Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TPHCM) có quy mô gần 2.000 căn hộ, với kinh phí đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng, nhưng sau gần 10 năm đưa vào sử dụng vẫn vắng bóng người. Giải pháp nào cho các căn hộ không có người ở, đang xuống cấp nặng?

Những dãy chung cư trong khu tái định cư Vĩnh Lộc B hoang vắng, xuống cấp từng ngày

Hoang tàn, xuống cấp

Năm 2008, để phục vụ tái định cư cho các gia đình bị giải tỏa nhà, TPHCM đã đầu tư 1.000 tỷ đồng để xây dựng khu tái định cư Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) quy mô 1.939 căn hộ và 529 nền đất. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị được UBND TPHCM giao làm chủ đầu tư dự án. Đến khi khu tái định cư hoàn thành, rất ít người dân diện tái định cư đến ở. Sau gần 10 năm đưa vào sử dụng, đến nay chỉ mới có chừng 25% số căn hộ có chủ, còn hơn ngàn căn hộ đóng cửa, không có người nhận.

Chạy dọc theo các tuyến đường số 2-II, 5A trong dự án, từng dãy chung cư im lìm không có bóng người. Cỏ dại lâu ngày không được phát hoang đã cao quá lưng người, bao trùm mặt bằng chung cư. Các block chung cư lâu năm không có người ở đã xuống cấp, hư hỏng nhiều.

Hành lang, lối đi bị sụt lún. Hệ thống hộp thiết bị chữa cháy, cái còn cái mất. Nhìn lên tường chung cư thấy nhiều vết nứt kéo dài, chằng chịt. Người dân ở đây cho biết, chất lượng căn hộ chung cư và hạ tầng ở khu tái định cư rất kém, mới ở vài năm mà mỗi hộ đã phải đầu tư tiền triệu nâng cấp, sửa chữa, chủ yếu là chống thấm, vá vết nứt.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thông tin: “Chính quyền đã tìm nhiều biện pháp để thu hút người dân đến ở. Nhiều công trình phụ trợ được xây dựng như siêu thị, trường học, nhà trẻ, nhưng vẫn không đủ sức thu hút cư dân. Người dân phải giải tỏa nhà không mặn mà với căn hộ tái định cư khu Vĩnh Lộc B vì xa nơi ở cũ, rất khó khăn trong công việc kiếm sống.

Còn có nguyên nhân nữa là chất lượng căn hộ chung cư và hạ tầng thấp. Huyện đã nhiều lần tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng căn hộ khu tái định cư. Do huyện Bình Chánh nhận bàn giao từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị chứ không trực tiếp làm chủ đầu tư, nên không kiểm soát được chất lượng”. Nhiều năm không sử dụng, nhà cửa, hạ tầng đường sá, hệ thống chữa cháy càng xuống cấp nhanh hơn.

Đấu giá hay chuyển sang nhà ở xã hội?

Cả ngàn căn hộ tái định cư bỏ trống gần chục năm đã gây lãng phí lớn cho xã hội. Trong khi các căn hộ và hạ tầng vẫn đang xuống cấp từng ngày, các sở ngành liên quan như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và UBND huyện Bình Chánh vẫn đang loay hoay tìm giải pháp để đưa dân vào lấp đầy căn hộ trống.

Sau nhiều biện pháp thu hút người dân diện tái định cư đến ở nhưng không đạt kết quả như mong muốn, đầu tháng 6-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND TPHCM phương án bán đấu giá căn hộ tái định cư để thu hồi tiền cho thành phố. Đây là chủ trương mới nên khi thực hiện gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, cùng với yếu tố khó khăn về cơ chế, thủ tục, do chất lượng chung cư quá thấp, nhiều căn hộ bị hư hỏng nên đến thời điểm này đề xuất trên vẫn chưa được triển khai.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết trong khi cả ngàn căn hộ tái định cư bị để trống nhiều năm nay, vẫn đang còn nhiều cán bộ, nhân viên và người thu nhập thấp trên địa bàn không có nhà ở. Trước thực tế việc bố trí nhà ở cho người dân diện tái định cư không khả thi, UBND huyện Bình Chánh đã có văn bản đề xuất chuyển từ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội.

Đề xuất của huyện không những “giải cứu” khu tái định cư mà còn giải quyết chỗ ở cho gần 1.000 hộ gia đình cán bộ, nhân viên, người thu nhập thấp trên địa bàn. Rất mong các ban, ngành thành phố khẩn trương vào cuộc giải quyết dứt điểm. UBND TPHCM cũng cần thanh tra làm rõ trách nhiệm những cán bộ, đơn vị đã gây ra sự lãng phí này.

Trần Yên (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.