗi khổ rất lớn từ nhiều năm của DN BĐS.
Tồn kho sản phẩm khiến có DN đọng vốn tới 4.000-5.000 tỉ đồng. Số tiền nợ không giảm mà còn tăng bởi lãi vay ngân hàng mỗi năm lên tới vài trăm tỉ đồng.
TP. HCM còn khoảng 7.000-8.000 căn hộ tồn kho. Ảnh minh họ: dothi.net
Lãi vay nhiều DN còn phải chịu mức 15-19%/năm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho biết. Đây là mức lãi suất quá cao và gây khó khăn về tài chính cho DN bởi dự án kéo dài. Trong khi trần lãi suất huy động ngắn hạn của ngân hàng chỉ 6%/năm. Đề nghị Chính phủ yêu cầu NHNN giảm lãi các khoản vay cũ cho DN BĐS ở mức 12%/năm.
Để tháo gỡ khó khăn từ thị trường khiến DN ngành này đang lao đao, ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thu Duc House) cho rằng, Chính phủ nên xem lại cách tính giá đất và mức giá cho phù hợp. Vì trước đây khi nóng sốt giá cả BĐS còn cao, doanh thu cao, nay khó khăn Chính phủ nên tính lại mức giá thị trường để tính giá đất phải nộp tiền sử dụng đất. Đây cũng là một cách giúp đỡ DN trong tình hình quá khó này.
Tính ra chủ đầu tư phải đóng 02 lần tiền đất, vì vừa phải đóng 100% tiền sử dụng đất, vừa đóng 100% tiền bồi thường cho người dân. Kiến nghị Nhà nước nên tính giá đất theo giá thị trường và DN chỉ đóng khoảng 10-20%.
Còn ông Nguyễn Xuân Quang – Chủ tịch HĐQT CTCP Địa ốc Nam Long cho biết, sau năm 2009, công tác đền bù giải phòng mặt bằng rất khó khăn, đề nghị khi chủ đầu tư đền bù đượckhoảng 80% thì được giao đất, bởi nếu yêu cầu đền bù 100% thì các dự án cách đây 3-7 năm, vốn bị đội lên rất cao. Hiện lãi suất vay đang khoảng 12-15%/năm, cách đây vài năm lãi suất 20%/năm thì mỗi năm chậm trễ giá thành sẽ bị đội lên khoảng 15%.
Trường hợp của CTCP Quốc Cường Gia Lai. Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT cho biết, DN hiện có 01 dự án ở Phước Kiểng (huyện Nhà Bè) đang vướng từ năm 3 năm nay. Khi DN xin bắc cầu từ dự án Tân Kiểng qua Phước Kiểng thì Sở Giao thông Vận tải đã cho phép thực hiện trong 01 năm. Đến nay, DN giải tỏa được 82%, còn 18% chưa giải tỏa được vì các hộ dân đòi giá đền bù quá cao.
Huyện Nhà Bè thì yêu cầu phải đền bù xong mới cho san lấp xây cầu và phải làm bờ kè. Nhưng DN chưa được giao đất thì làm sao làm bờ kè? DN đã gửi nhiều văn bản tới huyện Nhà Bè nhưng chưa xong, cứ lòng vòng, trong khi Quốc Cường Gia Lai đã đầu tư từ năm 2005 đến nay.
Các DN cũng đề nghị áp dụng cách đền bù theo tiến độ dự án. Chẳng hạn, Phú Mỹ Hưng đầu tư 4.000 ha, nhưng mỗi năm đưa ra khoảng vài dự án, sản phẩm của 20 năm trước khác giá với sản phẩm hiện nay.
Thủ tục bị ngâm
Bức xúc về thủ tục hành chính trong lĩnh vực BĐS quá lâu, ông Trần Văn Mười, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn quốc tế Năm sao, đề nghị thủ tục hành chính nhanh nhất là rút ngắn thời gian càng nhiều càng tốt giúp DN giải quyết vấn đề. Một dự án kéo dài từ 3-5 năm trong khi đa số các DN đi vay tiền, tiền lãi cao sẽ khiến đội vào giá thành chung cư lên cao.
Mặc dù lãnh đạo từ cấp trưởng phòng trở lên ở phòng tài nguyên, phòng quản lý đô thị làm rất tốt. Nhưng từ phó phòng trở xuống đến nhân viên các quận huyện ngâm hồ sơ rất lâu. Cụ thể, hồ sơ một dự án khi đưa tới Sở Xây dựng phải mất 3 tháng. Vướng ở chỗ hồ sơ bị ngâm ở phòng tài nguyên, phòng quản lý đô thị.
Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Bến Thành Land cho biết, không có dự án nào 3-7 năm mà hoàn thành được, yếu tố rất lớn là thủ tục hành chính quá nhiêu khê. Có dự án muốn chuyển đổi thì thủ tục mất vài năm là bình thường và chưa đi đến đâu.
Trả lời những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, vấn đề cải cách hành chính thành phố đã làm nhiều nhưng rất chậm. Các quy định còn chồng chéo, rườm rà, chưa minh bạch gây phiền hà cho người dân và DN. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì Thành phố sẽ giải quyết ngay cho DN, hoặc không thuộc thẩm quyền thì kiến nghị Chính phủ giải quyết.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM, Sở đang rà soát và xem xét lại quy trình 8 bước từ lúc chấp thuận đầu tư cho đến khi khởi công dự án. Vì theo quy trình này hiện DN BĐS phải mất ít nhất là 24 tháng và nhiều nhất là 27,5 tháng, nếu thủ tục vướng mắc thì sẽ lâu hơn.